nuôi con khi cha mẹ ly hôn
Đa số các bậc cha mẹ khi ly hôn đều rất có trách nhiệm với con, tự nguyện đóng góp phí tổn nuôi con và Toà án chỉ việc ghi nhận sự đóng góp đó. Nhưng không ít trường hợp người không được giao nuôi con không thực hiện
nghĩa vụ của mình, không giao con hoặc không cấp dưỡng nuôi con. Khi đó, cơ quan THA phải vào cuộc. Tuy nhiên, cấp dưỡng nuôi con và buộc giao con là
dạng án khó thi hành. Án đã có hiệu lực pháp luật, người được THA đã có đơn
yêu cầu THA và cũng đã hết thời gian tự nguyện THA nhưng người phải THA vẫn cứ tìm cách lần lữa, chây ỳ. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Yến Nhi và anh Nguyễn Hồng Yên đã nêu ở phần trên là một ví dụ điển hình. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, theo đơn yêu cầu của chị Nhi, cơ quan THA huyện Thốt Nốt đã cho anh Yên thời gian 30 ngày để tự nguyện giao con. Hết thời gian tự nguyện, anh Yên vẫn không tự nguyện thực hiện quyết định của bản án, do vậy, cơ quan THA đã ra quyết định THA. Mặc cơ quan THA tống đạt các quyết định THA, anh Yên vẫn không chấp hành. Trước sự chống đối của anh Yên, ngày 20/12/2002, cơ quan THA huyện Thốt Nốt ra quyết định cưỡng chế THA đối với anh Yên. Khi đoàn cưỡng chế THA đến nhà thì anh Yên thẳng thừng tuyên bố : Chấp nhận đi tù chứ không giao con ; còn bé Tâm đã được anh Yên đem đi giấu nơi khác. Trước sự chống đối của anh Yên, đoàn cưỡng chế THA đã lập biên bản xử lý hành chính và xử phạt hành chính với mức phạt là 50.000 đồng. Hết thuyết phục đến cưỡng chế, hết cưỡng chế đến thuyết phục nhưng đâu vẫn vào đấy. Đến giữa năm 2003, cơ quan THA huyện Thốt Nốt đã có văn bản gửi Viện kiểm sát nhân dân và công an huyện Thốt Nốt đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Yên về tội ‘‘Không chấp hành án’’. Tuy nhiên việc khởi tố cũng không xong vì Viện kiểm sát lấy lý do đây là một vụ án tương đối phức tạp, liên quan đến tình cảm con người, là một loại tài sản đặc biệt, nên thực hiện theo đúng bản án sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cháu Tâm và đưa ra quan điểm chờ hướng dẫn của cơ quan THA cấp tỉnh và TANDTC…. Chính sự lừng khừng của các cơ quan bảo vệ pháp luật đã làm cho anh Yên ngày càng trắng trợn, xem thường pháp luật. Ngày 25/5/2005, trong một lần đến thăm con tại trường học, chị Nhi đã bị anh Yên nhục mạ thậm tệ và dùng dao chém lìa bốn ngón tay cùng nhiều vết thương ở đầu và cổ của chị Nhi, ngay trước mặt cháu Tâm. Anh Yên đã bị khởi tố về tội ‘‘ Cố ý gây thương tích’’ nhưng hiện tại, dù anh Yên đã bị tạm giam nhưng gia đình anh vẫn nhất quyết không giao bé Tâm
cho chị Nhi chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong vụ việc này không thể trách cơ quan THA huyện Thốt Nốt vì họ đã làm hết trách nhiệm của mình nhưng ‘‘lực bất tòng tâm’’. Một khi người không được trực tiếp nuôi con kiên quyết không giao con thì dù thuyết phục hay cưỡng chế, cơ quan THA cũng không thể làm cho bản án được thi hành trên thực tế. Qua ví dụ trên chúng ta thấy, việc THA không thực hiện được và rõ ràng là quyền lợi của cháu Tâm không được đảm bảo. Việc không được ở với mẹ – người mà Toà án đã xác định là có điều kiện để cháu phát triển tốt nhất về mọi mặt đã là một thiệt thòi lớn đối với cháu, cộng thêm việc giằng co giữa cha và mẹ trong một thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cháu. Hơn nữa, việc người cha có hành vi bạo lực, dã man với người mẹ của cháu ngay trước mặt cháu và các bạn bè, thầy cô sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và việc học hành của cháu. Liệu cháu có thể ngoan ngoãn nghe theo lời cha khi chính mắt nó thấy mẹ bị cha chém và liệu cháu có bị ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách bởi những hành vi bạo lực này không ? Bản án ly hôn có hiệu lực từ tháng 5/2000 đến nay đã hơn năm năm trôi qua, cơ quan THA huyện Thốt Nốt nhiều lần tổ chức cưỡng chế THA nhưng vẫn không thực hiện được. Bản án không được thi hành, cháu Tâm không được hưởng những quyền lợi chính đáng mà còn phải chịu thêm nhiều thiệt thòi, mất mát.
Trong THA cấp dưỡng nuôi con, có rất nhiều lý do để nó trở thành dạng án khó đòi. Bởi vì án đã tuyên, hai bên đã đồng ý nhưng điều kiện thực tế không cho phép, dù người không trực tiếp nuôi con không có ý định trốn tránh trách nhiệm của mình. Tại bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Toà đã buộc anh Trần Đức Minh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ba con chung do vợ nuôi dưỡng mỗi tháng là 1.200.000 đồng cho tới khi chúng thành niên. Án đã có hiệu lực hai năm nay nhưng anh Minh vẫn không góp một đồng nào để nuôi con. Cán bộ THA xuống nơi ở của anh thì anh nói : ‘‘Các ông có bắt tôi thì tôi chịu chứ tiền đâu mà tôi đóng để nuôi con bởi lương công nhân của tôi mỗi tháng chỉ được 900.000 đồng. Thôi thì trông chờ vào mẹ chúng chứ tôi đâu có tiền’’. Thế là việc cấp dưỡng nuôi con dành chờ khi anh Minh kiếm được nhiều tiền.
Dù người phải THA không có điều kiện THA hay cố tình không THA thì đây cũng là những khó khăn rất khó khắc phục. Cơ quan THA đã làm hết trách nhiệm của mình nhưng kết quả vẫn chỉ là những món nợ khó đòi.
Bên cạnh những lý do trên, những nguyên nhân như cơ quan THA thiếu lực lượng, phương tiện, kinh phí… hoặc cán bộ THA thiếu năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cũng đã gây ra những khó khăn nhất định trong công tác THA giao con và cấp dưỡng nuôi con.
THA là giai đoạn quan trọng trong quá trình bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn và nó là điều kiện không thể thiếu để quyền lợi của trẻ được thực hiện trên thực tế. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện pháp luật nội dung, công tác THA cũng phải được nhà nước quan tâm nhiều hơn để dần khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, nhằm đưa ra các quyết định của Toà án đi vào thực tế.