Chúng ta ai cũng biết rằng, tình cảm của con người Nhật đối với thiên nhiên rất sâu nặng, họ luôn coi thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây như là một phần tâm hồn của cuộc sống và in sâu trong bản chất mỗi con người Nhật Bản. Tuy nhiên, trong việc trình bày hoa đối với người Nhật không phải là cách để biểu lộ những tình cảm ấy. Hơn nữa, nó còn được tôn sùng và nâng lên trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống rất độc đáo của mình. Đó là nghệ thuật Ikebana.
Về nguồn gốc của Ikebana có thể bắt nguồn từ các nghi lễ dâng hoa trong các đền chùa phật giáo từ thế kỷ VI [10, tr. 140]. Sự chuẩn bị ban đầu trong việc trình bày hoa hết sức mộc mạc và thô sơ. Nếu như ai đã hiểu lối xử thế của các nhà sư sẽ không thể không thấy lòng sủng ái có tính cách tôn giáo của họ đối với hoa. Theo những chuyện cổ tích Nhật Bản thì cách trình bày hoa đầu tiên là do các sư sãi già trong Đạo Phật, đi lượm những bông hoa cùng loại bị bão tố vùi dập mang về đặt lên bàn thờ để cúng Phật. Những lần sau đó, chuyển sang cắm lẫn nhiều thứ hoa vào những bình đầy nước là theo nguyên tắc nhất định, cả hoa và cành đều được bố trí như cách thể hiện lòng trung thành với thượng đế. Rồi việc ấy trở thành hình thức cắm hoa trong các đền chùa.
Nếu chỉ nói rằng Ikebana là nghệ thuật cắm hoa thì quả thật chưa thể hiện hết nội dung của nó, mà Ikebana còn thể hiện vẻ đẹp sống động của thiên nhiên với một triết lý nhân văn sâu sắc. "Ikebana kế thừa nghệ thuật được cả dân tộc tạo dựng hàng thế kỷ, giáo dục con người khả năng coi thiên nhiên như một kho tàng của cái đẹp" [7, tr. 86].
Theo truyền thống, trên tầng hai của một nhà ga nổi tiếng ở Tokyo, có một tủ kính lớn lúc nào cũng đặt một bình hoa tươi và tên của một nghệ nhân Ikebana. Trước tủ kính là một dòng chữ trang trọng: Hoa và tâm hồn con người. Cũng tại Tokyo, có một trường đại học dạy cắm hoa, ở đó người ta truyền cho sinh viên biết bao kiến thức về Phật giáo và đạo Shinto, những quan niệm về thế giới nhân sinh, về vũ trụ chứ không chỉ riêng về hình thức và phương pháp cắm hoa.
Đến thế kỷ XV, khi Trà đạo được dùng phổ biến trong xã hội Nhật Bản thì Ikebana cũng bước vào thời kỳ mới, phức tạp hơn gọi là Rikka (Cắm hoa đứng), dùng các bình cắm hoa để trang trí văn phòng, trà thất. Phương pháp cắm hoa Rikka, tìm cách thể hiện vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên. Quy ước rằng, hoa phải được cắm theo hình núi Sumeru, ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà phật và tượng trưng cho toàn vũ trụ. Phương pháp này đòi hỏi nhiều tính tượng trưng như: Những cành cây tượng trưng cho núi và đá, hoa cúc trắng tượng trưng cho dòng sông hoặc con suối. Phương pháp Rikka đạt tới thời hoàng kim của nó vào thế kỷ XVII, một thời được coi là kiểu cắm hoa thích hợp cho nghi lễ của trà sư hay hoa sư vào trong các dịp hội hè. Bây giờ nó không còn phụ thuộc vào các nghi lễ và phòng trà nữa, trong nhà ở cũng được cấu tạo một chỗ dành riêng để đặt lọ hoa. Đặc điểm cơ bản của hình thức cắm hoa ở Nhật Bản thời kỳ đầu bao giờ hoa cũng phải luôn gắn liền với lá, mục đích chủ yếu là nhằm thể hiện vẻ đẹp toàn diện khi cây hoa còn sống. Mặc dù Ikebana có thể coi như một loại hình nghệ thuật, nhưng các nghệ nhân Ikebana lại không phải là người sáng tạo ra công trình nghệ thuật ấy. Chất liệu của nghệ thuật này, chủ yếu là dựa vào những cây hoa tươi.
Về sau, do cách bố trí phòng trà, người ta muốn có lọ hoa cắm theo kiểu bố cục tự nhiên. Vì thế từ cuối thế kỷ XVI, đã xuất hiện một phương pháp cắm hoa mới có tên
gọi là Nageiri (ném hay quẳng vào). Theo phương pháp này mang tính đơn giản và mộc mạc hơn, người ta có thể tỉa bớt những cành lá thừa, nhưng theo nguyên tắc nhất định. Khi cắm các cành không được nương tựa vào nhau, hoa có thể cắm trong lọ càng giống tự nhiên càng tốt. Chất liệu của bình hoa không còn là vấn đề quan trọng, “luật lệ cắm hoa thời kỳ này cũng được đơn giản hóa sao cho mọi tầng lớp nhân dân đều có thể thưởng thức nghệ thuật này” [18, tr. 141].
Bước sang thế kỷ XX, đặc biệt là từ kỷ nguyên Taisei (1912-1926), xuất hiện thêm một khuynh hướng mới ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây đó là phương pháp Moribana (cắm chồng hoa). Phương pháp này, là sự mở đầu cho kiểu cắm hoa tự do tìm đến sự đơn giản hóa về mặt hình thức. Vì sử dụng loại bình đáy phẳng, miệng thấp, có thể trình bày ở bất cứ nơi nào. Đặc biệt phù hợp với phong cảnh nội thất ở châu Âu. Song khi đến Nhật Bản do biết hoàn thiện những nét chưa đẹp của hai kiểu trên nên đã mô phỏng được cảnh quan thiên nhiên cụ thể của Nhật Bản, do đó đã thành công hơn. Phương pháp này cũng cho phép dùng các loại cây lá không có hoa và đôi khi dùng cả hoa bằng đồng để cắm. Do bình thấp, nên phải dùng bàn chông để giữ cho cành lá đứng thẳng ở vị trí cần thiết. Hoa cắm theo cách này thường được sử dụng trang trí ở trong văn phòng, phòng ngủ hoặc phòng khách.
Mặc dù các phương pháp cắm hoa có khác nhau về hình thức hay cách thể hiện, nhưng:
Tất cả đều thấm đượm hương vị Thiền của Nhật Bản, đều chú trọng đến đường nét hài hòa từ hình dáng của bình hoa, bông hoa và cành lá theo một cấu trúc tổng thể bao gồm ba yếu tố: Thiên, Địa, Nhân (tức Trời, Người, Đất) [1,tr. 1871].
Cành chính tượng trưng cho Trời tạo cho bình hoa được vững chãi. Bề cao của cành Trời được lựa chọn theo công thức sau:
Bề cao bằng bề sâu cộng 1,5 lần đường kính miệng bình, cành thứ hai kế bên tượng trưng cho cành Người nằm ở tư thế gợi cảm mọc sang phía bên kia và cùng nghiêng về một hướng bằng 2/3 cành Trời. Cành còn lại là cành Đất bằng 2/3 cành Người, cắm nghiêng về phía bên kia ngược lại với cành Người [1, tr. 1871].
Ngoài ra còn có thể trang trí thêm những cành cây, cọng cỏ khác, nhưng phải giữ nguyên hướng của ba cành chính khi nhìn vào cảm giác như ba cái tán của một cành vậy.
Đối với người Nhật bình hoa không chỉ đơn thuần là vật trang trí mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa. Nó thể hiện tâm trạng hay thời gian và khả năng đối nhân xử thế, mà không phải ai cũng rễ ràng nắm được. Vì vậy, cắm hoa cũng là một nghệ thuật phải dày công học tập.
Ngày nay, ở Nhật Bản có khoảng 400 trường phái Ikebana khác nhau, nhưng không có trường phái nào có sự trùng lặp những quy tắc của nhau.
Trong lịch sử Nhật Bản, đã có những nghệ nhân Ikebana nổi tiếng như Ikenobo Senkei (thế kỷ XV) và nghệ nhân Ikebana - Trà đạo Sennorikyu (1522-1591). Họ là những người vĩ đại đã từng tham gia vào loại hình nghệ thuật của thời gian. Cũng giống như con người, mỗi bông hoa đẹp đều có một cuộc đời riêng của nó. “Cái đẹp cao cả nhất của nghệ thuật cắm hoa là biết thưởng thức sự biến đổi, ra hoa và tàn úa của cây lá” [1, tr. 1868]. Vì thế bao giờ người ta cũng sử dụng nó ở dạng chồi nụ chứ không phải ở lúc đỉnh cao rực rỡ. Việc sử dụng hoa trong cúng bái, tế lễ, cũng chính là sự nhắc nhở con người nhớ đến nhịp sông vĩ đại của tự nhiên.
Để làm chủ được nghệ thuật này, người Nhật Bản chưa bao giờ chùn bước trước những khó khăn. Họ đã dày công trau dồi nghệ thuật để tìm hết những cái đẹp của tạo hóa trong mỗi bông hoa, khiến cho thứ nghệ thuật có một không hai trên thế giới này
chẳng thể mai một sau nhiều thế kỷ thăng trầm trên đất Phù Tang, đó là sự thần kỳ của nền văn minh Nhật Bản.