Các trường phái triết học ở ấn Độ cổ đại chú trọng vào các lĩnh vực kinh nghiệm tâm linh và vấn đề cơ bản là tôi luyện tâm linh để giải thoát con người
đặc trưng đó. Đạo Phật là đạo giải thoát. Vấn đề giải thoát là một trong những vấn đề cơ bản của đạo Phật. Đức Phật không chỉ dừng lại ở chỗ nói về khổ nạn và nguyên nhân của khổ nạn con người phải chịu đựng trong cuộc đời mà quan trọng hơn là sau đó Đức Phật nói về việc kết thúc khổ nạn, nói về mục tiêu của đạo Phật. Kinh Phật có nói:
"Hỡi chư tăng, tựa như nước của bể cả, chỉ thấm nhuần một hương vị, hương vị mặn của muối. Đạo lý của ta cũng chỉ thấm nhuần một hương vị, hương vị của đạo giải thoát".
Trong phần Diệt đế (Nirodha), Đức Phật nói về mục tiêu tối hậu của đạo Phật là giải thoát cho con người thoát khỏi nỗi khổ thoát khỏi luân hồi, để đạt tới trạng thái Niết bàn. Theo chữ Phạn, Niết bàn gồm hai phần, "Nir" và "Vâna". "Nir" là hình thức phủ định nghĩa là không, "Vâna" có nghĩa là ái dục. Cho nên "Đã diệt trừ lòng tham,đã diệt trừ lòng nóng giận, oán thù, đã diệt trừ si mê (vô minh), đó là Niết bàn" (Kinh Tạp A Hàm) [3, 86]. Trong một đoạn kinh khác Phật lại nói: "Dứt được lòng vị kỷ, thì chứng được cảnh giới Niết bàn". Theo "Tôn giáo từ điển": "Niết bàn là một thế giới tinh thần sau khi đã tiêu diệt được luân hồi sinh tử" [7, 899]. Những điều mà ta định nghĩa về Niết bàn chỉ có thể làm rõ mặt này hay mặt kia của Niết bàn mà thôi. Vì chúng ta đã đem cái ý niệm nhị nguyên, tương đối, còn có sự phân biệt vật - ta, vô - hữu, sinh - diệt vào giải thích một trạng thái tuyệt đối: Trạng thái diệt trừ mọi danh sắc, cảm giác, ý thức, ý niệm; trạng thái diệt mọi ái dục, vô vi, thanh, tịnh, vắng lặng, không vọng động, tịch diệt, bất tử, an lạc, hoàn thiện, vĩnh hằng... Niết bàn (Nirvâna) là cảnh giới siêu thời gian và không gian, là cảnh giới an lạc, giác ngộ và giải thoát của bậc giác ngộ trong đạo Phật. Chúng ta không thể dùng tư duy và ngôn ngữ để định nghĩa hay mô tả trực tiếp Niết bàn được mà phải bằng chính sự chứng ngộ, trực giác.
Vấn đề then chốt là phải hiểu rằng: Niết bàn chỉ do chính ta tự thấy mà thôi. Con người phải thấu hiểu về những khổ đau và tự mình thực hành việc loại trừ nguyên nhân sinh ra khổ đau để giải thoát cho mình khỏi phiền não vô minh, sân hận và tham ái, đạt tới sự an lạc thanh tịnh trong tâm hồn. Việc giải thoát do chính con người tự lực cánh sinh đảm nhiệm lấy. Phật quan niệm mọi chúng sinh đều bình đẳng ngang nhau trên con đường giải thoát. Phật nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Người ta ai cũng có Phật tính, nếu có công tu dưỡng thì cuối cùng cũng thành Phật. Phật không chỉ nói mọi người đều có khả năng thành Phật, mà Đức Phật còn nói tất cả chúng sinh đều bình đẳng trên con đường giải thoát. Chính ở đây thể hiện được tinh thần chống bất bình đẳng của đạo Phật. Đức Phật đã chỉ rõ: "Tình thương và nhu cầu là những dây liên lạc giữa mọi người. Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ như nhau, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người sinh ra không phải đã mang sẵn trong bào thai dây chuyền ở cổ hay dấu tin-ka ở trán..." [43, 115].
Những lời nói trên có thể coi như một lời tuyên ngôn của Đức Phật chống lại sự bất công, sự bất bình đẳng trong một xã hội có đẳng cấp. Đây chính là yếu tố có tác dụng khích lệ rất lớn đối với con người sống trong xã hội ấn Độ cổ đại có sự phân biệt dẳng cấp ngặt nghèo lúc bấy giờ. Nhưng bằng cách nào để thực hiện được mục đích và lý tưởng giải thoát, xoá bỏ vô minh, vọng tưởng, làm mê tâm mờ tính, diệt mọi ái dục và đau khổ, đưa đến sự an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết bàn? Lý giải vấn đề này, Đức Phật đưa ra Đạo đế (Marga Satya). Đó chính là quan điểm về con đường, cách thức hay phương pháp giải thoát của đạo Phật.
Theo triết lý Phật giáo, có 37 phương pháp tạo thành con đường và cách thức để giải thoát còn gọi là 37 đạo phẩm, gồm có: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám con đường chính. Nhưng con đường và phương pháp giải thoát tiêu biểu và tập trung nhất vẫn là "Bát chính
đạo". Đó là con đường trung đạo, con đường tránh được khuynh hướng tu luyện ép xác khổ hạnh của đạo Jaina,vừa tránh được chủ nghiã khoái lạc của phái Lokayata. Cả hai khuynh hướng trên, theo quan điểm Phật giáo, đều không thể dẫn đến trạng thái diệt ái dục, thanh tịnh, tịnh tiến và chính giác được. Lợi dưỡng vật chất, sa vào thế giới vật dục là đam mê theo đuổi cái giả tướng, làm mê tâm mờ tính, làm chậm trễ sự tiến bộ tinh thần. Còn tu luyện khổ hạnh làm suy giảm trí lực, khó có thể đạt được mục tiêu đã chọn. Trong kinh "Chuyển Pháp Luân", Đức Phật đã nói: "Người xuất gia (Pabbajitena) có hai cực đoan (antã) cần tránh, một con đường thấp hèn chủ trương cuộc sống chỉ cần khoái lạc, một con đường cực nhọc vô ích như chủ trương của phái khổ hạnh ép xác. Con đường trung đạo thì ở giữa hai thái cực kia, có thể dẫn đến giác ngộ và giải thoát " [6, 167].
Về con đường và cách thức để diệt trừ nguyên nhân nỗi khổ của con người là vô minh đi đến giải thoát con người phải thực hiện tam học - bát chính đạo. Vậy tam học là gì ? Bát chính đạo bao gồm những bước tu tập nào?
Tam học bao gồm: Giới học - Định học - Tuệ học.
Giới học là toàn bộ luân lý thực hành của đạo Phật, mục đích để kiềm chế rồi đi đến diệt dục, tức là chấm dứt mọi sự say đắm trụy lạc, những dục vọng làm cho con người sống trong vô minh, không thấy được thực tướng của thế giới và con người.
Giới là những điều luật để phòng ngừa và tránh cho thân thể, lời nói và tâm ý khỏi phạm điều sai. Giới chính là những phương tiện thay đổi lối suy nghĩ, lối sinh hoạt hàng ngày của con người, hướng con người sống hướng về thiện. Giới là giai đoạn đầu, giai đoạn tất yếu, nền tảng để chuyển sang giai đoạn tiếp theo - Định. Không có sự thực hiện giới thì thân tâm không trong sạch. Giới làm cho cá nhân con người trải qua những biến đổi đạo đức nhất định theo chiều
hướng thiện. Để thực hành giới, ta phải thực hiện chính ngữ, chính nghiệp và chính mệnh. Chính ngữ có nghĩa là phải nói lời chân chính, không nói dối, không nói xấu, không nói lời hung dữ và không nói chuyện vô ích. Chính ngữ là giữ cho lời nói - phần cực kỳ quan trọng quan trọng trong đời sống con người - hướng về thiện. Chính nghiệp nghĩa là phải hầnh động một cách chân chính: không giết hại chúng sinh, không trộm cắp hay lừa bịp người khác, tránh ngoại tình, gian dâm, tạo nên sự tôn trọng trong đời sống, tôn trọng tài sản và tôn trọng việc giao tiếp cá nhân. Chính mệnh là sự bổ sung thêm cho những điều thiện mà chính nghiệp đã nêu được áp dụng cho những người đi làm để nuôi sống gia đình. Có nghĩa rằng ta phải mưu sinh trong sự tôn trọng đời sống, tôn trọng tài sản và tôn trọng việc giao tiếp cá nhân, tránh buốn bán súc vật đem giết, tránh buôn bán rượu,... Tác dụng của Giới là giữ cho xã hội hài hòa, an lạc. Việc giữ Giới sẽ tạo cho con người an lạc, thanh tịnh nội tâm và người đó có thể đạt được nhiều kết quả trong các bước tu tập tiếp theo. Người đó có thể trau dồi và phát triển thiền định. Người đó chỉ có thể đạt được trí tuệ khi đã tạo được nền móng căn bản của Giới đức cả bên trong lẫn bên ngoài, trong môi trường cũng như trong tương quan đối với người khác, phòng ngừa những hành động sai lầm, hành động tội lỗi và ngăn cản sự nảy sinh nghiệp ác, xấu trong con người, đem lại sự hướng thiện cho con người.
Đạo Phật không chỉ có một mục tiêu về hạnh phúc và thịnh vượng mà còn có mục tiêu giải thoát. Muốn giải thoát, con đường duy nhất có thể đạt được chỉ là do trí tuệ. Muốn vậy, chỉ việc giữ Giới thôi chưa đủ, ta phải thanh lọc tâm ý, phát triển tâm ý qua thiền định. đạo Phật tập trung vào tâm thức, coi đó như là chìa khóa để đạt đến sự chuyển biến con người để thoát khỏi luân hồi sinh tử. Vì vậy, tiếp theo Giới học là Định học.
Định học là đình chỉ mọi ý nghĩ xấu, mọi tư tưởng xấu, mọi vọng niệm,
còn tập trung tư tưởng suy nghĩ để làm mọi việc lành, từ đó nảy sinh một trạng thái an lạc, tạo điều kiện cho tuệ phát ra.
Muốn vậy phải thực hiện ba bước:
Thứ nhất: Chính tinh tấn tức là tập trung năng lực vào trạng thái tinh thần để giảm thiểu hay loại bỏ những tâm bất thiện, tăng trưởng và củng cố các tư tưởng thiện như một phần của bản chất của tâm thức.
Thứ hai: Chính niệm tức là luôn nghĩ đến đạo lý Vô Ngã diệt trừ những
kiến chấp mê lầm, đoạn trừ những tư tưởng, hành động bất chính. Chính niệm còn là tỉnh thức hay chú tâm lưu ý, tránh tình trạng tinh thần rối loạn hay phiền muộn. Thực hành chính niệm đóng vai trò quan trọng trong việc tu thiền trong đạo Phật.
Thứ ba: Chính định, Thiền hay tĩnh lặng. Định là cách thực hành tập trung tâm nhắm vào một đối tượng, giữ thân tâm phẳng lặng, yên tĩnh, không một vọng niệm khởi lên. Đối tượng ở đây có thể là vật chất hay tinh thần. Khi tâm tập trung làm một chỉ nhằm vào một đối tượng là đạt định tâm, tâm hoàn toàn gắn chặt vào đối tượng ngăn chặn được tất cả những suy nghĩ, phóng tâm, dao động, bần thần. Đó là mục tiêu thực hành thiền định. Cách thức tu định có thể thực hiện ở bất cứ chỗ nào giữa rừng sâu, nơi đồng vắng, ở chùa, cội cây mé sông,... vào bất cứ lúc nào: đi, đứng, nằm hoặc ngồi, miễn trí không tán loạn, nhất tâm vào một chỗ là được. Nhưng Phật cho rằng ngồi một chỗ để thiền định là tốt hơn hết vì dễ tập trung suy nghĩ hơn cả.
Phương pháp thiền của đạo Phật là phương pháp chiêm nghiệm hướng nội - hướng về nội tâm con người. Đối tượng của chiêm nghiệm là nội tâm, là
chính dòng tình cảm, dòng tư duy của chính mình. Thiền bao gồm các bước tu luyện làm chủ ý thức, tâm lý của chủ thể, chuyển dần nội tâm từ tán loạn đến định tĩnh, từ chỗ chạy theo dục vọng, ngoại cảnh sang trạng thái bất động, sáng suốt.
Phương pháp thiền gồm nhiều cấp độ, nhiều tiểu tiết rất tinh tế. Điều đó chứng tỏ khoa học hướng về thế giới nội tâm con người, phân tích ý thức, tâm lý, sinh lý,... của văn hóa ấn Độ đã đạt được tới trình độ rất phong phú, rất sâu mà cho tới nay nền khoa học phương Tây vẫn kinh ngạc và thán phục.
Mô hình thiền của đạo Phật toát lên tinh thần rất riêng của triết học Phật giáo khác hẳn truyền thống cũ. Đạo Bàlamôn, phái Yoga dùng thiền để xóa bỏ cá tính (Atman) để trở thành đồng nhất với Đại ngã duy nhất (Brahman). Ngược lại, đạo Phật dùng thiền để đạt đến giác ngộ, tức là để giác ngộ ngay lập tức, không qua suy luận, không qua ngôn ngữ. Chỗ khác căn bản này khiến cho Phật giáo không hòa với các trường phát triết học hữu thần luận trong triết học ấn Độ cổ đại.
Khi thực hiện thiền định, ta sẽ có thiền lực đem lại hai tác dụng: trước hết, thiền đem lại sự thoải mái về vật chất và tinh thần, sự thư thái, hỉ lạc, bình tĩnh, tịch tịnh cho con người; thứ hai, thiền khiến cho tâm trong sáng có thể nhìn sự vật đúng chúng là như thế. Thiền giúp cho tâm đạt trí tuệ. Khi chúng ta đạt được nhất tâm chúng ta mới sẵn sàng tiến tới việc hiểu biết sâu xa.
Tuệ học là bước thứ ba trong con đường tu tập đi đến giải thoát. Tuệ học
là trí tuệ sáng suốt của người tu hành đã diệt được dục vọng, diệt được tam độc là tham, sân, si, đã thấu được lý vô thường, vô ngã, do đó chỉ nghĩ đến làm điều thiện, mưu lợi ích cho chúng sinh. Tuệ học gồm hai bước: Chính kiến tức là nhìn
thường, vô ngã. Chính tư duy là tư duy đúng với duyên sinh tính, vô ngã tính của các pháp. Đây là con đường loại bỏ các tà tư duy, các vọng niệm, đạt tới giác ngộ.
Khi thực hiện được các bước tu tập trên đây, con người sẽ đạt tới trạng thái thanh tịnh, an lạc, ung dung, tự tại,không vọng động, đạt tới giác ngộ và cảnh trí Niết bàn. Giới - Định - Tuệ, ba bước tu học trên có quan hệ mật thiết với nhau. Bởi người nào giữ Giới một cách nghiêm ngặt mới có thể Thiền Định và nhờ có Thiền Định mới phát Tuệ (nhà Phật gọi là Huệ). Có Tuệ mới đoạn tuyệt các tà tư duy, đạt đến giác ngộ.
Cùng với "Tam học" và "Bát chính đạo", Đức Phật còn đưa ra những phương pháp thực hành tu luyện tổng quát cho tất cả các Phật tử để họ chủ động thực hiện điều tốt cho người và cho mình, đó là "Ngũ giới" và "Lục độ". "Ngũ giới" gồm: 1. Bất sát; 2. Bất đạo; 3. Bất dâm; 4. Bất vọng ngữ; 5. Bất ẩm tửu. "Lục độ" tức "sáu phép tu" gồm: 1. Bố thí (Dana); 2. Trì giới (Sila); 3. Nhẫn nhục (Ksãnti); 4. Tinh tiến (Virya); 5. Thiền định (Dhyãna); 6. Bát nhã (Prãjã). Nếu đem "Lục độ" phối hợp với "Tam học" thì ta thấy "Bố thí", "Trì giới", "Nhẫn nhục", "Tinh tiến" thuộc về Giới; "Thiền định" thuộc về Định; "Bát nhã" thuộc về Tuệ.
Có thể nói "Tam học" và " Bát chính đạo" trong triết lý giải thoát của Phật giáo là cách thức tu luyện đạo đức, nhân sinh cho con người có tính chất toàn diện và tổng hợp nhằm xoá bỏ sự vô minh, mê lầm của con người làm cho: tính thiện, tâm định, tuệ phát, giác ngộ đạt tới cõi Niết bàn. Vì vậy trong Kinh "Pháp Cú", Đức Phật đã nói: "Con đường cao thượng là Bát chính đạo. Chân lý cao thượng nhất là Tứ đế. Không luyến ái là trạng thái cao thượng nhất..."[6, 173].
Phật giáo cho rằng khi đã hoàn toàn giác ngộ và thể nhập vào Niết bàn thì ngay cả "Bát chính đạo" và mọi ý niệm về Niết bàn, về Phật và Pháp cũng phải từ bỏ nốt. Đức Phật thường ví Bát chính đạo như con thuyền chở người tu hành qua sông mê (vô minh); và giáo lý của Người như ngón tay chỉ mặt trăng... Người dạy "Giáo lý của ta như chiếc bè để qua sông...","như ngón tay chỉ mặt trăng, đừng lấy ngón tay làm mặt trăng " [41, 121]. Vượt qua được sông mê, thấy được mặt trăng thì phải biết rời bỏ luôn thuyền, hay đừng nhìn mãi vào ngón tay trỏ. Nếu không sẽ chẳng bao giờ vượt được sông mê, thấy được mặt trăng cả. Đồng thời Đức Phật chủ trương mỗi người phải tự mình thực hiện các bước tu tập trên để đi đến giác ngộ mà không có ai làm thay cho được.
Như thế, tư tưởng giải thoát của Phật giáo thể hiện tính nhân bản rất sâu sắc. Nó quan tâm đến thân phận của mỗi con người và chủ trương giải thoát cho tất cả chúng sinh khỏi những nỗi khổ của cuộc đời bằng chính đời sống đạo đức và sức mạnh trí tuệ của con người. Cho nên Đức Phật thường nói Phật tại tâm và thường khuyên mọi người rằng chỗ dựa ở chính trong tâm mỗi người.