III, MỘT SỐ THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ XDCB.
1, Tài sản cố định huy động và năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm.
1.1, Nông nghiệp-lâm nghiệp-thuỷ sản 1 Nông nghiệp
Tổng vốn đầu tư trong 5 năm là 36,2 tỷ đồng. Tập trung đầu tư cho cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng (nhà làm việc, kênh mương tưới, sân phơi, nhà kho, hệ thống điện, máy bơm, trạm giống…) cho các đơn vị sản xuất giống cây trồng vật nuôi của tỉnh; đầu tư trang thiết bị hệ thống bảo vệ thực vật, thú y. Bên cạnh vốn dầu tư của nhà nước, các thành phần kinh tế khác cũng tích cực đầu tư các cơ sở sản xuất giống (chuồng trại, thiết bị…)
Nhìn chung việc đầu tư đã góp phần hoàn thiện một bước các cơ sở giống cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm song đầu tư còn manh mún và chưa đồng bộ.
1.1.2 Thuỷ lợi
a, Hệ thống đê điều: Tổng vốn đầu tư trong 5 năm là 148,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 80,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 68,3 tỷ đồng.
- Đắp đê: Khối lượng đắp đê trung ương quản lý là 1.285.426m3 (trung bình 257.085m3/năm, bằng 43% mục tiêu đề ra), khối lượng đắp đê do địa phương quản lý là 1.126.321m3 (trung bình 225.264m3/năm, bằng 50% mục tiêu đề ra). Gia cố đê 140.033m khoan sâu (mks), trong đó đê Trung ương quản lý là 48.417 mks, đê do điạ phương quản lý là 91.616mks, tu bổ đê kè 129.126m3, trong đó kè đê thuộc Trung ương quản lý là 80.485m3 đá (bằng 107,3% mục tiêu đề ra), đê địa phương quản lý 48.641m3 đá (bằng 243,2% mục tiêu đề ra), xây dựng và cải tạo 14 cống dưới đê, trong đó Trung ương quản lý 6 cái (bằng 60% mục tiêu đề ra), địa phương quản lý 8 cái (bằng 80% mục tiêu đề ra), cải tạo và xây mới 96 điếm canh đê, trong đó địa phương 91 cái, trung ương 5 cái, nhà quản lý đê xây mới 4 cái do trung ương đầu tư; cải tạo và cứng hoá 91km đê, trong đó đê Trung ương quản lý 62,2 km, đê địa phương quản lý 28,9 km.
Các công trình khác phục vụ yêu cầu phòng chống lụt bão (trồng tre chắn sóng, rải đá cộn, đất núi mặt đê,…) được quan tâm đầu tư, góp phần bảo vệ đê trong mùa lũ.
Trong những năm qua công tác tu bổ hệ thống đê điều thường xuyên được quan tâm đầu tư nên hệ thống đê trong tỉnh ngày một vững chắc, chưa xảy ra sự cố lớn trong mùa mưa bão.
Tuy nhiên, do hệ thống đê điều của tỉnh lớn, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên hệ thống đê điều hiện nay của tỉnh vẫn chưa hoàn chỉnh, còn nhiều điểm xung yếu. Nhiều tuyến đê còn mảnh chưa đủ mặt cắt thiết kế, hầu hết các tuyến đê chưa có cơ, sát chân đê còn nhiều thùng ao sâu, nhiều cống dưới đê được xây dựng từ lâu đã quá tuổi thọ và ngắn so với đê; một số bờ sông đang có diễn biến sạt lở; hệ thống điếm canh đê, nhà quản lý, tre chắn sóng ở một số khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống lụt bão; nhiều tuyến đê qua các khu vực đông dân cư chưa được cứng hoa mặt đê nên việc giao thông đi lại đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
b, Hệ thống thuỷ nông:
- Nạo vét, khơi sâu dòng chảy sông trục chính thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải, hệ thống kênh tiêu Đồng Gia, hệ thống kênh mương nội đồng với khối lượng nạo vét là 310.000m3 (bằng 15,5% mục tiêu đề ra); củng cố, nâng cấp các tuyến đê hệ thống Bắc Hưng Hải, An Kim Hải với khối lượng thực hiện 550.000m3 (bằng 1105 mục tiêu).Tổng kinh phí đầu tư 23,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 14,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 8,5 tỷ đồng.
- Hệ thống trạm bơm: Đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng 11 trạm bơm (bằng 73,3% mục tiêu đề ra) tăng thêm năng lực tiêu chủ động cho khoảng 10.150 ha (bằng 52% mục tiêu đề ra). Hoàn thành tự động hoá cống sông Hương, hệ thống điều tiết nước trạm bơm Ô Xuyên, trạm bơm Khuông
Phụ. Tổng số kinh phí đã đầu tư cho hệ thống trạm bơm là 69,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 12 tỷ đồng, ngân sách địa phương 57,5 tỷ đồng.
- Kiên cố hoá kênh mương: Đã kiên cố hoá 873,3km kênh mương các loại (đạt so với mục tiêu đề ra là KCH từ 850km-1000km kênh mương các loại), trong đó kênh chính, kênh cấp I là 144,2 km, kênh cấp 2 là 16,5km, kênh cấp 3 là 650,1km. tổng vốn đầu tư 365,0 tỷ đồng, trong đó ngân sách đầu tư 233 tỷ đồng, vốn huy động trong dân 132 tỷ đồng.
Trong những năm qua hệ thống thuỷ nông của tỉnh được đầu tư nâng cấp đã đảm bảo yêu cầu dẫn nước, mở rộng diện tích tưới tiêu, nâng cao năng suất cây trồng. Việc kiên cố hoá kênh mương đã nâng cao năng lực tưới, tiết kiệm được từ 10-15% điện năng, dôi được 154ha đất chuyển sang đất canh tác hoặc mở rộng giao thông. Tuy nhiên, diện tích tưới tăng thêm thực tế mới đạt 48,35% kế hoạch, việc xoá bỏ trạm bơm dã chiến chỉ đạt 15%. Hạn chế trên là do khối lượng đầu tư lớn trong điều kiện địa bàn rộng, trong khi vốn đầu tư hạn hẹp. Việc đầu tư xây dựng còn dàn trải, chưa tuân theo quy trình đồng bộ của hệ thống kênh mương (mới có 37% kênh được kiên cố hoá từ cấp 1-2-3) nên hiệu quả khai thác công trình còn hạn chế. Một số công trình xác định vị trí xây dựng chưa phù hợp thực tế, chất lượng thi công chưa đảm bảo, việc lấn chiếm đục phá xâm hại kênh còn diễn ra ở một số nơi nhưng chưa được xử lý kịp thời. Một số chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình. Cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan như chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, chính quyền địa phương còn chưa quy định chặt chẽ rõ ràng đã ảnh hưởng tới công tác quy hoạch, giám sát chất lượng quy hoạch.