1. Các giải pháp mang tính vĩ mô
1.1.Tạo lập và duy trì năng lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho nền kinh tế.
Điều này liên quan đến một nguyên tắc chủ đạo trong thu hút vốn đầu tư: Vốn càng được sử dụng hiệu quả thì khả năng thu hút của nó càng lớn. Năng lực tăng trưởng sẽ đảm bảo cho khả năng tích lũy và triển vọng tăng trưởng là dấu hiệu tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
- Tăng cường phát triển sản xuất kinh doanh và thực hành tiết kiệm cả trong sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội.
- Đối với các nguồn vốn đầu tư, phải xác định yếu tố hiệu quả là yêu cầu về mặt chất lượng của việc huy động vốn trong lâu dài.
- Các dự án sử dụng vốn vay phải có phương án trả nợ vững chắc, xác định rõ trách nhiệm trả nợ, không gây thêm gánh nặng nợ nần không trả được.
- Để tăng cường tính hiệu quả của nền kinh tế, cần phải tạo môi trường hoạt động bình đẳng cho tất cả các nguồn vốn đầu tư.
1.2. Đảm bảo ổn định môi trường kinh tế vĩ mô.
Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết của mọi ý định và hành vi đầu tư. Để thu hút được các nguồn vốn nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển của đất nước, phải đảm bảo được nền kinh tế đó trước hết là nơi an toàn cho sự vận động của nó và sau này nữa là nơi có năng lực sinh lợi cao.
Cần nhanh chóng cải thiện và đồng nhất môi trường đầu tư để tạo điều kiện cho việc khai thác các các nguồn vốn đầu tư phát triển trong các thành phần kinh tế. Coi trọng các hoạt động kế tóan, kiểm toán, tư pháp hỗ trợ và đảm bảo kinh doanh lành mạnh, chống tham nhũng. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường, nhằm đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, minh bạch, nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, Nhà nước và doanh nghiệp cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ và hợp lý trên cơ sở có sự tính toán tổng hợp đảm bảo khuyến khích, định hướng các hoạt động thu hút và cung ứng vốn nhằm huy động tổng lực của nền kinh tế cho công nghiệp hóa đất nước.
- Các chính sách và giải pháp huy động vốn đầu tư phải đồng bộ cho đầu tư phát triển gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và phải thực hiện các nhiệm vụ của chính sách tài chính quốc gia.
- Phải đảm bảo tương quan giữa nguồn vốn trong nước và nước ngoài.
- Cần đa dạng hóa và hiện đại hóa các hình thức và phương tiện huy động vốn.
- Các chính sách huy động vốn phải thực hiện đồng bộ cả về nguồn vốn và biện pháp thực hiện.
2.Các giải pháp riêng đối với từng nguồn vốn.
2.1.Giải pháp mở rộng qui mô vốn đầu tư trong nước
Đối với các nguồn vốn ngoài ngân sách, giải pháp để thu hút mở rộng qui mô vốn không chỉ là sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp, cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, mà quan trọng hơn là việc tạo lập thị trường, xác định và công khai rõ ràng những khu vực trong đầu tư được huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và cơ chế hoạt động. Xã hội hóa trong đầu tư được hiểu là cách huy động vốn với những khu vực trước đây nhà nước đã làm. Tuy nhiên khu vực nào, phần nào nhà nước chuyển hẳn, hoặc một phần cho khu vực ngoài nhà nước cần có các chính sách rõ ràng.
Nếu như việc huy động vốn vào các ngành sản xuất đang bị chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa, thì trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng xã hội, cơ chế và chinh sách đang là rào cản quá lớn.
Nhượng quyền thu phí các đoạn đường quốc lộ, huy động vốn cho khu vực hai bên các con đường mới, phân định rạch ròi khu vực đào tạo cho đầu tư tư nhân… đang được coi là những biện pháp linh hoạt và sáng tạo trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Việc xã hội hóa không chỉ là một giải pháp mở rộng nguồn lực đầu tư, mà còn là cơ hội để cải tổ hệ thống hiện có trong các lĩnh vực.
2.2.Giải pháp mở rộng qui mô vốn đầu tư nước ngoài
- Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách liên quan đến FDI theo hướng thông thoáng, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế - Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Việt Nam chưa có dự án FDI nào trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, phát hành sách hay băng đĩa, nguyên nhân là quyền Sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo ở Việt Nam.
- Cải tiến hệ thống tài chính ngân hàng, sử dụng linh hoạt và có hiệu quả chính sách tiền tệ. Theo các nhà đầu tư, các quy định liên quan đến hệ thống tài chính là ít hiệu quả. Như việc ngân hàng quốc doanh nắm giữ nguồn tiền đồng lớn và ít cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh vay, các khoản vốn vay thường ngắn hạn và ít các nguồn huy động dài hạn.
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính: thủ tục hành chính rắc rối phiền hà được xem như một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Do đó, cần xây dựng cơ chế quản lý theo hướng một cửa, một đầu mối ở Trung ương và ở địa phương để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài.
- Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ hiệu quả: Các dịch vụ hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay còn ở mức thấp và kém hiệu quả. Mặc dù các dịch vụ này đã được cải thiện rất nhiều trong những năm 90, song vẫn còn rất chậm so với các nước trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông và cơ sở hạ tầng thông tin. Giá hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt là giá các dịch vụ là chi phí đầu vào của sản xuất như điện, nước, viễn thông, giá thuê mặt bằng... của ta còn rất cao so với khu vực. Cần có những cải thiện tích cực hơn để giảm cước bưu chính viễn thông, tiền thuê đất, tăng thêm các ưu đãi về thuế và tài chính.
- Mở rộng lĩnh vực đầu tư phù hợp với cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từng bước mở thị trường bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tại Việt Nam; thiết lập cơ chế để doanh nghiệp FDI được xây dựng kinh doanh nhà ở và phát triển khu đô thị mới; khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.
- Xây dựng và triển khai hiệu quả các dự án gọi vốn đầu tư: Để tăng cường tính minh bạch, ổn định và dự đoán trước, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư, cần nâng cao chất lượng xây dựng quy định và danh mục dự án gọi vốn FDI. 2.2.2. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 4 bài học về thu hút và sử dụng ODA đó là: Cần nhận thức đúng đắn về ODA, coi ODA là nguồn lực bên ngoài có tính chất bổ sung chứ không thay thế nguồn lực nội sinh. ODA không phải “thứ cho không” mà chủ yếu là vay nợ nước ngoài theo các điều kiện ưu đãi, gắn với uy tín, trách nhiệm quốc gia trong quan hệ cộng đồng tài trợ quốc tế.
Các biện pháp nhằm sử dụng có hiệu quả và mở rộng qui mô vốn ODA:
- Các ngành, các địa phương tập trung rà soát lại các công trình sử dụng vốn ODA do mình quản lý để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường năng lực quản lý và sử dụng vốn ODA, đào tạo cán bộ quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
- Các địa phương phải tổ chức tốt việc thực hiện Đề án định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ chính thức (ODA) thời kỳ 2006-2010 và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án này.
- Tổ chức thực hiện theo “Khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006-2010” để có những đánh giá, điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế tình trạng chậm giải ngân và để xây dựng kế hoạch cho những dự án tiếp theo.
- Xây dựng kế hoạch, chủ động giảm dần vay ODA, trước hết là bộ phận vay vốn gắn với các điều kiện ràng buộc, như các quốc gia đi trước trong việc thu hút ODA thuộc khối ASEAN đã làm. Kế hoạch này cần có lộ trình rõ ràng nhằm từng bước giảm dần vay ODA,cũng như tăng cường mở rộng qui mô vốn FDI.
II.Giải pháp về lãi suất
Hiện nay lạm phát đã có dấu hiệu êm dịu, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn trong “cơn nguy kịch” vì thiếu vốn, nhưng vẫn nên tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Vì nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể đẩy lạm phát cao. Đó là, Chính phủ vẫn tiếp tục kiểm soát giá một số mặt hàng thiết yếu, nhập siêu vẫn lớn, cán cân thương mại vẫn bội chi, đặc biệt, thời gian tới là chu kỳ tăng giá của năm. Vì vậy, việc tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ là cần thiết trong thời gian ngắn. Điều này không có nghĩa là kìm kẹp nguồn vốn cho nền kinh tế quá chặt, mà trong điều kiện hiện nay, rất cần chú ý đến một số chính sách có thể giúp xử lý được cả nhiều phía.
Với những tín hiệu khá tốt của nền kinh tế trong nước, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ ổn định, giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới bớt căng thẳng, việc xem xét điều chỉnh chính sách lãi suất là hợp lý.
Theo đó, chính sách lãi suất nên được điều hành theo hướng linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cùng tồn tại và phát triển, qua đó, tăng cường “sức khỏe” của nền kinh tế. Nếu Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành lãi suất theo hướng giảm sẽ là tín hiệu tốt để các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Nếu tăng thêm lãi suất để chống lạm phát là không phù hợp đối với Việt Nam, vì sẽ khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút.