Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn - người đọc "tri âm" của Nguyễn Khải đã nhận ra "Cái nhìn sắc sảo vốn có từ sớm và khao khát có mặt trong ngày hôm nay - Đối thoại với chính mình và tự phát hiện trở lại - Một phong cách
vừa dân dã vừa hiện đại" của nhà văn [31,tr.114]. Với truyện ngắn thời kỳ đổi mới, Nguyễn Khải đã thể hiện một cái nhìn sắc sảo, tinh tế trước những vấn đề hiện thực của cuộc sống và con người.
Chi tiết nghệ thuật có một vai trò quan trọng trong truyện ngắn, đặc biệt chi tiết hay, đắt giá. Chi tiết là "vật liệu xây dựng" để tạo nên truyện ngắn. Chi tiết sẽ là chìa khoá, là các nấc thang để đưa người đọc đến với thế giới nghệ thuật của truyện ngắn. Cái nhìn thể hiện trong chi tiết nghệ thuật, bởi chi tiết là điểm rơi của cái nhìn. Chi tiết nghệ thuật là một yêú tố rất được Nguyễn Khải chú ý. Vì vậy, có nhiều người còn khẳng định rằng truyện ngắn Nguyễn Khải có thể thiếu đi những cốt truyện lắt léo, li kì, thiếu đi những nhân vật sắc sảo nhưng truyện của ông không bao giờ nghèo về chi tiết cả. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải là những chi tiết đơn giản của cuộc sống hàng ngày, nhưng từ những chi tiết bình thường đó, thông qua cái nhìn sắc sảo, tinh tế nhà văn đã đi được vào chiều sâu của vấn đề mà ông quan tâm.
Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Khải, chúng tôi thấy có rất nhiều chi tiết hay và đặc sắc. Chi tiết nghệ thuật trở thành một điểm mạnh của truyện ngắn Nguyễn Khải bởi những chi tiết ấy bao giờ cũng được nhà văn xây dựng rất chân thực, sinh động, độc đáo, đặc biệt là những chi tiết tâm lý. "Ở văn xuôi của ta có khá nhiều nhà văn miêu tả tâm lý giỏi, nhưng phân tích tâm lý thì ít
ai làm được như anh Khải. Đi trước anh, về mặt này, có thể chỉ là Nam Cao"
[2,tr.83].
Để thể hiện những đổi thay của đời sống hiện đại và cái tội nghiệp đáng thương của kiếp sống lệ thuộc vào con cái của những người già, nhà văn đã chú ý đến "cái nhìn" của các nhân vật trong truyện ngắn Chúng tôi và bọn hắn. Nhân vật Tôi - một nhà văn đứng tuổi đến chơi nhà một người bạn. Mỗi lần đến thăm đều được giữ lại ăn cơm, nhưng lần này "ngồi đến 10 giờ 30 chả
xem họ có mời mình không nào". "Không phải vì bữa cơm, cơm bụi Hà Nội rẻ
lắm" mà "chỉ muốn gây khó chơi, xem họ phản ứng thế nào, vì sao mà thay
đổi" như thế. Nhà văn sử dụng chi tiết thật đắt: "mà tội lắm, ông liếc mắt nhìn
bà, bà cúi mặt đưa mắt nhìn tôi, rồi lại nhìn chồng, như người có lỗi. Tôi nhìn
họ thích thú một cách độc ác, có chuyện rồi, chưa hiểu là chuyện gì". Những
cái nhìn trái ngược, độc ác, tội nghiệp, lật tẩy...
Những xáo trộn của cuộc sống len lỏi vào từng mối quan hệ, từng gia đình, từng con người đã khiến cho bao gia đình tan nát trong cơn lốc xoáy của đồng tiền thời buổi kinh tế thị trường. Đàn bà là một truyện ngắn hay của Nguyễn Khải viết về sự tan vỡ của một mái ấm gia đình khi người chồng- một cảnh sát hình sự, khoẻ mạnh, đẹp trai - những tưởng có một cuộc sống gia đình hạnh phúc với một người vợ đẹp, một đứa con khôn như niềm ghen tị của bao nhiêu bạn bè. Vậy mà chỉ vì thiếu tiền khiến cuộc sống gia đình trở nên tẻ nhạt, buồn thảm. Vẫn là một gia đình nhưng cuộc sống hai người là hai thế giới. Lạc lõng. Trống rỗng. "Từ mấy năm nay, chị (người vợ) có một gương mặt rất lạ, không vui, không buồn, cũng không giận. Như mặt tượng.
Vừa là vợ, vừa là người lạ". Để lột tả được cái chán chường, mệt mỏi, rã rượi
của gia đình ấy, nhà văn sử dụng những chi tiết trong cuộc sống vợ chồng: "Cũng có đêm anh muốn được yêu vợ... đưa tay khẽ vuốt một cánh tay của vợ.
Chị hất tay anh ra như người ghê tởm, nói làu nhàu: "Ông ngủ đi, tôi mệt
quá". Có lần anh nhẫn nại, năn nỉ thì chị quay mặt về phía anh, một gương
mặt trắng xanh, dưới ánh đèn đường chiếu vào, nói dửng dưng: "Ông muốn
làm gì thì làm nhanh lên"... Ai mà tin được một cặp vợ chồng đẹp đôi như thế,
nằm cạnh nhau cả năm mà không ai đụng vào da thịt của ai" [19,tr.399].
Bằng cái nhìn sắc sảo và tinh tế, Nguyễn Khải đã có dụng ý khi đưa chi tiết hai gia đình trong thế đối sánh: một bên là gia đình người chiến sĩ công an và một bên là gia đình tên tội phạm Tích híp. Hai người vợ của hai gia đình
ấy tạo nên hai tổ ấm khác nhau. Cuộc hôn nhân của gia đình Lưu (người chiến sĩ công an) tan vỡ vì người vợ không thể chấp nhận cuộc sống khó khăn. Trong khi đó, người vợ tên Tích híp lại sẵn sàng đứng ra che chắn cho chồng, tạo dựng niềm tin cho con. Từ chỗ Lưu cho rằng: "Đàn bà đều tham tiền, ham
vui và cạn nghĩ như nhau cả", anh phải thay đổi cách nhìn của mình: "Lời nói
dịu dàng, cung cách con nhà gia giáo mà chịu làm vợ một thằng đàn ông ngu
quá.Cũng như đã có những con đàn bà hết sức ngu" (Đàn bà). Từ chi tiết đó
nhà văn Nguyễn Khải muốn nói với người đọc: cái giá của hạnh phúc gia đình. Cái tổ ấm để người đàn ông tìm thấy bến bình yên trở về sau giông bão ngoài đời phải là gia đình, một gia đình được tạo dựng bằng bàn tay đảm đang, nhân hậu và đức hy sinh cao cả của người phụ nữ.
Cũng miêu tả về hạnh phúc gia đình, trong truyện ngắn Nắng chiều nhà văn lại phát hiện ra những thay đổi tinh tế trong tâm hồn những người già đang được hồi sinh vì tình yêu. Đó là câu chuyện của chị Bơ, một bà chị họ, "năm nhận lời xuất giá vừa tròn bảy chục tuổi". Ngòi bút nhà văn đã thực sự cảm phục, xúc động, trân trọng, nâng niu hạnh phúc muộn mằn của tuổi già. Ông đã rất giỏi khi phát hiện ra những chi tiết trẻ thơ trong cuộc sống hồn hậu, ấm cúng của đôi vợ chồng già: "Ông anh rể lom khom trên ghế, cây gậy
kẹp trong đùi, vừa nhìn vợ làm cơm, vừa kể chuyện Đông Tây kim cổ, chuyện
vui và cả chuyện buồn, giọng kể ngọt ngào âu yếm, còn bà vợ chạy lui chạy tới, quay trước quay sau, hai bàn tay không lúc nào ngưng nghỉ, chốc chốc lại
quay về phía chồng, hỏi một cách ngây thơ, một cách nũng nịu: "Lại ra thế hở
ông ?". "Con người đẹp thế, tốt thế mà bạc phận ông nhỉ ?" [19,tr.250]. Quả
thật, với một ngòi bút tâm lý sắc sảo, một tấm lòng hồn hậu, bao dung của người già và một cái nhìn cuộc sống, nhìn con người đằm thắm, yêu thương Nguyễn Khải đã mang đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ sâu lắng hơn, nhân văn hơn bởi những chi tiết tâm lí độc đáo sâu sắc.
Chi tiết tâm lí là những chi tiết chứa đựng cảm xúc, tâm trạng và chiều sâu thế giới nội tâm của nhân vật mà qua những chi tiết đặc sắc đó, người ta có thể hiểu được tính cách, cảnh ngộ, số phận, tâm lí nhân vật cũng như chủ đích nghệ thuật mà tác giả muốn truyền đạt. Truyện ngắn Ông cháu, Cái thời lãng mạn đã thể hiện những chi tiết tâm lí thật đặc sắc. Đây là bước chân ra đi của một người ông, tự cảm thấy mình già, yếu và đã trở thành gánh nặng cho đứa cháu mồ côi vừa tìm thấy việc làm ở chốn thị thành: "Ông nó đi bước
chân nhon nhón, đi một quãng lại quay lại nhìn nó, miệng hơi cười" (Ông
cháu). Ai có thể hiểu được nỗi lòng đang nổi cuộn giông bão của ông và nỗi lo rồi mai này ông sẽ chết vật chết vạ ở phương trời xa lạ nào ! Đây là giọt nước mắt chua xót một đời người của Khang trong ngày giỗ vợ: "Bưng mâm cơm cúng lên bàn thờ vợ, thắp mấy nén nhang, chẳng kịp khấn khứa gì cứ
đứng xuôi tay mà khóc, khóc cho vợ, khóc cho mình..." (Cái thời lãng mạn).
Không chỉ có vậy, cái nhìn tinh tế, sắc sảo của nhà văn còn được thể hiện trong việc khắc hoạ nội tâm nhân vật. Nhân vật người bố trong truyện ngắn
Luật trời là một nhân vật điển hình. Nguyễn Khải đã nhập sâu vào câu chuyện để có thể cảm thông với nỗi niềm đau đớn, dằn vặt của một đứa con hiếu thảo: mỗi lần bị ông bố say rượu đuổi đánh, nó "vẫn chạy nhưng lần nào
ông đuổi theo cũng bị vấp ngã, ngã rất đau nên lại không dám chạy" để rồi
sau đó, lỡ tay mà "giết" chết bố mình. Ngòi bút nhà văn đào rất sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật bằng những chi tiết ám ảnh đầy day dứt. Khi "đứa con gườm gườm nhìn bố, nói phụng phịu: Con đã nói con rất thèm cá, con rất
thèm mà". "Y vừa chạm vào cái nhìn hờn giận của con liền buông búa, cái
búa rơi xuống chân làm toé máu một đầu ngón". Rồi khi đứa con "quỳ xuống
lấy bàn tay bịt tia máu. Y như bừng tỉnh, hất mạnh tay con ra, nói như người
sảng: "rửa tay ngay đi, không được để máu của bố dính vào tay, rửa nhanh lên" "rồi một tay y nắm chặt lấy ngón chân bị thương, người rúm lại, run lẩy
bẩy, cái nhìn thất thần như kẻ mất trí". Khi y đi làm về,"dắt xe về đến đầu
nhà, vừa nhìn thấy con vung rìu bổ củi gộc, y liền quăng xe lao người lại... Y
ôm chặt lấy con, giằng cây búa trong tay con, quẳng vào một góc, nói líu lưỡi: "Không được dùng rìu, bố xin con đừng dùng rìu, bố sợ lắm, bố rất sợ" [19,tr.461]. Rồi y ngồi rụi xuống như cây chuối bị phạt...". Hoá ra những chi tiết như "thèm cá", "chiếc rìu", "máu bố" là những ám ảnh tâm thức suốt một đời dằn vặt, đầy đoạ hành hạ tâm trí ông, một đứa con lỡ tay cầm rìu (để gạt đỡ cái gậy tre ông vụt tới) mà đã "giết' chết bố đẻ ra mình. Với cái nhìn sắc sảo và tinh tế nhà văn đã đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để phát hiện ra những giằng xé, day dứt, đau đớn của một lương tâm đang cắn dứt không yên trước tội lỗi của mình. Và đó chính là một yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho truyện ngắn Nguyễn Khải.
Nguyễn Khải là nhà văn hiện thực tỉnh táo.Vì thế, sáng tác của ông rất ít miêu tả thiên nhiên. Những trang miêu tả thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới có thể đếm được dễ dàng. Ít ỏi là vậy, nhưng Nguyễn Khải cũng có một cái nhìn hết sức tinh tế với thiên nhiên. Trong văn xuôi đương đại, chúng ta thường biết đến sở trường của một số nhà văn trong khả năng miêu tả thiên nhiên như: Đoàn giỏi với thiên nhiên Nam Bộ, Kim Lân, Đỗ Chu với thiên nhiên làng quê Bắc Bộ, Nguyên Hồng với biệt tài miêu tả nắng và Nguyễn Tuân với biệt tài miêu tả gió...
Còn Nguyễn Khải ? Từ những truyện ngắn của ông viết thời kỳ đầu, người đọc đã từng ngây ngất trước khung cảnh thiên nhiên mênh mông và đầy chất thơ trong Mùa Lạc. Đấy là cả một nông trường Điện Biên bao la với "màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các màu nham nhở, man rợ khác của đất
hoang...". "Đầu thu với những hơi gió mát dịu bay lướt lên những khóm lá
cây rau tàu bay, và những bông hoa rền tía đỏ thắm hình tháp bút. Mùa thu
hoạch lạc đã vào chặng cuối". Ở cái thời lãng mạn, trong cái nhìn của tác giả
thiên nhiên như mang hơi thở, sự hồi sinh của cuộc sống, thiên nhiên đầy sức sống. Trong Tháng ba ở Tây Nguyên, thiên nhiên mang vẻ đẹp của núi rừng hùng vĩ, rộng lớn, đậm chất sử thi.
Ở những truyện ngắn thời kỳ đổi mới, Nguyễn Khải cũng thể hiện cái nhìn sắc sảo và tinh tế trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, trong thủ pháp nhân hoá thiên nhiên. Nhà văn đã hoà nhập lòng mình với thiên nhiên, thổi linh hồn vào tạo vật biến chúng trở thành một nhân vật hay thực thể tâm trạng nhân vật. Chính vì thế mà thiên nhiên trong những truyện ngắn của Nguyễn Khải vô cùng gần gũi, nó như được bứng ra từ cuộc sống để đặt vào tác phẩm một cách rất tài hoa. Cái nhìn tinh tế đã giúp nhà văn soi chiếu vào thiên nhiên mà nhận ra hình ảnh và tâm trạng con người như trong truyện ngắn Đất mỏ: "Cuối thu trời se lạnh về tối và tảng sáng, đất mỏ nồng nàn những hương vị quen thuộc của cỏ cây, đất đá, than bụi và cả mùi da thịt của người. Nắng và mây cuối mùa thu cũng ngập ngừng, e ấp, thấp thoáng buồn lại thấp
thoáng vui" [19,tr.360]. Hình ảnh "nắng mùa thu ngập ngừng, e ấp" thật đẹp,
vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp của nắng hay của cô gái mới xuất hiện trong gia đình buồn tẻ kia? Còn tâm trạng "thấp thoáng buồn, thấp thoáng vui" của nắng phải chăng là tâm trạng của những thành viên trong gia đình anh thợ mỏ. Chỉ vài nét phác hoạ, ngòi bút Nguyễn Khải đã vẽ nên bức tranh tâm trạng con người thật tinh tế.
Thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới thường được miêu tả vào cuối thu, đầu đông. Thiên nhiên buồn hay đẹp, khắc nghiệt hay hiền hoà cùng được miêu tả trong thời điểm này. Sự xuất hiện của thiên nhiên thể hiện rõ dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Khảo sát những truyện ngắn của Nguyễn Khải, người đọc có thể nhận ra nhà văn đã sử dụng thiên nhiên
cuối thu, hoặc mùa đông như một ký hiệu của tâm trạng để khi tiếp xúc với nó, người đọc có thể gọi tên.
Trong truyện ngắn Lạc thời, có đến hai lần nhà văn miêu tả thiên nhiên cuối đông và thiên nhiên ấy dưới cảm nhận của ông Trắc, dường như nó lạnh lẽo, tê tái hơn cả: "Giữa tháng chạp ta, trời tối sẫm cả ngày, mưa nhỏ cả ngày và gió lạnh thổi rát mặt (...). Tiếng mưa gõ trên tấm mái tôn nghe nặng và mau, mặt đường tối sẫm bóng loáng. Những khóm tre của các làng bao quanh phố như lùi ra vì đã có sương che. Một đốm lửa phái xa đỏ thẫm lại, lửa của một gia đình hạnh phúc nào thế (...). Trời tối hẳn. Mưa thưa dần rồi tạnh. Nhưng gió thổi mạnh hơn buốt hơn hồi chiều. Ngày mai có thể trời không mưa nhưng chắc sẽ lạnh lắm, cái lạnh khô, da mặt, da tay và chân sẽ sần lên,
nẻ ra" [19,tr.350-356]. Vẫn biết mùa đông luôn gắn liền với mưa phùn và gió
lạnh. Nhưng nếu sống trong một không khí đầm ấm của gia đình hay những người xung quanh, có lẽ những buốt giá ấy sẽ giảm đi nhiều. Đối với ông Trắc - một ông lão " lạc thời" thì dường như "mùa đông năm nay lạnh hơn
năm ngoái". Và lời dự báo "ngày mai có thể trời không mưa nhưng chắc sẽ
lạnh lắm", chứng tỏ thiên nhiên ở đây chứa đầy tâm trạng của ông. Cái giá
buốt, lạnh lẽo của thiên nhiên kia phải chăng là sự lạnh lẽo, tái tê, trống trải