Hoạt động hỏi cung bị can là biện pháp tố tụng mà CQĐT áp dụng công khai, trực tiếp với bị can nhằm thu thập, củng cố chứng cứ làm rõ về hành vi phạm tội của bị can hoặc đồng phạm (nếu có) đã bị khởi tố, cũng như những tình tiết khác phục vụ cho quá trình giải quyết đúng đắn vụ án.
Để hoạt động hỏi cung bị can đáp ứng yêu cầu khách quan, toàn diện và đúng pháp luật thì VKS phải giám sát hoạt động hỏi cung của CQĐT. Căn cứ pháp luật để VKS thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc hỏi cung bị can đó là BLTTHS, điều 14 Luật tổ chức VKS năm 2002 và Điều 16 quy chế công tác kiểm sát
điều tra. Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can, VKS bám sát các nội dung sau:
+ Hỏi cung bị can phải được tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Nếu qua kiểm sát thấy CQĐT tiến hành hỏi cung bị can trước khi có quyết định khởi tố bị can thì đây là vi phạm tố tụng, VKS phải có yêu cầu CQĐT hủy bỏ kết quả hỏi cung đó. Vì khi chưa có quyết định khởi tố bị can, thì lời khai chỉ có thể là của người bị bắt hoặc người bị tạm giữ, lời khai đó là một trong các chứng cứ làm căn cứ để khởi tố bị can.
+ Qua nghiên cứu các biên bản hỏi cung bị can, nếu thấy chưa làm rõ được chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ xác định không có tội và các tình tiết tăng năng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can hoặc CQĐT chưa phân hóa làm rõ được vai trò của từng bị can khi có nhiều đối tượng cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội thì VKS cần yêu cầu CQĐT hỏi bổ sung bị can để làm rõ các vấn đề nói trên.
+ VKS phải bảo đảm các bản cung mà CQĐT tiến hành hỏi bị can phải làm rõ được hành vi phạm tội của bị can đã bị khởi tố, những mâu thuẫn trong lời khai của bị can cần phải được phân tích làm rõ.
+ Nếu phát hiện có dấu hiệu mớm cung, bức cung, dùng nhục hình… thì Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra chuẩn bị các câu hỏi và tình huống sẽ xảy ra để trực tiếp phúc cung bị can nhằm kiểm tra lại toàn bộ các lời khai của bị can có phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án đã được thu thập hay không. Nếu các lời khai của bị can không thống nhất hoặc giữa lời khai của các bị can có nhiều mâu thuẫn thì phải yêu cầu CQĐT cho đối chất hoặc thực nghiệm điều tra.
+ Bảo đảm hoạt động hỏi cung bị can phải do điều tra viên được phân công điều tra vụ án thực hiện. Nếu các bản cung bị can do cán bộ không trực tiếp được phân công điều tra vụ án hỏi thì phải được Điều tra viên điều tra vụ án đó kiểm tra lại bằng một bản cung khác thì mới được coi là chứng cứ để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Ngoài ra, trong những vụ án mà người phạm tội là người chưa thành niên thì VKS phải kiểm sát bảo đảm việc tiến hành hoạt động hỏi cung bị can phải có mặt người
giám hộ tham gia. Đây là quy định bắt buộc nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người chưa thành niên phạm tội.
Tóm lại, kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can phải bảo đảm được ba yếu tố, đó là khách quan, trung thực và đúng pháp luật. Kết quả lời khai của bị can phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án đã thu thập được thì được coi là chứng cứ. Nếu lời khai của bị can không trung thực, không khách quan thì lời khai đó không có giá trị chứng minh tội phạm, dẫn đến việc kết luận, giải quyết vụ án không khách quan. Chính vì vậy, việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can của VKS là rất quan trọng, góp phần vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội một cách đúng đắn và khách quan.