Tạo lập môi trường xã hội lành mạnh cơ sở để xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề xây dựng nhân cách đạo đức sinh viên trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 69 - 74)

c) Tính tích cực xã hội của sinh viên

2.3.1. Tạo lập môi trường xã hội lành mạnh cơ sở để xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên Việt Nam

đạo đức cho sinh viên Việt Nam

Theo quan điểm mác xít, xét trên ý nghĩa xã hội thì con người nói chung, giới sinh viên nói riêng trước sau vẫn là một sản phẩm của hoàn cảnh, cho dù về chủ quan, bản thân cá nhân có ý thức tự lập vươn lên khỏi những điều kiện, hoàn cảnh khách quan, thì vẫn không thể thoát ly hoàn toàn với điều kiện khách quan ấy. Nói cách khác, con người luôn là chủ thể tích cực cải tạo và thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đồng thời con người cũng là sản phẩm của chính sự vận động và phát triển xã hội. Khả năng cải tạo hoàn cảnh của con người thường được thông qua hoạt động thực tiễn của họ và nếu như con người do hoàn cảnh tạo lên thì phải tạo ra những hoàn cảnh hợp tính người. Xét một cách trực tiếp, hoàn cảnh xã hội là điều kiện chủ yếu để hình thành nhân cách, nhân cách đạo đức. Hoàn cảnh xã hội càng có "tính người" bao nhiêu thì nhân cách, nhân cách đạo đức càng được phát triển và hoàn thiện bấy nhiêu. Trái lại, cá nhân sẽ đánh mất mình, sẽ tự tha hóa mình, xa lạ với bản chất của mình trong một hoàn cảnh xã hội phi nhân tính.

Tạo lập môi trường xã hội lành mạnh làm cơ sở cho việc xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên đó chính là quá trình phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của môi trường xã hội đến sự hình thành và phát triển nhân cách đạo đức sinh viên. ở đây, cần tuân thủ một số yêu cầu cơ bản sau:

- Thứ nhất, tạo lập môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh, làm cơ sở cho việc

hình thành nhân cách đạo đức của sinh viên.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, đạo đức, nhân cách đạo đức hình thành và phát triển trên một cơ sở kinh tế - xã hội nhất định. Chúng ta không thể tìm thấy nguồn gốc của đạo đức, nhân cách đạo đức trong tư tưởng, ý thức con người hay từ một lực lượng siêu nhiên nào đó, mà phải tìm trong chính hiện thực đời sống kinh tế - xã hội trong đó họ sống và hoạt động. Vai trò quyết định của kinh tế đối với việc hình thành nhân cách đạo đức đòi hỏi chúng ta phải tạo ra mảnh đất kinh tế - xã hội hiện thực trên đó nảy sinh những chồi non tốt đẹp của nhân cách đạo đức.

Đối với chúng ta hiện nay, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một tất yếu khách quan. Nó tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy nhanh quá trình tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức sáng tạo, tính năng động, tự giác của con người. Đồng thời, những thành tựu đã đạt được từ khi đất nước ta tiến hành đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã củng cố thêm niềm tin, lý tưởng cho các tầng lớp nhân dân vào con đường đi của Đảng, kích thích họ trong quá trình rèn luyện, xây dựng những phẩm chất đạo đức cá nhân, trong đó có giới sinh viên Việt Nam.

Thứ hai, tạo lập môi trường văn hóa tiến bộ, cơ sở để hình thành nhân cách đạo

đức của sinh viên.

Bên cạnh việc giữ vững ổn định chính trị, xây dựng một nền kinh tế vững chắc,

sự lành mạnh của môi trường kinh tế - xã hội còn được thể hiện ở việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần xã hội theo những định hướng giá trị của chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện cần thiết cho sự hình thành và phát triển nhân cách đạo đức người sinh viên.

Đúng vậy, nền văn hóa dân tộc như là tổng thể của mọi giá trị vật chất và tinh thần, đặc biệt là những giá trị tinh thần chân - thiện - mỹ, là cội nguồn, là nguyên liệu bên ngoài (xã hội và khách quan), là môi trường cho sự hình thành và phát triển nhân cách, nhân cách đạo đức. Và nhân cách của con người như thế nào, điều đó tùy thuộc vào khả năng và mức độ mà người đó tiếp nhận những tác động văn hóa của xã hội thông qua sự luyện tập văn hóa của cá nhân trong lao động, trong học tập, trong giao tiếp xã hội. Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, văn hóa đồng thời lại tác động trực tiếp tới sự phát triển và hoàn thiện con người, đưa con người lên vị trí cao nhất trong hệ giá trị xã hội: con người là giá trị của mọi giá trị. Môi trường văn hóa và con người văn hóa là hai nhân tố tác động biện chứng lẫn nhau. Xét đến cùng, môi trường văn hóa sáng tạo ra con người trong chừng mực mà con người sáng tạo ra môi trường văn hóa. Vì vậy, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu cấp bách trong quá trình xây dựng xã hội và con người mới hiện nay. Đối với sinh viên cần phải có một chính sách, cơ chế, phải tạo điều kiện cho sinh viên thấm nhuần các giá trị văn hóa, thẩm thấu nền văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa gắn kết với tất cả các hoạt động của sinh viên từ hoạt động học tập đến các hoạt động xã hội khác, để biến sinh viên thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc xây dựng nhân cách đạo đức sinh viên nếu không đi qua con đường văn hóa, hoặc môi trường sống thì sẽ tạo ra một lớp sinh viên thiếu chủ động, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm... Nhân cách đạo đức sinh viên trong bản chất đích thực của nó phải

là văn hóa đạo đức, là trình độ nhận thức của bản thân cá nhân để thực hiện các chức năng xã hội mà bản thân cá nhân ấy đảm nhiệm và góp phần mình vào quá trình sáng tạo văn hóa.

Thứ ba: Xây dựng môi trường đại học lành mạnh, tạo những điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên. ở đây, cần chú ý mấy vấn đề sau:

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong nhà trường. Giáo dục đại học không chỉ giáo dục sinh viên về mặt tri thức mà còn giáo dục

cả đạo đức, lối sống cho sinh viên. Trong môi trường này, nhân cách đạo đức sinh viên phát triển và được định hình rõ rệt. Vì vậy, nhà trường cần phải giữ gìn kỷ cương và nề nếp học đường, các thầy, cô giáo trong ứng xử, trong hành vi đều định hướng cho sự phát triển nhân cách của sinh viên. Thầy cô giáo phải là "tấm gương sáng cho học sinh noi theo".

Thầy, cô giáo không chỉ là người góp phần làm giàu vốn tri thức, hiểu biết cho các thế hệ sinh viên bằng hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học, mà điều quan trọng hơn là thông qua quá trình giáo dục làm hình thành ở sinh viên những hoài bão, ước mơ, lý tưởng, tình cảm đạo đức, hun đúc trong họ lòng tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, ý chí vươn lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đặc biệt là những thầy cô giáo dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn như: Văn hóa, Đạo đức, Triết học... thì nhiệm vụ giáo dục để góp phần xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên càng có vị trí quan trọng hơn. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ giáo viên này vừa thiếu, lại vừa yếu không đủ sức truyền cảm, sức hút của những môn học này đến đa số sinh viên, nhất là sinh viên các trường kỹ thuật. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận sinh viên coi nhẹ các môn học này, coi đó là môn phụ, học cho qua chuyện, học chống đối... Để góp phần khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích đào tạo, nâng cao trình độ của giảng viên các môn lý luận Mác - Lênin, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học này. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến môn Đạo đức học môn học góp phần tích cực vào việc xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên trong các trường đại học. Theo ý nghĩa ấy, các trường đại học cần hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng viên của mình, không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức, đáp ứng những yêu cầu về đức, tài cụ thể mà Luật công chức nhà nước đã ban hành.

- Xây dựng các tập thể trong sạch, vững mạnh, có nếp sống văn hóa đạo đức, tạo môi trường thuận lợi để cá nhân phát triển nhân cách đạo đức.

Tập thể là sự thể hiện mối liên hệ giữa những người có tiếp xúc thường xuyên với nhau trong một tổ chức nhất định mà họ sinh hoạt. ở đây, họ cùng hoạt động, giúp đỡ, tương trợ nhau để đạt mục đích, nhiệm vụ chung. Nếu không có những đặc điểm trên thì sự liên kết ấy chỉ là những nhóm người, những đám đông chứ không được gọi là tập thể.

Xây dựng một tập thể có nếp sống lành mạnh là môi trường xã hội trực tiếp, tốt nhất để trong đó mỗi sinh viên hình thành và phát triển nhân cách đạo đức của mình. Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có những phương tiện để phát triển toàn diện những năng khiếu của mình, chỉ có trong cộng đồng mới có thể có tự do cá nhân. Chính trong cộng đồng ấy, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, tính trung thực...của người sinh viên được biểu hiện và phát triển, đó chính là những nền tảng để xây dựng nhân cách đạo đức sinh viên. Xây dựng tập thể có nếp sống lành mạnh trong trường đại học được biểu hiện chủ yếu qua xây dựng nếp sống trong học tập, trong sinh hoạt tập thể và xã hội...trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng nếp sống mới trong học tập cho sinh viên.

Hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo trong suốt thời gian ở trường đại học để tiếp nhận tri thức, kỹ năng để phục vụ hoạt động thực tiễn của bản thân sau này. Xây dựng nếp sống trong học tập cần quán triệt những khía cạnh sau:

+ Xây dựng thói quen chấp hành kỷ luật trong học tập: Đi học đúng giờ, nghỉ học có lý do, nghỉ học không vượt quá thời gian qui định là 20% số tiết trên tổng số tiết của môn học.

+Xây dựng tính tự giác, trung thực trong học tập, nghiêm túc trong thi và kiểm tra.

+ Giáo dục tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập giữa những sinh viên trong cùng tập thể.

Vấn đề xây dựng nhân cách đạo đức cho sinh viên sẽ đạt hiệu quả cao khi quán triệt quan điểm đồng bộ trong quá trình tạo ra môi trường xã hội lành mạnh. Tạo ra một môi trường chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - tinh thần, một tập thể lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến xây dựng nhân cách đạo đức sinh viên. Tuy nhiên, cần thấy rằng, cơ chế thị trường ở nước ta dù có sự quản lý của Nhà nước vẫn mang trong mình những khuyết tật của nó. Vì vậy, phấn đấu xây dựng một môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội lành mạnh là một vấn đề khó khăn, phức tạp và lâu dài. Muốn có một nhân cách đạo đức tốt đòi hỏi mỗi sinh viên phải cố gắng phấn đấu, rèn luyện đáp ứng được yêu cầu của nền giáo dục và đào tạo hiện nay. Vì "môi trường lành mạnh" chỉ mang ý nghĩa tương đối và chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ cho việc xây dựng nhân cách đạo đức sinh viên.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề xây dựng nhân cách đạo đức sinh viên trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)