2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chiến dịch cộng đồng trong chiến lược Marketing của doanh nghiệp Việt Nam
2.1. Về phía chính phủ và Nhà nước Việt Nam
2.1.1. Nhà nước cần ban hành những quy định pháp lý cụ thể về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Có thể nói sự phát triển của một doanh nghiệp luôn đi kèm với trách nhiệm đối với xã hội. Nó được lồng ghép vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và trở thành điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nâng cao và duy trì lợi thế cạnh tranh. Ở các nước phát triển, trách nhiệm đối với xã hội đã được các doanh nghiệp hết sức chú trọng. Còn tại Việt Nam, trách nhiệm xã hội không còn là một khái niệm xa lạ và đã được nhiều doanh nghiệp đi vào thực hiện. Thế nhưng, suy cho cùng vẫn chưa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vẫn nằm ngoài các văn bản pháp luật, đòi hỏi sự tự nguyện của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu trách nhiệm đối với xã hội chỉ dừng lại ở sự tự nguyện của doanh nghiệp thì chắc chắn những vụ việc như
một loạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, như: Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, Công ty Miwon xả chất thải ra sông Hồng, ... vừa được đưa lên các phương tiện truyền thông sẽ không phải là nhỏ.
Chắc chắn với sự phát triển nhanh chóng nhận thức của doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm với lợi ích xã hội và cộng đồng và với đề xuất cấp thiết từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội, ..., trong một tương lai không xa, Nhà nước sẽ ban hành những quy định pháp lý cụ thể dành riêng cho vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đến khi đó, các cấp, các ngành sản xuất nói chung và các doanh nghiệp (trong đó có Honda Việt Nam) trong mỗi hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội của mình sẽ tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước đã ban hành. Thực hiện các hoạt động vì trách nhiệm xã hội tốt, trung thực, đúng với pháp luật sẽ góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và đưa thương hiệu đó sánh vai với các thương hiệu khác trên thế giới.
2.1.2. Nhà nước cần đưa ra các biện pháp để hỗ trợ Công ty Honda Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động vì lợi ích xã hội và trách nhiệm cộng đồng
Các hoạt động xã hội của Honda Việt Nam chỉ có thể phát huy được hiệu quả tốt nhất khi có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Sự thay đổi trong các chính sách và quy định về việc hạn chế lượng phương tiện giao thông hiện nay có thể gây ra khó khăn cho Honda Việt Nam.
Theo Quyết định số 46, ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất xe máy được phép nhập khẩu thành phần cho sản xuất. Đến 6/6/2002, theo Quyết định Số 443 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số các thành phần nhập khẩu bị giới hạn ở mức 1.5 triệu linh kiện. Với sự thay đổi không như mong muốn ấy đã khiến cho các
nhà sản xuất xe máy do vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trogn vấn đề sản xuất
Bên cạnh đó, do tình hình giao thông hiện nay khá phức tạp nên gần đây Bộ Y tế đã đưa ra kiến nghị về ‘Tiêu chuẩn cần thiết đảm bảo sức khoẻ người lái xe và an toàn giao thông’’, trong đó quy định: Người điều khiển các loại xe máy trên 50 cc phải có số đo ngực trung bình không được nhỏ hơn 72 cm. Những quy định này nếu đi vào thực thi sẽ làm giảm nhu cầu thị trường về xe máy và do vậy sẽ có tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Honda Việt Nam.
Những thay đổi về các chính sách và quy định của Nhà nước có thể tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và Honda Việt Nam nói riêng. Trong một vài năm tới, khi tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ngày càng sâu rộng, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra hành lang pháp lý minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và Honda Việt Nam nói riêng. Khi Honda Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh thì Công ty sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam.