Những thành tựu đạt được

Một phần của tài liệu Những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong những năm tới (Trang 35 - 37)

IV. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG EU TRONG NHỮNG NĂM QUA

1. Những thành tựu đạt được

Việt Nam hiện là nước thứ 29 trên thế giới, đứng thứ 4 trong khối ASEAN về xuất khẩu thủy sản và mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đã xuất khẩu được sang hơn 50 nước và khu vực.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong những năm qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, cụ thể là :

 Kim ngạch xuất khẩu thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm, từ mức chỉ chiếm tỷ trọng dưới 10% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản (năm 1997) thì nay tỷ trọng này đã tăng lên rất đáng kể (11,3% vào năm 1998).

 Thủy sản của Việt Nam đã và đang được ưa chuộng ở khắp các thị trường, trong đó có EU. Thủy sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường này ngày một mạnh mẽ, trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng EU.

 Thị phần xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU đã tăng lên rất đáng kể, từ mức 11% năm 1997 lên 18% năm 1998 trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

 EU luôn là một trong 3 thị trường hàng đầu của thủy sản Việt Nam, luôn đứng vị trí thứ 2 sau Nhật Bản trong việc nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm qua.

 Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam như: tôm, nhuyễn thể chân đầu, cá đáy, cá nước ngọt thịt trắng ít xương; các sản phẩm truyền thống như: nước mắm, bánh phồng tôm, cua, ghẹ, tôm và đặc biệt là tôm sú đã đang và sẽ có sức cạnh tranh rất cao trong EU trong thời gian tới.

 Xuất khẩu thủy sản sang EU nói riêng hay ra các thị trường trên thế giới trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ trong việc tăng thu ngoại tệ cho đất nước, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời xuất khẩu thủy sản nói chung đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho nhiều vùng nông thôn ven biển.

 Đã đạt được sự ưu đãi về thuế của EU: theo qui chế mới của EU bắt đầu từ tháng 7/1999 đến tháng 12/2000 thì hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam thuộc nhóm hàng khuyến khích nhập khẩu nên sẽ được hưởng mức thuế bằng 35% mức thuế Tối huệ quốc.

 Ủy ban Thú y thường trực của EU đã bỏ phiếu nhất trí đưa Việt Nam vào danh sách 1(ngày 20/10/1999) được phép xuất khẩu thủy sản vào EU ở cấp liên minh và ngày 16/11/1999 EU đã chấp thuận 18/33 doanh nghiệp đã kiểm tra đủ điều kiện. Cũng theo quyết định này, tổ chức của Việt Nam có thẩm quyền trong việc chứng nhận chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thủy sản (NAFIQACEN). Điều này khẳng định uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, uy tín về chất lượng của các mặt hàng thủy sản và uy tín của NAFIQACEN trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đang có 29 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Các doanh nghiệp còn lại muốn xuất khẩu sang EU, không còn con đường nào khác ngoài việc phải thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn của EU.

 Ngày 10/5/2000, Ủy ban Châu Âu đã ra quyết định cho phép Việt Nam xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ, loài da gai, loài có vỏ và chân bụng biển từ Việt Nam. Việc được vào nhóm 1 các nước xuất khẩu nhuyễn thể sang EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

 Được sự hỗ trợ của dự án SEAQIP nhằm giúp đỡ các nhà máy thủy sản đông lạnh đạt tiêu chuẩn HACCP là giấy thông hành vào EU.

 Việt Nam đã mở gian hàng thủy sản đầu tiên tại Hội chợ thủy sản quốc tế Bruc-xen với sự tham gia của 11 doanh nghiệp.

 Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam mặc dù mới thành lập nhưng đã có đóng góp tích cực trong việc mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

 Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã đầu tư theo chiều sâu, nâng cấp điều kiện sản xuất, thực hiện quản lý chất lượng theo HACCP, nên hiện nay đã có 60 cơ sở áp dụng HACCP và 33 cơ sở chế biến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU.

Một phần của tài liệu Những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong những năm tới (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(61 trang)
w