Trường hợp không có sự thoả thuận của cha mẹ

Một phần của tài liệu Các quy định của pháp luật đất đai về xử lý vi phạm pháp luật đối với người quản lý đất đai (Trang 25 - 27)

Trên thực tế, khi ly hôn, hầu như cha mẹ nào cũng thương con và muốn trực tiếp nuôi con để bù đắp những thiệt thòi, mất mát, những nỗi bất hạnh do chính họ gây ra cho con. Đó là xu hướng tích cực thể hiện tinh thần trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Nhưng theo quy định của pháp luật, đứa con chỉ có thể sống với một người. Cũng vì thế mà nhiều vụ ly hôn cha mẹ không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con. Theo quy định của pháp luật, khi các bên không thoả thuận được thì Toà án sẽ là người đưa ra quyết định, căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Khi yêu cầu Toà án giải quyết, bên nào cũng cố gắng đưa ra những lý do, nêu ra các điều kiện tốt nhất để giành được quyền nuôi con. Vì vậy, Toà án phải hết sức cẩn thận để xem xét tất cả các điều kiện. Khi xem xét giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng thì phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố như đạo đức, lối sống, điều kiện kinh tế, công tác, thời gian, môi trường sống... của cả cha và mẹ, ai là người đã trực tiếp chăm sóc con trước khi ly hôn. Người trực tiếp nuôi con có ảnh hưởng rất lớn đến con vì vậy, những vấn đề trên cần được Toà án xem xét một cách cẩn thận và chính xác.

Trên thực tế, yếu tố đạo đức, lối sống của người trực tiếp nuôi con được đặt lên hàng đầu. Bởi vì nếu người trực tiếp nuôi con có lối sống không tốt, không quan tâm đến cuộc sống và nhu cầu hàng ngày của con thì dù họ có điều kiện kinh tế tốt đến đâu, quyền lợi của người con vẫn không được đảm bảo. Không ai có thể yên tâm giao những đứa trẻ cho người cha hoặc người mẹ suốt ngày rượu chè, cờ bạc, đánh đập, chửi rủa con cái, coi con cái là gánh nặng... Hơn nữa, khi phải sống với người cha hoặc mẹ có đạo đức không tốt thì không những ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con mà vấn đề vật chất cũng khó mà đảm bảo. Khi quyết định, Toà án nên xem xét trước khi ly hôn thì ai là người thường xuyên ở bên cạnh con và chăm sóc con, gắn bó với con nhiều hơn để tránh thiệt thòi cho con.

Khả năng kinh tế của người trực tiếp nuôi con cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Bởi vì người trực tiếp nuôi con là người có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống mọi mặt cho con, họ nuôi con theo khả năng của mình, nguồn thu nhập mà họ có được thường là nguồn chủ yếu và ổn định để nuôi con. Tuy nhiên khả năng kinh tế không phải là yếu tố quyết định, bởi vì chúng ta không thể chỉ xem xét một cách nhất thời mà không có sự đề phòng cho tương lai. Ví dụ một người cha làm nghề buôn bán và một người mẹ là giáo viên. Mặc dù thu nhập của người cha cao hơn người mẹ nhưng xét về tính ổn định thì nguồn thu nhập của người mẹ là ổn định hơn. Vì vậy cần xem xét một cách cẩn thận khi tìm hiểu từng vấn đề để đảm bảo cho đứa trẻ một cuộc sống tốt nhất có thể.

Ngoài ra, môi trường sống mới cũng là một yếu tố rất đáng xem xét. Bởi vì, môi trường sống là yếu tố có tác động trực tiếp đến nhân cách cũng như tính cách của đứa trẻ. Sau khi ly hôn, vợ chồng đều có quyền có cuộc sống mới của mình. Và vấn đề mẹ kế, cha dượng, con chung, con riêng luôn là một vấn đề nhạy cảm. Khi phải sống trong môi trường như thế, những đứa trẻ thường phải chịu những thiệt thòi và cảm thấy mặc cảm với bạn bè đồng lứa. Khi giải quyết, Toà án cần tìm hiểu kỹ những lý do dẫn đến ly hôn, tìm hiểu lối sống của cả người cha và mẹ trước khi ly hôn để quyết định giao con cho ai trực tiếp nuôi để đảm bảo một cuộc sống bình thường và ổn định cho trẻ.

Như vậy dựa vào quyền lợi mọi mặt của con là nguyên tắc cơ bản để Toà án xác định người nào sẽ được quyền trực tiếp nuôi con. Đây là quy định thể hiện rõ nét của nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn trong Luật HN&GĐ năm 2000.

Một phần của tài liệu Các quy định của pháp luật đất đai về xử lý vi phạm pháp luật đối với người quản lý đất đai (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w