Thế giới nhân vật ma

Một phần của tài liệu Đặc sắc thể tài yêu ngôn trong sáng tác của Nguyễn Tuân (Trang 47 - 50)

ĐẶC TRƢNG THI PHÁP YÊU NGÔN 2.1 Không gian – thời gian nghệ thuật của Yêu ngôn

2.2.2. Thế giới nhân vật ma

Làm phong phú, đa dạng thêm chất huyền kì, không thể không nói tới thế giới nhân vật ma của Yêu ngôn.

Trong văn học kì ảo xưa nay, truyện về các hồn ma bóng quỷ vô cùng phong phú. Theo thời gian, loại truyện này không già cỗi đi mà trái lại, trở thành một dòng chủ đạo của bộ phận văn học kì ảo. Trong Yêu ngôn, ma và người dường như không có khoảng cách, ma là sự hiện hình của những người đã khuất, ma vẫn nặng lòng với cuộc sống trần gian, ma ăn ở với người, ma trở về cõi trần mà vẫn trong hình dạng con người. Họ hiện về dương gian với những mục đích khác nhau: hoặc nâng đỡ cho con cháu đời sau để không mất đi danh tiếng làm nghề truyền thống; hoặc kiếp trước chịu nhiều oan trái trở về báo oán trả thù; hoặc đam mê giọng hát tiếng đàn mà hồn phách vẫn không chịu rời bỏ chốn kĩ viện… Và dù họ là ma thì cũng là ma tài hoa, ma tài tử, ma của thế giới Yêu ngôn Nguyễn Tuân.

Đới Roi (Đới Roi) nguyên là cậu ấm Đái, con cụ Bố Nam quất roi chầu lừng danh một thời trong chốn ăn chơi tài tử. Khi sa cơ lỡ vận không thể sống nhờ lòng thương hại của giáo phường, Đới Roi đã chọn cái chết. Khi còn ở dương gian ham mê tiếng tơ tiếng trúc, tiêu cả cơ nghiệp vào giọng hát tiếng đàn, vậy mà thác xuống âm thế, “cái người trai không vợ ấy đã trở thành một ông mãnh rất thiêng thường hiện ra để quấy những nhà cô đào ở Khâm Thiên dám vô lễ với vong hồn mình vẫn oán kết gần quanh kĩ viện”, đêm đêm vẫn đánh trống chầu trên những mái nhà có hát. Quả thực Ấm Đới là kẻ thuộc “nòi tình”, cuộc đời đắm đuối trong bể tình bể nhạc để rồi trở thành một con ma nghệ sĩ tài tử.

Trong Yêu ngôn, có kiểu nhân vật “ma yêu”. Đó là cô Dó – linh hồn của nghệ thuật làm giấy (Xác ngọc lam). Vốn là nữ thần của chúa ngàn cao cả, vì tình, nàng đã theo chồng về làng giấy Hồ Khẩu bên Hồ Lãng Bạc. Yêu chồng, nâng niu cả một dòng họ làm nghề giấy, nàng đã thổi cho giấy

dó một linh hồn, để từ đấy, lò chế giấy nhà cậu Năm họ Chu làng Hồ Khẩu biết một kỉ nguyên mới – giấy tự nhiên thơm đẹp lên và bỏ xa sự cạnh tranh của nghìn vạn người sống bằng vỏ dó. Khi cậu Năm qua đời, nàng Dó không nỡ bỏ về “quê hương cũ muôn năm xanh vui của mình”, nàng ở lại giúp con cháu nhà chồng làm ăn phát đạt. “Thương lũ trẻ, đêm đêm cô lại hiện ra, hà ít hơi mình vào giấy và lấy tay vuốt từng tờ một. Giấy Chu Hồ vì thế vẫn giữ được vẻ quý riêng”.

Trong Yêu ngôn, nếu “ma yêu” khêu gợi lòng hướng thiện, nhân hậu, nhân tính thì “ma báo oán” lại là sự răn đe, cảnh tỉnh. Hai anh em ông Đầu Xứ trong Khoa thi cuối cùng nổi tiếng học giỏi nhất tỉnh Nam lều chõng đi thi với bao nhiêu hi vọng. Nhưng hết anh rồi đến em, khi nào vào chốn trường thi đều bị hồn ma quấy nhiễu. “Một người đàn bà trẻ, xõa tóc, ẵm con, hiên ngay dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu khóc giữ rịt lấy mớ tóc xõa quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên. Lại cười sằng sặc, lấy nghiên mực hắt vào quyển của ông …”. Kết cục là cả ông Đầu xứ Anh và ông Đầu Xứ Em đều hỏng thi. Hóa ra lúc sinh thời, cụ Huấn, ông cụ thân sinh ra hai anh em đã phạm vào việc thất đức, cụ “đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một người nàng hầu tài hoa nổi tiếng một thời”. Người thiếp ấy khi chết có mang được sáu bảy tháng. Cái oán sinh tử ấy cứ theo đuổi họ, nếu họ còn lều chõng ở cửa trường thi: “Nó còn đi thi, cô còn báo mãi... cô muốn, cô muốn nó phạm húy, cho nó bị tội cả nhà kia…”. Đấy là lời người thiếp lúc ốp vào con đồng đã nói. Thế là cả hai anh em, người khóa trước, kẻ khóa sau đều đã trải qua sự thất bại ê chề của khoa thi cuối cùng, để rồi đã phải sống “một đêm dài nhất trong một đời người”.

Có “ma báo oán” thì cũng sẽ có “ma báo ân”. Vị Quan Ôn (Loạn âm) được Diêm Vương cho làm quan trông coi việc kiều lương đạo lộ. Muốn trả cái ơn xưa với thầy học cũ, Quan Ôn đã tiết lộ danh sách nạn nhân

sẽ bị bắt đi phu ở cõi âm, tỏ ý xem Kinh Trịnh có muốn cứu vớt thân tính nào trong số họ thì sẽ chiếu cố. Không chỉ có vậy, Quan Ôn Lương còn xin Diêm Vương ban phẩm hàm cho Kinh Trịnh. Kinh Trịnh được tại thế mà đương nhiệm chức Chánh Tuyển Quan, trông coi việc điểm phu và soát sổ bộ.

Những kiểu nhân vật ma này trong Yêu ngôn có vẻ như trái ngược nhau nhưng thực sự lại thống nhất với nhau, làm nên sự đầy đặn, hoàn hiện trong chân dung nhân vật, bởi ma cũng là “kiếp cõi âm” của con người cũng tồn tại song hành hai cực của tình cảm: biết căm ghét và biết yêu thương.

Thực chất, cõi âm ở đây cũng chính là âm bản của thế giới trần tục và hệ thống nhân vật ma không chỉ gợi sự li kì mà còn giữ vai trò như chiếc cầu nối hai thế giới, để từ đó nhà văn gửi gắm những quan niệm, suy tư, trăn trở về cuộc đời, đồng thời cũng là sự đối sánh hai thế giới để con người trần thế sống tử tế, xứng đáng hơn với danh hiệu con người.

Một phần của tài liệu Đặc sắc thể tài yêu ngôn trong sáng tác của Nguyễn Tuân (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)