1. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu khác
1.1. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Trước hết cần hiểu tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác do lợi dụng tình trạng họ không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình.
Tội trộm cắp tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có nhiều dấu hiệu giống nhau, đó là:. cả hai tội đều xâm phạm đến khách thể bảo vệ của luật hình sự là quan hệ sở hữu tài sản thông qua việc tác động đến đối tượng là tài sản làm biến đổi tình trạng bình thường của tài sản. Cả hai tội phạm đều có cấu thành vật chất, dấu hiệu hậu quả nguy hiểm được phản ánh trong cấu thành tội phạm đó là thiệt hại về tài sản biểu hiện dưới dạng tài sản bị chiếm đoạt, điều
luật quy định mức tối thiểu giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm cơ sở truy cứu TNHS, theo đó người có hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ mức tối thiểu trở lên sẽ phải chịu TNHS về tội phạm tương ứng. Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội đều là lỗi cố ý trực tiếp và mục đích phạm tội là mục đích chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội đều là chủ thể thường có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định.
Về điểm khác nhau giữa hai tội, có thể thấy điểm khác biệt cơ bản nhất là về hành vi khách quan của tội phạm: hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, còn hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản ngay trước sự chứng kiến của chủ tài sản, thực tế thường gặp một số trường hợp sau:
Người phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản, ví dụ: A đi chơi về nhìn thấy B đang tắm dưới sông, trên bờ dựng chiếc xe máy và có bộ quần áo vắt trên xe nên biết đó là xe của B. A lại gần chiếc xe thấy chiếc chìa khoá đang cắm trong ổ khoá nên mở khoá phóng xe đi, lúc đó B chỉ còn biết hô cướp. Trường hợp này A đã lợi dụng lúc B sơ hở là không rút chìa khoá khỏi xe và vướng mắc là B đang tắm dưới sông, không thể bảo vệ được tài sản của mình nên A đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản ngay trước sự chứng kiến của B mà không cần dùng thủ đoạn nào để đối phó với B; cũng có trường hợp người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như thiên tai, hoả hoạn... làm chủ tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình để chiếm đoạt tài sản, ví dụ: A đang đi trên đường thì bị tai nạn giao thông, vẫn tỉnh táo nhưng không cử động được, người phạm tội lợi dụng tình trạng đó đã ngang nhiên lấy tài sản của A mà A không có cách nào bảo vệ tài sản của mình trước hành vi chiếm đoạt.
Từ sự khác nhau về hành vi phạm tội có thể thấy một điểm khác nữa giữa hai tội là về nhận thức chủ quan của chủ tài sản: ở tội trộm cắp tài sản, hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng khả năng không cho phép chủ tài sản biết khi xảy ra hành vi phạm tội, trước khi xảy ra hành vi phạm tội thì tài sản
vẫn đang trong sự kiểm soát của chủ tài sản nhưng khi xảy ra hành vi phạm tội chủ tài sản không hề biết tài sản của mình bị chiếm đoạt, chỉ sau khi mất tài sản chủ tài sản mới biết; còn ở tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, khi có hành vi chiếm đoạt tài sản chủ tài sản vẫn nhận biết được có hành vi chiếm đoạt nhưng do họ không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình nên người phạm tội mới ngang nhiên chiếm đoạt tài sản mà không cần dùng bất kì thủ đoạn nào để đối phó với chủ tài sản.
Về mặt lí luận, có thể phân biệt hai tội trên ở hành vi phạm tội, nhưng trên thực tế việc phân biệt chúng không đơn giản, có những trường hợp người phạm tội công khai ngang nhiên chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản mà là trộm cắp tài sản, bởi vì tuy có hành vi công khai ngang nhiên chiếm đoạt tài sản nhưng người phạm tội chỉ công khai với những người khác, còn đối với chủ tài sản người phạm tội vẫn có ý thức lén lút khi chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: A và B đang đi trên đường thì bị tai nạn, cả hai đều bất tỉnh, không có ai đứng ra bảo vệ tài sản cho họ, người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh này mà ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của A và B trước sự chứng kiến của những người xung quanh thì vẫn là trộm cắp tài sản bởi vì lúc này A và B không nhận thức được sự việc diễn ra xung quanh mình, không biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt, do vậy đối với A và B thì người phạm tội vẫn lén lút chiếm đoạt tài sản.