NHNo&PTNT huyện Triệu Sơn
2.4.2.1 Những mặt hạn chế, tồn tại
Qua phân tích đánh giá hoạt động cho vay đối với hộ sản xuất tại chi nhánh NHNo&PTNT huyện Triệu Sơn trong 3 năm từ 2008 - 2010, mặc dù Ngân hàng đã cố gắng trong việc nâng cao hiệu quả cho vay nhưng vẫn còn một số hạn chế cần xem xét:
- Chất lượng các dự án đầu tư còn kém mang tính chất hình thức, nhiều khách hàng vay vốn không tự xây dựng được dự án và phương án sản xuất kinh doanh mà phải nhờ vào sự trợ giúp của cán bộ tín dụng. Có khi phương án sản xuất kinh doanh không đúng với tình hình thực tế sản xuất kinh doanh của khách hàng mà chỉ "vẽ" lên mà thôi. Hơn nữa các thông tin báo cáo của hộ sản xuất chỉ là hình thức, số liệu phản ánh không đúng sự thật, ngoài vòng kiểm soát của cơ chế hiện hành.
- Do thực hiện đầu tư trực tiếp là chủ yếu, việc cho vay thông qua tổ vay vốn là còn ít, trong khi đó CBTD còn bị hạn chế về số lượng nên dẫn đến quá tải đối với CBTD (bình quân một CBTD phụ trách hơn 1000 hộ). Còn nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được điều tra, thẩm định kịp thời để cho vay.
- Công tác kiểm tra sau khi cho vay chưa được chưa được tiến hành chặt chẽ nên vẫn còn tồn tại nợ quá hạn, nợ xấu.
2.4.2.2 Nguyên nhân của những tồn tại
Về phía Ngân hàng:
- Thủ tục tín dụng còn nhiều phiền hà, phức tạp. Bộ hồ sơ vay vốn của hộ còn quá nhiều thủ tục giấy tờ và chữ ký.
- Trong thực hiện chính sách cho vay hộ sản xuất thì CBTD là người vất vả nhất, là người trực tiếp xuống từng hộ gia đình đôn đốc thu nợ đến hạn, quá hạn ở những vùng dân trí thấp có khi còn bị đe dọa đến tính mạng, thế nhưng chưa được ưu đãi thõa đáng công sức họ bỏ ra. Do đó một số CBTD chưa làm việc nhiệt tình, chưa làm hết năng lực của mình.
Về phía khách hàng:
- Đầu tư vào hộ sản xuất chủ yếu là cho vay nông nghiệp. Do vậy việc phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, dễ xảy ra rủi ro thiên tai và đầu ra phụ thuộc vào giá cả các loại hàng trên thị trường.
- Nhìn chung, hộ sản xuất chưa có kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh, ít hiểu biết về cơ chế hoạt động kinh tế trên thị trường, do đó việc đầu tư sản xuất kinh doanh của hộ thường xảy ra tổn thất, và đầu tư trên nhiều lĩnh vực không cố định.
- Ngoài ra còn một khó khăn hết sức quan trọng, đó là trình độ dân trí người dân vùng nông thôn còn thấp, ít ham hiểu về pháp luật nhà nước và xã hội, cũng như những quyền lợi khi đến với Ngân hàng, đó cũng là một khó khăn trong huy động vốn.
Nguyên nhân khách quan:
- Chính quyền địa phương nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức, thiên về giới thiệu cho dân vay được vốn mà chưa quan tâm đến việc xem xét, đôn đốc họ trả nợ Ngân hàng. Do đó trong xét duyệt hồ sơ cho vay còn qua loa thiếu thực tế.
- Quản lý hộ tịch hộ khẩu còn nhiều sơ hở dẫn đến tình trạng hộ vay vốn làm ăn sau một thời gian bỏ trốn, chính quyền địa phương không biết khi khách hàng chưa trả được nợ cho Ngân hàng vẫn ký chứng nhận cho hộ bán tài sản đẩy khó khăn về phía Ngân hàng.