1. Nội dung hiệp định TRIPs:
Hiệp định TRIPS-WTO đã làm thay đổi bộ mặt của hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới. Về nguyên tắc bảo hộ sở hữu trí tuệ, Hiệp định TRIPS tái khẳng định đồng thời mở rộng các quy định của Công ước Paris và Công ước Berne. Hiệp định TRIPS đòi hỏi mọi quốc gia thành viên của WTO phải xây dựng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ theo các tiêu chuẩn tối thiểu thống nhất. Một cách tổng quát, các tiêu chuẩn tối thiểu ấn định trong Hiệp định TRIPS nhằm bảo đảm cho mỗi quốc gia thành viên có một hệ thống sở hữu trí tuệ đầy đủ và có hiệu quả.
Theo Hiệp định này, mỗi nước thành viên của WTO có nghĩa vụ dành cho công dân của nước thành viên khác, theo nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc, sự bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ và có hiệu quả.
Các lĩnh vực của sở hữu trí tuệ được điều chỉnh là: quyền tác giả và quyềt liên quan (tức là quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát sóng); nhãn hiệu hàng hoá, bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ; chỉ dẫn địa lý, bao gồm cả tên gọi xuất xứ; kiểu dáng công nghiệp; patent, bao gồm cả bảo hộ giống cây trồng mới; thiết kế bố trí mạch tích hợp; và thông tin không được tiết lộ, bao gồm cả bí mật thương mại và dữ liệu thử nghiệm.
Các nguyên tắc cơ bản về đối xử quốc gia (cấm Thành viên phân biệt đối xử giữa công dân của mình với công dân của các Thành viên khác) và về đối xử tối huệ quốc (cấm Thành viên phân biệt đối xử giữa công dân của các Thành viên khác), được áp dụng chung cho tất cả các đối tượng sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Các nghĩa vụ này không chỉ áp dụng đối với các tiêu chuẩn về nội dung của việc bảo hộ mà còn áp dụng cả đối với những vấn đề liên quan đến khả năng đạt được, xác lập, phạm vi, việc duy trì và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như những vấn đề ảnh hưởng đến việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được điều chỉnh cụ thể trong Hiệp định.
Hiệp định quy định các tiêu chuẩn tối thiểu về từng yếu tố bảo hộ cơ bản, đó là đối tượng được bảo hộ, các quyền được cấp và các ngoại lệ được phép đối với các quyền đó và thời hạn bảo hộ tối thiểu. Hiệp định quy định các tiêu chuẩn này bằng cách trước hết yêu cầu rằng các nghĩa vụ về mặt nội dung của các Điều ước cơ bản của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) - Công ước Paris, Công ước Berne - phải được tuân thủ. Ngoài ra, Hiệp định TRIPS còn bổ sung một số nghĩa vụ khác quan trọng về các vấn đề mà các Điều ước kể trên không điều chỉnh hoặc được coi là không thoả đáng.
Hiệp định dành một phần đáng kể để quy định tiêu chuẩn của các cơ chế bảo hộ - tức là các biện pháp, phương thức, trình tự xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Yêu cầu chung đối với các cơ chế đó là minh bạch, công bằng và thoả đáng. Các cơ chế có thể và cần phải có là cơ chế dân sự, hành chính và hình sự. Mỗi cơ chế được áp dụng trong các điều kiện nhất định và với những tiêu chuẩn cụ thể được chỉ rõ trong Hiệp định.
2. Quá trình đổi mới và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam
Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta đã được triển khai từ những năm 1980. Tuy nhiên, vào thời điểm Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (1995), bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đối chiếu với Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (Hiệp định TRIPS - Hiệp định đa phương toàn diện nhất về sở hữu trí tuệ), hệ thống sở hữu trí tuệ chưa phải là một hệ thống đầy đủ và có hiệu quả theo chuẩn mực được ấn định trong Hiệp định này.
Sự ra đời của Bộ luật Dân sự năm 1995, bao gồm 61 điều luật về sở hữu trí tuệ (thuộc Phần thứ sáu - Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ) với nội dung thừa nhận quyền dân sự (quyền tài sản và quyền nhân thân) đối với các thành quả sáng tạo trí tuệ được coi là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng cho việc xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Những năm sau đó, hàng loạt Nghị định của Chính phủ đã lần lượt được ban hành trực tiếp điều chỉnh hoặc liên quan tới bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm thi hành các quy định về sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Dân sự, và những văn bản đó lại được cụ thể hoá hoặc hướng dẫn thi hành bởi các Thông tư của các Bộ, ngành và các văn bản của cơ quan cấp dưới Bộ. Hệ thống các văn bản hướng dẫn, giải thích như trên không chỉ cụ thể hoá, mà còn bổ sung những quy định còn thiếu hoặc sửa chữa những quy định không phù hợp của các văn bản cấp trên. Các nguồn luật khác (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự,...) đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung cho các văn bản pháp luật riêng về sở hữu trí tuệ. Nhờ cấu trúc kiểu “bọc lót” như vậy, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam (xem phần Phụ lục) đã bao gồm các quy phạm pháp luật căn bản đạt được tiêu chuẩn về “tính đầy đủ" như quy định của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Xét về nội dung, tính đến thời điểm này (tháng 12.2004), pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã hầu như đáp ứng tiêu chuẩn về “tính đầy đủ” theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế quan trọng khác về sở hữu trí tuệ. Ngoại trừ tín hiệu vệ tinh chưa được bảo hộ, pháp luật đã quy định bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ bắt buộc phải bảo hộ, theo các chỉ tiêu về nội dung quyền, thời hạn được hưởng quyền,
cơ chế bảo vệ quyền phù hợp chuẩn mực của các điều ước quốc tế. Chỉ còn một số ít các quy định chưa phù hợp hoặc còn phải khắc phục để đạt được tính đầy đủ, như quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quy định cụ thể về thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng... Hơn nữa, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng được coi là tương đối hoà hợp với những hệ thống pháp luật tiên tiến về sở hữu trí tuệ của các quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về “tính hiệu quả”. Các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp chế tài dân sự, hành chính, hình sự còn chưa đầy đủ và chưa thực sự rõ ràng, minh bạch. Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm cũng như cơ chế hoạt động của hệ thống các cơ quan thực thi hành chính chưa hợp lý. Do đó quan hệ về sở hữu trí tuệ mang bản chất dân sự chưa được chú trọng xử lý bằng trình tự dân sự mà, ngược lại, bị hành chính hoá và hình sự hoá một cách bất hợp lý. Một số quy định trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn, đặc biệt là chưa thật sự rõ ràng, chi tiết nên khó áp dụng trong thực tiễn.
Đặc biệt là, do được cấu trúc trên nền tảng là Phần thứ VI Bộ luật Dân sự (1995) mà không có luật riêng về sở hữu trí tuệ nên hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ bộc lộ những bất cập lớn, đó là chỉ có thể đưa vào văn bản luật các quy phạm dân sự của quyền sở hữu trí tuệ, trong khi các quy phạm quan trọng về thủ tục xác lập cũng như thực thi quyền, các biện pháp chế tài nhằm bảo vệ quyền và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... mang bản chất hành chính và hình sự đều không thể đưa vào Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, bản thân các quy định mang tính dân sự của ngành luật mới mẻ này cũng có nội dung phức tạp đòi hỏi phải có một dung lượng lớn các quy định cụ thể, vì vậy không thể đưa hết vào Bộ luật Dân sự. Những quy định như vậy đều phải đưa xuống văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành (các Nghị định, Thông tư...), và với cấu trúc như vậy, có thể thấy rằng có quá nhiều văn bản dưới luật đã phải đóng vai trò của văn bản luật, cấu trúc quy phạm vì vậy quá cồng kềnh, phức tạp, chồng chéo, “gốc nhỏ hơn ngọn”, khiến cho hiệu lực của toàn bộ hệ thống bị suy giảm và dễ gây ấn tượng rằng các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam không ổn định, dễ bị thay đổi.
3. Phương hướng hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam
Để đạt được mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, khắc phục mọi nhược điểm hiện có của hệ thống này, cần phải “sắp đặt lại” toàn bộ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành trong Bộ luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xây dựng luật chuyên ngành riêng cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ điều chỉnh mọi quan hệ về sở hữu trí tuệ trên cơ sở các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, hành chính và hình sự trong các văn bản luật gốc.
So sánh tất cả các mô hình pháp luật quốc gia về sở hữu trí tuệ phổ biến của thế giới với pháp luật Việt Nam (xét cả về tổng thể toàn bộ hệ thống pháp luật và về các hệ thống pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực khác), có thể thấy rằng Mô hình xây dựng Luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ (Luật Sở hữu trí tuệ) là mô hình thích hợp nhất cho hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong giai đoạn tới. Mô hình này tuy
chưa phổ biến, nhưng lại là xu hướng phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ, đặc biệt là pháp luật quốc tế với ví dụ điển hình là Hiệp định TRIPS. Vì vậy, mô hình này sẽ bảo đảm sự phát triển lâu dài của hệ thống. Hơn nữa, Luật Sở hữu trí tuệ chung sẽ làm cho pháp luật có tính hệ thống và toàn diện, hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn đồng thời giảm khối lượng đáng kể các quy định giống nhau vì mọi đối tượng đều có những đặc điểm chung của sở hữu trí tuệ (ví dụ các chế tài và thủ tục thực thi quyền). Luật Sở hữu trí tuệ chung cũng tạo tiền đề và cơ sở pháp luật cho việc đổi mới tổ chức hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ của Nhà nước theo hướng thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Theo Mô hình này, trong Bộ luật Dân sự chỉ để lại những quy định pháp luật dân sự mang tính nguyên tắc chung thích hợp để xây dựng các quy định pháp luật cho mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Có như vậy Bộ luật Dân sự mới đóng vai trò một đạo luật gốc của ngành luật dân sự, phù hợp với mục tiêu xây dựng Bộ luật đó và tương đồng với các đạo luật gốc khác (Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Khiếu nại Tố cáo; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Luật Tổ chức Chính phủ; Bộ luật Hình sự,...).
Bên cạnh Luật Sở hữu trí tuệ, các luật chuyên ngành khác (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư; Luật Thương mại; Luật Doanh nghiệp; Luật Quảng cáo; Luật Xuất bản; Luật Báo chí; Luật Hải quan) đóng vai trò các nguồn luật bổ sung, hỗ trợ cho luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ.
Dưới Luật Sở hữu trí tuệ, cần có các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, giải thích về từng đối tượng sở hữu trí tuệ và các phạm trù khác. Thông tư của các Bộ/Ngành chỉ đóng vai trò là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định.
DANH LỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. SÁCH
1. Kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế - Bộ Thương Mại, 2004.2. Quan hệ kinh tế quốc tế - Lý thuyết và thực tiễn – GS - PTS Tô Xuân Dân 2. Quan hệ kinh tế quốc tế - Lý thuyết và thực tiễn – GS - PTS Tô Xuân Dân & PTS Vũ Xuân Lộc.
3. Giáo trình CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ - Vũ Chí Lộc.4. Mutrap II 4. Mutrap II
5. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006
B. WEBSITEhttp://www.luatgiapham.com/tai-nguyen/s-hu-tri-tu/317-phan-bit-s-khac-nhau-gia-thng-hiu-va- http://www.luatgiapham.com/tai-nguyen/s-hu-tri-tu/317-phan-bit-s-khac-nhau-gia-thng-hiu-va- nhan-hiu-.html http://luat.xalo.vn/phap-luat/Thong-tu/131688073/Thong-tu-Huong-dan-chuyen-giao-cong-nghe- nuoc-ngoai-vao-Viet-Nam.html http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC/TB5/nha.pdf http://www.smediavn.com/?vnTRUST=act:news%7cnewsid:136 http://vietbao.vn/Kinh-te/Tu-cam-ket-TRIPS-den-viec-dam-phan-gia-nhap-WTO/30051420/87/ http://www.baomoi.com/Info/Phat-trien-cong-nghe-Kinh-nghiem-tu-Han-Quoc/53/4004361.epi http://203.162.0.19:8080/show_content.pl?topic=5&ID=2040 http://www.luatvietan.vn/posts/hiep-dinh-trips-wto5.php http://www.tinmoi.vn/Nha-khoa-hoc-Viet-chuyen-giao-cong-nghe-TBG-cho-the-gioi- 04143630.html