Quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn (Trang 50 - 54)

Sau khi vợ chồng ly hôn, việc giao con cho ai nuôi phải dựa trên nguyên tắc vì quyền lợi mọi mặt của con. Tất cả những quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đều nhằm mục đích đảm bảo cho con một cuộc sống tốt nhất có thể. Quyền lợi của con, nghĩa vụ của cha mẹ không chỉ xác định tại thời điểm mà cha mẹ ly hôn mà cả trong suốt quá trình đó, cho đến khi con có thể trở thành một công dân độc lập theo quy định của pháp luật. Vì vậy, sau khi có sự ghi nhận của Toà án về người trực tiếp nuôi con trong các bản án ly hôn, nếu quyền lợi của con không được đảm bảo thì vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ được đặt ra nếu các bên có yêu cầu.

4.1. Điều kiện để Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con

Điều 93 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định:

“ Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc của cả hai bên, Toà án có

thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.’’

Như vậy, điều kiện đầu tiên để có thể yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con là phải vì lợi ích của con. Đó là lý do duy nhất để Toà án xem xét vấn đề khi có yêu cầu. Vì vậy, Toà án cần xem xét một cách cẩn thận tránh tình trạng những đứa con trở thành vật tranh giành lẫn nhau giữa cha và mẹ để thoả mãn mong muốn được trực tiếp nuôi con của cả hai người. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ được thực hiện khi người đang trực tiếp nuôi con không đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho con. Người không trực tiếp nuôi con

không được vì lý do hiện mình có điều kiện tốt hơn mà đòi người đang trực tiếp nuôi con giao con cho mình muôi. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ làm xáo trộn một lần nữa cuộc sống của đứa con, vì vậy, chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết thì Toà án mới chấp nhận yêu cầu đó. Đây là một việc làm hết sức cần thiết không phải mới được quy định mà đã có từ khi Luật HN&GĐ Việt Nam ra đời: “Vì lợi ích của con cái, khi cần thiết có thể thay đổi việc nuôi con…’’ (Điều 32 Luật HN&GĐ năm 1959).

Cũng như trong các quyết định khác có liên quan đến quyền lợi của con cái, trong quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con, pháp luật cho phép những người con từ đủ chín tuổi trở lên được thể hiện nguyện vọng của mình. Người con sau một thời gian sống cùng người trực tiếp nuôi con đã phần nào cảm nhận được cuộc sống của mình có được đảm bảo một cách tối thiểu không, người trực tiếp nuôi chúng có quan tâm, chăm sóc chúng chu đáo không… Nhưng dù sao đây cũng chỉ là cái nhìn một phía và thiên về cảm tính nên ý kiến của chúng không phải là điều kiện quyết định mà chỉ là để Toà án cân nhắc, suy xét. Đây cũng là một điểm mới của Luật HN&GĐ năm 2000.

Điều kiện thứ hai để Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con là phải có yêu cầu của một hoặc cả hai bên cha mẹ. Cha mẹ là người quan tâm nhất đến cuộc sống của con cái và họ cũng là người hiểu nhất những nhu cầu của con cái, là người luôn muốn cho con mình có cuộc sống tốt đẹp nhất. Vì vậy, khi cảm thấy cuộc sống của con mình không được đảm bảo thì họ có quyền yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, quy định trên tỏ ra chưa phù hợp với thực tiễn bởi vì khi rõ ràng cuộc sống của người con không được đảm bảo nhưng cha mẹ chúng vì lý do riêng tư nào đó lại không có yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con thì cũng không có ai có quyền yêu cầu Toà án thực hiện việc này. Đặc biệt, trường hợp người trực tiếp nuôi con rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì việc yêu cầu này chỉ có thể trông chờ vào người không trực tiếp nuôi con. Như chúng ta đã biết, khi quyền lợi của con không được đảm bảo trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì các tổ chức như Hội liên hiệp phụ nữ, Uỷ

ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em có thể đứng ra yêu cầu Toà án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ này. Vậy trong trường hợp này, có thể nói luật không quy định những tổ chức này cũng có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là một thiếu sót cần bổ sung.

4.2. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con dưỡng, giáo dục con

Sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi con, vị trí của các bên có sự hoán đổi. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên cũng có sự hoán đổi tương ứng. Toà án sẽ có quyết định và xác định lại quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Người trước đây trực tiếp nuôi con nay lại có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và quyền thăm nom con. Còn người trước chỉ được gặp con qua những lần thăm nom, nuôi con bằng những khoản cấp dưỡng thì nay lại được hàng ngày chăm sóc, giáo dục con, nuôi con bằng khả năng của mình. Khi xác định lại người trực tiếp nuôi con, Toà án có thể thay đổi một số nội dung cụ thể trong quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con. Do điều kiện kinh tế của các bên cha mẹ là khác nhau nên việc thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng có thể dẫn đến sự thay đổi về mức cấp dưỡng; và công việc của mỗi bên là khác nhau nên phương thức cấp dưỡng cũng có thể được thay đổi cho phù hợp với điều kiện của mỗi bên. Quyền thăm nom con cũng có thể thay đổi và thường là thay đổi theo hướng hạn chế hơn quyền này đối với người không trực tiếp nuôi con. Bởi vì thăm nom con là một quyền cơ bản và không ai có quyền hạn chế quyền này của người không trực tiếp nuôi con trừ khi có quyết định của Toà án. Trường hợp lý do của việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là vì người trực tiếp nuôi con có những hành vi gây ra hoặc đe doạ gây ra nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, hoặc ảnh hưởng không tốt tới sự hình thành nhân cách của con thì Toà án có thể hạn chế quyền này của người đã từng trực tiếp nuôi con.

Sau khi thay đổi người trực tiếp nuôi con, các bên có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con có thể tiếp tục được thực hiện nếu như việc thay đổi lần trước đã không còn phù hợp. Tuy

nhiên trong mọi trường hợp thì Toà án cần xem xét một cách kỹ lưỡng để cuộc sống của người con không bị xáo trộn và bảo vệ quyền lợi mọi mặt của con.

CHƯƠNG III

THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN NGUYÊN TẮC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN NGUYÊN TẮC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn (Trang 50 - 54)