Nguyễn Khải không chỉ là nhà tiểu thuyết tài năng với Xung đột, Gặp gỡ cuối năm, Điều tra về một cái chết, Một cõi nhân gian bé tí, Cha và con và..., Thời gian của người, Vòng sóng đến vô cùng..., Nguyễn Khải còn
là cây bút truyện ngắn rất có duyên. Đặc biệt truyện ngắn thời kỳ đổi mới của ông có một sức hấp dẫn kì lạ.
Nhà văn tự phân chia quá trình sáng tác của mình thành hai thời kỳ: "Từ 1955 đến 1977 tôi sáng tác theo một cách. Từ 1978 đến nay sáng tác theo cách khác". Thực ra sự chuyến biến về tư tưởng và nghệ thuật từ sau 1975 là hiện tượng chung của nhiều cây bút, không chỉ riêng Nguyễn Khải. Tuy nhiên mức độ chuyển biến ở mỗi cây bút có khác nhau, tuỳ theo bản lĩnh và sự nhạy cảm với thời thế của mỗi người. Đại hội lần thứ VI của Đảng với tinh thần dân chủ và khẩu hiệu: "nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật" dường như đã đáp ứng nhu cầu tự thân của Nguyễn Khải. Sáng tác của Nguyễn Khải thời kỳ này đặc biệt nở rộ, trong đó có sự thành công ở thể loại truyện ngắn.
Đất nước tiến hành đổi mới, đăc biệt sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường đem lại nhiều biến đổi tốt đẹp cho xã hội. Bên cạnh đó nó cũng làm biến dạng hàng loạt những quan hệ xã hội, những quan niệm, tình cảm đẹp đẽ trước đây của con người. Con người quan niệm rất khác về cuộc sống, về đạo đức cá nhân và cách ứng xử của họ về đồng tiền cũng khác trước... Đây là thời gian Nguyễn Khải đi thăm lại những nơi, những con người mà ông đã có dịp qua, đã có dịp viết về họ. Ông cũng gặp lại những người quen cũ, bạn bè, người thân, họ hàng. Và cùng với sự từng trải của một người đi nhiều, viết nhiều, cảm xúc hiện thực đã giúp Nguyễn Khải tái hiện trong các truyện ngắn của mình chất liệu đời sống "ngổn ngang, bề bộn" ấy. Nguyễn Khải có khả năng sống và chớp lấy sự thật, sự thật tiềm ẩn trong cái bình thường, trong những sự việc hàng ngày của đời sống thực.Những sự việc ấy tưởng chừng như chẳng có gì, nhưng dưới con mắt của Nguyễn Khải đều trở thành những sự việc "có vấn đề". Điều hấp dẫn ở ngòi bút Nguyễn Khải là qua những sự việc đời thường, ông đã tìm thấy chân lý ở bề sâu của nó. Cuộc sống và cuộc đời trong con mắt ông không đơn lặng, phẳng chiều, không êm đẹp mà thô
nhám, xù xì, đầy cam go và thử thách như nó vốn có. Như vậy, giá trị sáng tác của Nguyễn Khải là sự gắn bó giữa sáng tác và cuộc sống.
Sáng tác của Nguyễn Khải thời kỳ này tập trung vào hai đề tài chủ yếu: "Một là cuộc sống hôm nay của những người chung quanh, bạn bè đồng nghiệp quen biết, cùng tuổi tác và tâm sự. Hai là số phận của những người thân trong họ hàng nội ngoại của tác giả, những ông cậu bà mợ mà tâm tư
tình cảm Nguyễn Khải còn quyến luyến" [41,tr116]. Đây là thời kỳ cảm hứng
triết lý, tranh biện của tác giả có cơ hội thể hiện. Triết lý là một ưu thế tạo ra phong cách rất riêng cho văn Nguyễn Khải. Người ta ví ông là một "Chế Lan
Viên trong văn xuôi" quả không sai, bởi ông là một người rất tỉnh táo, tỉnh táo
trước Thời và Thế và giàu khả năng triết lý trước các vấn đề của đời sống thế sự nhân sinh.
Thế giới nhân vật của Nguyễn Khải thời kỳ này thực sự phong phú: từ già đến trẻ; từ thông minh, tháo vát đến vụng về; từ lạc thời, bế tắc đến gặp thời; từ chân thật đến xảo trá... Mỗi nhân vật là một vẻ nhưng họ đều chứa đựng một triết lý sống của "thì hiện tại". Trong Chút phấn của đời, đó là niềm tin, hạnh phúc của sự cho. Trong Hai ông già ở Đồng Tháp Mười là lẽ sống quý giá nhất của cuộc đời - "một niềm tin, một niềm vui mà chỉ đến lúc
đứng tuổi mới nhận ra ý nghĩa thâm trầm của nó". Nguyễn Khải đi sâu vào
khám phá thế giới nội tâm con người, những con người nhỏ bé, nhưng qua số phận của họ nhà văn nói lên được nhiều điều. Đó là mảnh đời khốn khổ như chị Vách (Đời khổ), anh Khang (Cái thời lãng mạn)... dù bị bao nhiêu tủi hờn, thách thức khổ đau của cái thời gió bụi này nhưng họ vẫn kiên trì nhẫn nại, chịu đựng vượt qua.
Nổi lên trong các sáng tác của Nguyễn Khải thời kỳ này là lớp người trẻ tuổi - "những nhân vật chính của một vận hội mới" thời mở cửa. Ông đánh giá đúng tiềm năng của họ, giỏi tính toán việc làm ăn, hợp với thời buổi kinh tế
thị trường như Định (Cái thời lãng mạn), Lộc (Chúng tôi và bọn hắn) ... Nhưng ông cũng tỉnh táo nhìn nhận những khiếm khuyết của tuổi trẻ và đặt vấn đề làm sao cho lớp trẻ phấn đấu tạo ra nhũng giá trị có ý nghĩa chấn hưng dân tộc. Với con mắt thông cảm, chia sẻ nhà văn viết về những con người đã hết thời tuổi trẻ nhưng vẫn muốn cống hiến sức mình cho cuộc sống hôm nay: đó là Hợp (Người kể chuyện thuê), ông Trắc (Lạc thời), nhân vật nhà văn (Anh hùng bĩ vận )...
Còn một loại nhân vật nữa mà nhà văn viết rất hay về họ, đó là những người Hà Nội. Những con người gắn với mảnh đất nơi ông sinh ra và mang bao kỷ niệm thời tuổi trẻ. Đó là cô Hiền, một con người bình thường nhưng sống rất chuẩn mực, gia giáo, làm nên phong cách Hà Nội (Một người Hà Nội), là chị Khuê, bà Mặm..., là những con người bình dị nhưng ẩn chứa bên trong là cả bề sâu của một nền văn hoá lâu đời đất kinh kì. Họ là những "hạt
bụi vàng" của Hà Nội, khiến cho tác giả phải ao ước "những hạt bụi vàng lấp
lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội, hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ
chói sáng những ánh vàng" (Một người Hà Nội). Trong những câu chuyện
cảm động của Nguyễn Khải về những con người bình thường của Hà Nội thường lấp lánh những suy tư khiến người đọc phải chiêm nghiệm, thấm thía: "Chỉ có cái tâm tốt của con người mới làm nảy nở cái mầm yêu thương" (Nắng chiều); "Cái nghĩa tình thầm lặng, nhỏ nhoi của mỗi gia đình, của mỗi vùng đất luôn luôn bị quên đi trong cái ồ ạt, xáo động, ngầu đục của dòng đời vẫn cứ là mạch nước ngầm trong suốt, vô nhiễm để nuôi sống những tinh hoa
của dân tộc" (Đất kinh kì); "Ở đời chỉ có cái đức là trường tồn, càng có
nhiều càng tốt, không sợ thừa. Kì dư những thứ khác đều là phù du cả, có đấy mất
đấy, phúc đấy, hoạ đấy, không tính trước được đâu" (Người của ngày xưa).
Nguyễn Khải là nhà văn luôn luôn có ý thức sống có trách nhiệm với xã hội, với con người. Ông luôn nhìn cuộc sống trong sự vận động, biến đổi và
bao giờ cũng muốn khám phá những vấn đề của hiện thực ở chiều sâu của nó. Nguyễn Khải quan niệm về thiên chức của văn học: "Tác phẩm là một mảnh của đời sống chung, phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp
chung". Phương hướng đề tài nhằm thẳng vào cuộc sống hiện tại khiến cho
tác phẩm của Nguyễn Khải trở thành nơi giao tiếp, đối thoại với bạn đọc cùng thế hệ và cả những bạn đọc thế hệ sau của tác giả. "Đến với truyện của ông, người ta đươc đến với một thế giới đa dạng hơn, nhiều sắc thái hơn, cái anh hùng xen với cái bình thường, cái đáng căm giận đáng phỉ nhổ không thiếu, nhưng còn bao nhiêu cái đáng cảm động, đáng để tin yêu, nó góp phần làm
nên một cuộc sống thú vị có cả tiếng cười lẫn nước mắt" [31,tr119].
Một buổi chiều mùa đông năm 2007, Nguyễn Khải đã trút hơi thở cuối cùng. Sinh thời Nguyễn Khải đã tâm sự cùng bạn đọc: "Nếu như trái tim chưa
nguộilạnh" thì nhà văn vẫn đi và vẫn viết. Và khi nhà văn đã đi vào cõi vĩnh
hằng thì những tác phẩm nghệ thuật của ông vẫn mãi được bạn đọc đón nhận. Cả cuộc đời say mê lao động nghệ thuật của Nguyễn Khải mãi là tấm gương sáng cho những người cầm bút thế hệ sau.
Chương 2
CÁI NHÌN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN KHẢI THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Từ sau năm 1986, hầu như Nguyễn Khải viết nhiều truyện ngắn, mà theo thống kê của chúng tôi ông viết được hơn 70 truyện. Lý giải cho hiện tượng này, theo chúng tôi, bước sang thời kỳ đổi mới với nhiều biến động của cơn lốc thị trường, thể loại truyện ngắn có vẻ phù hợp hơn với nhịp sống của con người hiện đại (ngắn, súc tích, phù hợp với quỹ thời gian đang khan hiếm dần của cuộc sống hiện đại). Nguyễn Khải lại "bước vào một đợt viết sôi nổi
nữa sau hai đợt viết hào hứng trước đây (một là thời kỳ Xung đột, Mùa lạc,
Tầm nhìn xa; một nữa là thời kỳ Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm) ... [31,tr.116]. Với ông, có lẽ cái già dặn của một đời người đã biết tìm đến cái cô đọng của thể loại trong một cảm hứng tìm tòi, khám phá cuộc sống và con người không ngừng theo một cách nghĩ, cách viết khác. Bởi Nguyễn Khải coi "văn học là khoa học của lòng người", vì vậy ông luôn quan tâm miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật hơn là miêu tả ngoại hình. Nhưng dù là miêu tả vẻ đẹp tâm hồn hay vẻ đẹp hình thể thì mục đích sáng tác của ông cũng là phục vụ con người và đời sống của con người. Quan điểm này của Nguyễn Khải gắn liền với quan điểm của nhà văn vô sản Nga M.Gorki (1868 - 1936): "Văn
học lànhân học ".
Nguyễn Khải quan niệm: "Nghệ thuật là cuộc tìm kiếm mãi mãi"
[17,tr.35]. Vì thế, trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn không ngừng tìm tòi và khám phá cái mới, cái bí ẩn của đời sống con người. Ông cho rằng văn học phải bắt nguồn từ đời sống, không thể chỉ ngồi ở nhà mà viết nên tác phẩm hay được. Do vậy, Nguyễn Khải luôn đi tìm hiểu thực tế. Ông tâm sự: "Đi, để hiểu đời hơn, để viết đúng hơn.... Mỗi chuyến đi đều gợi
cho tôi rất nhiều tò mò, rất nhiều thích thú, háo hức như kẻ mới vào nghề. Vì tôi đã có những quan niệm đúng hơn về con người Việt Nam hiện đại, về
những nhân vật văn học có khả năng làm bạn với bạn đọc lâu dài" [17,tr.42].
Đi thực tế đối với Nguyễn Khải là để kiếm tìm "tư liệu" đưa vào tác phẩm. Cũng có khi là để trải nghiệm một triết lý, để những trang viết đa dạng, gần gũi với cuộc sống. Điều đó lý giải vì sao tác phẩm của ông chứa đựng những kiến thức phong phú về các mối quan hệ, về những lẽ ứng xử, về đạo đức, nhân cách... của con người. Có người coi văn của ông là cái "túi khôn", đọc để mở mang vốn hiểu biết của mình. Người đọc có thể soi vào đó để liên tưởng tới cuộc sống của chính bản thân mình, phát hiện lại mình. Có được thành tựu như vậy là do Nguyễn Khải rất nghiêm túc trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật. Nghiêm khắc với bản thân, nhìn nhận cuộc sống, con người trong cái nhìn nghệ thuật nhiều chiều để thấy những vấn đề đặt ra, từ đó nâng lên thành triết lý- đó là con đường sáng tạo nghệ thuật cuả Nguyễn Khải. Khảo sát cái nhìn nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới, chúng tôi chú ý một số đặc điểm sau: