Kiểm sát việc thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát ppt (Trang 72 - 74)

b) Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

2.3.4.Kiểm sát việc thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Các biện pháp ngăn chặn là các biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự nhằm hạn chế các quyền thuộc về nhân thân của công dân trong một thời hạn do pháp luật quy

định. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, căn cứ vào kết quả điều tra, điều kiện và sự ăn năn hối cải của bị can mà cơ quan ra quyết định áp dụng có quyền hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khi thấy không cần thiết nữa. Tuy nhiên, việc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn đều được VKS kiểm sát chặt chẽ, nhất là những biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì muốn hủy bỏ hoặc thay đổi phải được VKS quyết định như Điều 77 BLTTHS quy định: "Đối với biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải do VKS quyết định".

Vậy đối với các biện pháp ngăn chặn như tạm giam, CQĐT muốn hủy bỏ hoặc thay thế thì phải có công văn đề nghị VKS quyết định, nếu CQĐT tự quyết định hủy bỏ, thay thế thì quyết định đó là vi phạm pháp luật. Pháp luật quy định như vậy, nhưng trong thực tiễn áp dụng Điều 77 BLTTHS còn có cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng, nếu biện pháp ngăn chặn mà VKS phê chuẩn đang còn thời hạn áp dụng, thì việc hủy bỏ, thay thế phải do VKS quyết định, nhưng nếu biện pháp đó đã hết thời hạn áp dụng thì CQĐT có quyền thay thế biện pháp ngăn chặn khác chứ không phải do VKS quyết định. Có ý kiến cho rằng, kể cả trường hợp đã hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì việc thay thế biện pháp ngăn chặn khác vẫn phải do VKS quyết định.

Về vấn đề trên liên ngành VKSND tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ công an đã thống nhất hướng dẫn như sau: Trong trường hợp thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn đã hết mà xét thấy không cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn này thì việc thay thế biện pháp ngăn chặn khác mà BLTTHS không quy định phải có sự phê chuẩn của VKS thì do CQĐT quyết định, nhưng phải thông báo việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đó cho VKS để bảo đảm việc theo dõi, giám sát chặt chẽ. Ví dụ: Hết thời hạn tạm giam, CQĐT xét thấy không cần thiết phải ra hạn tạm giam, thì có thể quyết định cho bị can được bảo lĩnh và thông báo cho VKS biết. Đối với việc thay thế biện pháp ngăn chặn khác mà Bộ luật quy định phải có sự phê chuẩn của VKS thì phải do VKS quyết định, ví dụ: hết thời hạn tạm giam, CQĐT xét thấy có thể cho bị can đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm thay thế cho việc gia hạn tạm giam, thì việc thay thế biện pháp này do VKS quyết định trên cơ sở đề nghị của CQĐT.

Tóm lại, để thực hiện chức năng kiểm sát việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, VKS phải thực hiện hoạt động kiểm sát điều tra vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thông qua đó nắm được rõ các tình tiết, cũng như tính phức tạp của từng vụ án để khi CQĐT có đề nghị xét phê chuẩn áp dụng biện pháp ngăn chặn thì VKS đã nắm được nội dung vụ án và các vấn đề liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn như nhân thân, độ tuổi... của người phạm tội, từ đó tạo cơ sở cho hoạt động kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được chính xác, có căn cứ, tránh để xảy ra tình trạng oan, sai khi CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn khởi tố - điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát ppt (Trang 72 - 74)