KẾT LUẬN CHƯƠNG

Một phần của tài liệu Chế định xóa án tích trong luật hình sự Việt Nam (Trang 52 - 56)

1 Xem: TS Uông Chu Lưu, sách “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 999” (đã dẫn), tr

KẾT LUẬN CHƯƠNG

Trong Chương II, Khóa luận tập trung nghiên cứu và phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về xóa án tích như các trường hợp xóa án tích, điều kiện cũng như thủ tục xóa án tích trong từng trường hợp, cách tính thời hạn xóa án tích. Từ đó, chỉ ra và phân tích những vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật về xóa án tích.

Pháp luật hiện hành quy định bốn trường hợp xóa án tích: đương nhiên xóa án tích, xóa án tích theo quyết định của Tòa án, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt và xóa án tích đối với người chưa thành niên. Theo đó, tùy thuộc vào những điều kiện đặc trưng để áp dụng từng trường hợp xóa án tích mà thủ tục xin xóa án tích là khác nhau. Trong khi đó, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể, chi tiết về thủ tục xóa án tích trong từng trường hợp. Hơn nữa, việc quy định chưa đầy đủ, rõ ràng về thời hạn xóa án tích đối với một số hình phạt 1 http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/nld.com.vn/Thu-tuc-de-duoc-xoa-an-tich/2669498.epi

như trục xuất, tù chung thân, tử hình; thời hạn xóa án tích trong trường hợp tổng hợp hình phạt… gây ra các cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các Tòa án. Bởi vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về xóa án tích là yêu cầu cấp thiết trong công cuộc xây dựng pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, do nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của việc xóa án tích của chính những người bị kết án cũng như công tác tuyên truyền pháp luật chưa sâu rộng nên người bị kết án không biết được quyền lợi của mình để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xóa án tích khi có đủ điều kiện. Một số địa phương chưa chủ động quan tâm chu đáo đến hoạt động này, thủ tục xóa án tích còn phức tạp, người bị kết án theo quy định phải làm đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm nhưng không được hướng dẫn cụ thể nên nhiều trường hợp công an cấp huyện chỉ thực hiện sau khi Tòa án có yêu cầu bằng văn bản. Vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền giáo dục các quy định của Bộ luật Hình sự nói chung và các quy định về xóa án tích nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những nhằm phát huy hết giá trị, vai trò đích thực của các chế định trong Bộ luật hình sự nói chung và chế định xóa án tích nói riêng mà còn nhằm nâng cao tinh thần tự giác, ý thức về quyền lợi công dân của chính những người phạm tội trong công tác phòng và chống tội phạm.

Sự thiếu đồng bộ và phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền cũng là một tác nhân gây khó khăn cho công tác xóa án tích. Việc ra được quyết định xóa án tích đúng đắn phải đảm bảo sự thực hiện đồng bộ của các cơ quan chuyên ngành có liên quan bao gồm Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Công an. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xóa án tích. Hiện nay, việc tăng thẩm quyền cho Trung tâm lý lịch tư pháp cũng như việc đầu tư hệ thống kỹ thuật về lý lịch tư pháp thống nhất trên toàn quốc sẽ giúp đỡ rất lớn cho Tòa án trong việc cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người phạm tội. Nhưng điều này cũng đòi hỏi sự phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan có thẩm quyền bao gồm Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an… để đảm bảo lượng thông tin luôn cập nhật, chính xác. Có như vậy, mới làm cho những quy định của pháp luật hình sự về xóa án tích thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm có hiệu quả cao hơn.

Tóm lại, việc hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về xóa án tích cũng như việc đẩy mạnh chất lượng của công tác xóa án tích không những đảm

bảo quyền lợi hợp pháp của những người xin xóa án tích mà còn đảm bảo được ý nghĩa thực tiễn sâu sắc của pháp luật hình sự Việt Nam.

KẾT LUẬN

Việc nghiên cứu vấn đề xóa án tích là một việc có ý nghĩa to lớn cả về mặt lập pháp cũng như thực tiễn. Trong khóa luận, tác giả đã nghiên cứu quy định của xóa án tích trên cả hai phương diện: lý luận và thực tiễn.

Trong chương I, tác giả đã tập trung tìm hiểu về lịch sử lập pháp của quy định xóa án tích từ đó tập trung nghiên cứu về khái niệm xóa án tích. Mặc dù pháp luật chưa quy định cũng như chưa có một khái niệm thống nhất trong giới khoa học Luật Hình sự nhưng có thể hiểu xóa án tích “là chế định nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự xóa bỏ việc mang án tích đối với người bị kết án và bị áp dụng hình phạt, theo quy định tại các điều từ Điều 64 đến Điều 67 của Bộ luật này. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp sơ thẩm cấp Giấy chứng nhận xóa án tích hoặc Quyết định xóa án tích”.

Trong chương II, tác giả đã tập trung chỉ ra và phân tích quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về xóa án tích, từ đó, tìm hiểu thực tiễn áp dụng những quy định xóa án tích. BLHS hiện hành trên cơ sở kế thừa những quy định của BLHS năm 1985 đã quy định bốn trường hợp xóa án tích với những điều kiện, thủ tục xóa án tích khác nhau phụ thuộc vào từng đối tượng phạm tội, loại tội phạm cũng như loại và mức độ hình phạt bị áp dụng. Điều này vừa thể hiện tính chất nhân đạo đối với từng đối tượng phạm tội vừa thể hiện chính sách phân hóa tội phạm sâu sắc của pháp luật hình sự Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác xóa án tích vẫn còn một số điểm vướng mắc. Việc thiếu văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề thủ tục xóa án tích gây ra không ít khó khăn trong việc cấp Giấy chứng nhận xóa án tích hay Quyết định xóa án tích vì thiếu cơ sở pháp lý. Một số quy định về xóa án tích chưa được đề cập tới như thời hạn xóa án tích đối với một số hình phạt như trục xuất, tù chung thân, tử hình…, cách xác định thời hạn xóa án tích trong trường hợp tổng hợp hình phạt. Đồng thời, một số quy định chưa thực sự rõ ràng dẫn tới những cách hiểu cũng như áp dụng không thống nhất như quy định về thời hạn xóa án tích khi phạm tội mới…

Vì vậy, người viết cho rằng việc hoàn thiện quy định của BLHS về chế định xóa án tích là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam. Điều này không chỉ có ý nghĩa nâng cao trình độ lập pháp của pháp luật hình sự Việt Nam mà còn nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi hợp pháp của những người phạm tội. Nhiệm vụ trước hết là cần ban hành văn bản pháp luật nhằm quy định cụ thể về xóa án tích như khái niệm xóa án tích, thủ tục xóa án tích trong từng trường hợp. Đồng thời, đảm bảo sự thống nhất trong công tác áp dụng pháp luật, cần làm rõ một số quy định hiện còn đang gây ra các cách hiểu khác nhau như quy định về xóa án tích đối với người chưa thành niên, quy định về thời hạn xóa án tích trong trường hợp tổng hợp hình phạt, tổng hợp bản án. Hơn nữa, cần quy định thêm một số quy định về thời hạn xóa án tích đối với một số hình phạt như trục xuất (thời hạn là một năm), tù chung than, tử hình (thời hạn là bảy năm hoặc mười lăm năm) cũng như trong trường hợp người được miễn hình phạt (thời hạn là một năm), xóa án tích đối với trường hợp người phạm nhiều tội (trong đó có cả tội phạm thuộc Chương XI và Chương XXIV BLHS năm 1999 và tội phạm khác)…

Song hành với việc hoàn thiện pháp luật thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật hình sự nói chung, quy định về xóa án tích nói riêng để những người phạm tội hiểu rõ được quyền lợi của mình cũng như đẩy mạnh sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành sẽ có ý nghĩa tích cực cho việc nâng cao hiệu quả công tác xóa án tích trong thời gian tới.

Trên đây là công trình nghiên cứu mang tính chất khoa học đầu tiên của em. Vì sự nhận thức về vấn đề này còn hạn chế, em kính mong sự đóng góp ý kiến của các thầy giáo, cô giáo cũng như của các bạn./.

Một phần của tài liệu Chế định xóa án tích trong luật hình sự Việt Nam (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(56 trang)
w