2.1.1. Khái niệm văn hóa
ở Việt Nam, thuật ngữ văn hoá xuất hiện khi nào? Trong di sản của lịch sử tư tưởng dân tộc, chúng ta khó có thể tìm thấy một hệ thống lý thuyết văn hóa cũng như những tác phẩm chuyên bàn về văn hóa, tuy nhiên không vì thế mà ngày nay chúng ta không tìm được những quan niệm về văn hóa của người xưa. Nhìn chung các quan niệm về văn hóa thường nằm trong các quan điểm chính trị, xã hội và chúng được thể hiện qua hàng loạt các khái niệm như văn hiến, phong tục, hào kiệt… Với quan niệm “Văn” nghĩa là sách vở, “Hiến” là đầy đủ, trọn vẹn, Nguyễn Trãi đã khẳng định nước Đại Việt ta có nền văn hiến lâu đời, có phong tục riêng trải qua các triều đại và cùng tồn tại song song với các triều đại Trung Quốc. Lê Quý Đôn cũng cho rằng “Nước ta được gọi là nước văn hiến, trên từ vua chúa, dưới đến các quan cùng nhân dân đều có biên soạn sách vở” [28, tr.101], còn Phan Huy Chú đánh giá “Đến đời nhà Lê, văn hóa lại càng thịnh dần…Văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rộng cả thời đại” [28, tr.103]. Ngoài sách vở, văn chương và lễ nhạc, văn hóa của dân tộc còn thể hiện ở những hào kiệt, nhân tài của dân tộc mà “đời nào cũng có”, “Quốc gia quí người hiền tài, dù có hạt châu minh nguyệt, hòn ngọc chiêu thặng cũng không đáng quí” [28, tr.104]. Sách vở, văn chương, lễ nhạc, người hiền tài để làm gì? Trong một thời gian dài, cha ông ta quan niệm những cái đó nhằm “Bồi dưỡng việc văn và để ý đến đạo đức tốt đẹp” [28, tr.105] để cho đất nước muôn thuở vui cảnh thái bình. Như vậy, điều cốt lõi trong các quan niệm này là gắn văn hóa với văn trị giáo hóa, dùng sách vở, điển chương, lễ nhạc như là một phương tiện để hướng đạo cái “văn” đến với mọi tầng lớp trong xã hội thông qua gương sáng của những bậc hào kiệt, nhân tài để giáo hóa, để xây dựng xã hội thái bình, có văn hiến, có lễ nghĩa. Rõ ràng, những quan niệm về văn
hóa đó đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo Trung Hoa. Với một quan niệm như thế, văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, tạo nên lối sống coi trọng tình cảm, tạo nên một “khung cảnh sinh hoạt êm ấm”, “cái đẹp thanh nhã trong các quan hệ xã hội”... [72, tr.344]. Coi trọng tu thân, xem tu thân là chủ đạo của văn hóa, quan niệm văn hóa là văn trị giáo hóa “mang màu sắc hướng nội về văn hóa” [72, tr.349], chú trọng ở khả năng giúp con người rèn luyện nhân cách và thích ứng với hoàn cảnh xung quanh. Và đương nhiên, nó khác biệt với quan niệm của phương Tây về văn hóa - quan niệm nhấn mạnh đến sự cố gắng của con người trong việc chinh phục tự nhiên, con người là chủ nhân ông của thế giới, là chủ thể của hoạt động văn hóa. Cuộc đụng độ với văn hóa phương Tây ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã buộc các học giả từng bước thừa nhận và tiếp thu quan niệm văn hóa này. Văn hóa với tư cách là một thuật ngữ khoa học đã bắt đầu xuất hiện trong không khí sôi nổi của các cuộc tranh luận học thuật, tư tưởng ở nửa đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên chúng vẫn không nằm tập trung ở một tác phẩm cụ thể mà rải rác trong các bài nghiên cứu trên các báo, tạp chí và có thể khái quát theo ba xu hướng sau:
Thứ nhất, xem xét văn hoá như là các giá trị do con người sáng tạo ra trong quá
trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
Thứ hai, xem xét văn hoá như là đời sống tinh thần của con người.
Thứ ba, đồng nhất văn hóa với chính các thành tố của nó (ngôn ngữ, khoa học,
văn chương…).
Tiêu biểu cho xu hướng thứ nhất là một tên tuổi lớn trong nền văn hóa Việt Nam, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu văn hóa ở nước ta - học giả Đào Duy Anh. Trong cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương” ở thiên Tự luận, Đào Duy Anh đặt vấn đề: tại sao văn hóa của các dân tộc lại khác nhau? Theo ông, đó không phải là do sự khác nhau về học thuật, tư tưởng mà là do cách sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi của một cuốn sách thuộc chương trình ban Cao đẳng tiểu học, Đào Duy Anh không có điều kiện đi sâu vào những vấn đề học thuật, trình bày sâu sắc khái niệm văn hóa. Mặc dù tiêu đề của phần tự luận có
tên “Văn hóa là gì?” nhưng ông mới chỉ “giải thích qua loa” thuật ngữ này. Công việc đó chỉ được thực hiện trong cuốn sách cũng có tên “Văn hóa là gì?” viết vào năm 1945, Đào Duy Anh nhắc lại mối quan hệ giữa văn hóa và sinh hoạt, đồng thời ông phân tích sâu sắc mối quan hệ này để từ đó đi đến một quan niệm “Văn hóa tức là ph- ương thức sinh hoạt” [3, tr.8]. Với cách tiếp cận này, ông đã đề cập đến một phạm vi rất rộng của văn hóa, bao hàm tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người, từ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần cho đến sinh hoạt xã hội. Cách sinh hoạt của mỗi dân tộc quy định bởi trình độ phân công hợp tác trong lao động, các dân tộc sơ khai ở giai đoạn du mục, nông nghiệp khác với các dân tộc văn minh ở chế độ công nghiệp, tương ứng với sự khác nhau đó là sự khác nhau về văn hóa. Mặc dù coi văn hóa và sinh hoạt có mối quan hệ mật thiết với nhau song theo ông văn hóa và sinh hoạt là hai cái khác nhau, chúng không đồng nhất với nhau. Chẳng hạn, người nông dân cày ruộng đó là sinh hoạt chứ không phải hoạt động văn hóa nhưng người xưa nhờ kinh nghiệm và thiên tài mà làm ra lưỡi cày đồng, lưỡi cày sắt thay cho lưỡi cuốc đá, biết dùng trâu bò thay cho sức người là đã sản sinh ra giá trị văn hóa, làm cho văn hóa tiến bộ. Hoặc một ví dụ khác, người mất trộm vác đơn đi kiện, ông quan tòa ngồi xử kiện, đó là sinh hoạt còn tất cả những người đã tham dự vào sự tạo thành tục lệ hay pháp luật là hoạt động về văn hóa. Như vậy, cái “sinh hoạt” mà Đào Duy Anh dùng để chỉ văn hóa không phải là những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống hàng ngày, theo ông chỉ những sinh hoạt sáng tạo ra những giá trị mới được gọi là văn hóa. Đương nhiên, những giá trị đó chỉ được nảy nở trong hoạt động, trong sinh hoạt của con người, cho nên văn hóa không thể “lìa sinh hoạt” mà phát triển được, nó chỉ có thể phát triển ở trên “đám đất sinh hoạt” mà thôi. Khi phương thức sinh hoạt thay đổi, văn hóa cũng không thể nào đứng yên được. Nếu con người nhận thức đúng đắn những điều kiện thay đổi của sự sinh hoạt mà hoạt động theo chiều thay đổi ấy thì sự hoạt động có thể giúp cho văn hóa biến đổi dễ dàng mau chóng, ngược lại có thể cản trở sự phát triển của văn hóa. Những phát minh của loài người như lửa, quần áo, nhà cửa đến những phương tiện hiện đại như máy phát điện, tàu hỏa, máy bay hay từ cái ma thuật, thần thoại của người cổ đại cho đến nghệ thuật, triết học và khoa học đời nay là “biểu hiện những trạng thái sinh hoạt của loài người”. Đào Duy Anh cho rằng tất cả những biểu hiện đó kết tinh
thành những hình thức tương đương mà ta gọi là giá trị văn hóa. Từ đó, ông đi đến một định nghĩa “Văn hóa là những giá trị biểu hiện cuộc sinh hoạt mạnh mẽ của loài người trong cả phương diện vật chất, tinh thần và xã hội” [3; tr.9]. Nó bao gồm: hình thái kinh tế, hình thái chính trị, pháp luật, binh chế, giáo dục, ngôn ngữ, văn tự, văn học, nghệ thuật, triết học, phong tục, lễ nghi, tôn giáo…
Tồn tại song song với xu hướng tiếp cận trên, một số học giả khác lại tiếp cận văn hóa như là đời sống tinh thần của con người. Họ là những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Pháp. Xuất phát từ cách hiểu culture như là sự vun xới tinh thần, Phạm Quỳnh đưa ra định nghĩa “Văn hóa là cái cách đào luyện tinh thần” [43; tr.630]. Nếu so sánh con người với cái cây thì văn hóa là cách trồng cây, bón cây, tưới cây, cho nở ngành xanh ngọn, “nảy nở được hết cái tinh hoa”, “cây có trồng mới tốt, người có hóa người mới hay” [43, tr.635]. Từ đó, học giả này đi đến xem xét cách trồng người của dân tộc ta từ xưa đến nay. Con người Việt Nam là con Lạc cháu Hồng vốn dĩ không phải là “giống cỏ ươn hèn của Tạo vật” mà hôm nay “khô héo mà úa tàn”, theo Phạm Quỳnh, nguyên nhân là do chưa biết cách “vun xới”. Trồng theo lối cũ, tức là theo Nho giáo chỉ gây được giống cây non bộ “nhỏ nhen lí tí, thấp hẹp bần cùng, đặt trong chậu sành, chậu sứ, bể cạn tường hoa thì được, chứ đem ra nắng cả gió to được mấy nả” [43, tr.631]. Đó là kết quả của lối giáo dục thời phong kiến, còn thời nay, tức là trong buổi hội nhập với văn hóa phương Tây thì tình hình cũng chẳng tốt đẹp hơn. Trồng theo lối mới cũng chỉ mọc ra những cây tầm gửi dây leo “quấn vào chung quanh cây lớn thời sống được, chứ thả ra mềm oặt sống đứng sao” [43; tr.631]. Cho nên, đối với một dân tộc có văn hóa là phải “vun trồng tự nơi căn bản mà đi. Nêú bỏ căn bản của mình mà chuyên phóng chép của người, thời là công cái dã tràng xe cát bể Đông” [43, tr. 634]. Rõ ràng, cách hiêủ này của ông đã thể hiện sự dung hòa quan niệm về văn hóa của phương Tây với quan niệm coi văn hóa là “văn trị giáo hóa” của phương Đông. Điều này nhất quán với con người của Phạm Quỳnh, một người luôn đeo đuổi sự nghiệp dung hòa hai nền văn hóa vốn có nhiều điểm khác biệt này. Cũng quan niệm văn hóa trên phương diện tinh thần, nhà văn Lan Khai cho rằng, dân tộc này với dân tộc kia khác nhau ở chỗ mỗi dân tộc có một tinh thần riêng. Điều đó tạo nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa nhân loại, như một “bức thảm trăm màu. Không ai nhẫn
tâm phá bức thảm quý giá ấy hoặc cho nó trở nên lèm nhèm, đen không hẳn đen, vàng không hẳn vàng, mà đỏ cũng không thành đỏ” [33, tr.248]. ở đây đã thấp thoáng tư tưởng mà ngày nay chúng ta gọi là sự tôn trọng tính đa dạng văn hóa của các dân tộc. Vậy tinh thần hay nói cách khác, văn hóa của dân tộc là gì? Lan Khai quan niệm: là kết quả của “sự gom góp tất cả những nết hay mà dân tộc ấy có” [33, tr.250]. Nết hay ở đây được hiểu chính là những giá trị văn hóa tinh thần của một dân tộc được bồi đắp qua bao thế hệ, suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đó. Dân tộc nào không có một tinh thần riêng mạnh mẽ, tất phải tiêu diệt. Cho nên bước đi đầu tiên để gây dựng nền văn hóa của một dân tộc là phải tạo ra một cuộc sống “độc lập về tinh thần”. Học giả Trần Trọng Kim cũng quan niệm mỗi một dân tộc có một tinh thần riêng, ông ví như cái cây có cội rễ ăn sâu xuống đất, cây nào rễ tốt hút được nhiều khí chất thì cây tốt tươi còn cây nào không đủ khí chất thì lá cành còi cọc. Cái tinh thần của một dân tộc cũng vậy, được gây dựng trải qua bao nhiêu đời “lưu truyền mãi mãi mới thành ra kết qủa ngày nay” [33, tr.346], cho nên dân tộc nào “cường thịnh” là biết “giữ cái tinh thần của mình được tươi tốt luôn” còn dân tộc nào “suy nhược’ là vì để cho tinh thần “hư hỏng đi, không biết tìm cách mà nuôi nó lên” [33, tr.346]. Như vậy, quan niệm văn hóa là đời sống tinh thần mà các học giả trên đây đưa ra hoàn toàn mang tính thế tục chứ không theo cách hiểu về tinh thần của tôn giáo. Đời sống tinh thần hay văn hóa ở đây hướng tới các lý tưởng cao cả về cái đẹp, cái tốt, cái đúng và niềm tin vào con người.
Trong giai đoạn này, nhiều học giả cũng đã nghiên cứu văn hóa ở các yếu tố của nó. Từ việc phân tích nguồn gốc ra đời và vai trò của ngôn ngữ văn tự đối với một dân tộc, Ngô Đức Kế cho rằng từ khi có chữ thì “mới tiềm tiệm có văn hóa” và mỗi dân tộc đều có một thứ ngôn ngữ văn tự riêng, nói một cách khác, ngôn ngữ văn tự là văn hóa, khác nhau về ngôn ngữ văn tự là khác nhau về văn hóa. Sự khác nhau này dẫn đến sự khác nhau về tính tình, phong tục, học thuật, tôn giáo…Dân tộc nào còn thì ngôn ngữ văn tự còn, dân tộc nào tiêu diệt thì ngôn ngữ văn tự cũng bị tiêu diệt. Mỗi một dân tộc có một cách “vận chuyển, phô diễn tư tưởng riêng”. Cách vận chuyển phô diễn ấy là “tinh túy riêng của một ngữ ngôn, một dân tộc. Mất cái ấy là mất Quốc hồn đó” [33, tr.235] Ngô Đức Kế lấy ví dụ, trước kia người Việt trọng chữ Hán cho nên trong văn hóa dân tộc từ học thuật cho đến chế độ điển chương đều có cội nguồn từ
Hán học. Từ khi Pháp sang đô hộ, chúng ta bỏ chữ Hán để chuyển sang Pháp văn, Ngô Đức Kế mượn câu của người Pháp “Tiếng và chữ của dân tộc nào là cái gươm cùng cái thuẫn của dân tộc ấy” [33, tr.224] để cảnh báo nguy cơ mất ngôn ngữ văn tự là mất văn hóa: gươm cùng thuẫn của dân tộc đã mất thì lấy gì để “giữ mình” tức là giữ được văn hóa của dân tộc. Cũng tiếp cận văn hóa ở các thành tố, Nguyễn Triệu Luật quan niệm cấu trúc của văn hóa bao gồm ba phần: khoa học, tư tưởng - học thuật và văn ch- ương. Trong đó, khoa học là những gì liên quan đến kỹ xảo cơ khí, khoa học tự nhiên; tư tưởng - học thuật gồm những tác phẩm triết học còn văn chương là các áng văn hay của một dân tộc. Trong ba phần đó, theo ông chỉ có phần thứ nhất, thứ hai là có thể thu nhận từ phương Tây mà không hại cho văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, những tư tưởng thuộc khoa học, triết học, học thuật có tính chất phổ thông, đọc những sách đó “tư tưởng của ta giàu thêm mà không có hại”. Trái lại, những sách thuộc về văn chương là cách vận dụng tư tưởng riêng của từng nước nếu đọc loại sách này của dân tộc khác chỉ “tiêu dần hồn An Nam”.
Trên cơ sở hiểu về văn hóa như vậy, trong giai đoạn này các học giả cũng đã đề cập đến mối quan hệ của văn hóa với một số khái niệm có liên quan như văn minh, giáo hóa, sáng hóa, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần…
Trước hết là mối quan hệ của văn hóa với văn minh. Khái niệm văn minh theo cách hiểu của phương Tây đầu tiên được nhắc đến trong “Văn minh tân học sách” do những nhà sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục viết năm 1904, trong đó các học giả chủ yếu tập trung vào so sánh “văn minh tĩnh” của nước ta với “văn minh động” của châu Âu để tìm ra nguyên nhân sự trì trệ của dân tộc và tìm kế mở mang cho dân tộc phát triển. Học giả Phạm Quỳnh trong cuốn “Văn minh luận” biên dịch năm 1927 đã đưa ra định nghĩa về văn minh “Văn minh là gồm những nguyên chất đã gây thành ra xã hội có trật tự, và khiến cho người ta thắng đoạt được vạn vật, làm chủ được địa cầu” [44, tr.8]. Phạm Quỳnh cho rằng văn minh là kết quả của những nguyên nhân thuộc về tinh