- NHÀ SẢN XUẤT ĐẠI LÝ PHÂN PHỐ
2. Xây dựng mô hình Siêu thị hợp lý tại thành phố Hồ Chí Minh
Thông thường, mô hình phổ biến của các Siêu thị là tổ chức dưới dạng Siêu thị độc lập hoặc chuỗi Siêu thị. Các Siêu thị độc lập tự tổ chức toàn bộ quá trình nghiệp vụ một cách độc lập. Tổ chức Siêu thị dưới dạng chuỗi sẽ giúp cho các đơn vị phát huy tốt các lợi thế về vốn và các nguồn lực khác. Do việc quản lý các hoạt động tập trung về một đầu mối nên có thể phối hợp các nguồn lực một cách tốt nhất, quản trị nguồn nhân lực được chuyên môn hóa nên tiết kiệm được chi phí. Ngoài ra việc chuyên môn hóa theo khu vực thị trường sẽ giúp các Siêu thị có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Trong tương lai, các siêu thị nhỏ và độc lập tại thành phố sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường. Do có sự phát triển của các hệ thống marketing dọc, các nhà sản xuất, nhà cung ứng sẽ quản lý chặt chẽ các kênh marketing, nên các siêu thị nhỏ, độc lập sẽ bị loại ra khỏi hệ thống kênh. Lúc đó các nhà kinh doanh siêu thị sẽ phát triển mạng lưới chuỗi siêu thị.
Qua phân tích thực trạng hoạt động siêu thị tại thành phố, chúng tôi phác họa mô hình siêu thị hợp lý cho thành phố Hồ Chí Minh như sau :
2.1. Qui mô của Siêu thị
- Ở khu vực nội thành : với những hạn chế về điều kiện đất đai và sự phân bố dân cư , nên phát triển Siêu thị theo hướng phân bố đều ở các khu dân cư. Mỗi siêu thị có diện tích kinh doanh từ 1.000 – 5.000m2.
- Ở các quận huyện ngoại thành : do có điều kiện về đất đai, nên diện tích kinh doanh của Siêu thị có thể lớn hơn, từ 5.000 – 10.000m2
2.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật của Siêu thị
Cơ sở vật chất kỹ thuật bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Siêu thị như vị trí, thiết kế kiến trúc và các trang thiết bị cần thiết. Cụ thể :
2.2.1 Về vị trí :
Vị trí xây dựng Siêu thị phải là những nơi thuận tiện về mặt giao thông, gần khu dân cư hoặc các cơ quan công sở có nhiều người làm việc.
2.2.2 Thiết kế kiến trúc
Yếu tố này có tác dụng tạo hình ảnh của Siêu thị đối với công chúng. Siêu thị được thiết kế khoa học, kiến trúc phù hợp với cảnh quan và môi trường xung quanh, bố trí mặt bằng hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách hàng và nâng cao chất lượng phục vụ khách.
2.2.3 Trang thiết bị cần thiết
Bao gồm các loại sau :
- Trang thiết bị phục vụ khách hàng : như tủ đựng giỏ xách của khách, xe đẩy để khách đựng hàng trong quá trình di chuyển, các biển báo hướng dẫn cho khách hàng về vị trí các nhóm hàng, hoặc chỉ dẫn về hàng khuyến mãi, giảm giá,...
- Trang thiết bị phục vụ bán hàng, trưng bày hàng : như hệ thống giá, kệ. Các thiết bị này phải có cấu trúc phù hợp với yêu cầu trưng bày hàng hoá, phù
hợp với vóc dáng của người Việt Nam. Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau quả tươi các loại,...phải có thiết bị chuyên dùng để bảo quản và trưng bày cho phù hợp.
- Trang thiết bị phục vụ quản lý : như máy tính tiền, máy đọc mã vạch hàng, thiết bị đọc thẻ tín dụng,...Ngoài ra, phải có hệ thống máy tính giúp cho việc quản lý hàng hóa, thực hiện công tác kế toán, quản trị nhân sự,…
- Ngoài ra, cần có thêm một số trang thiết bị khác như : hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa nhiệt độ, hệ thống camera quan sát, thiết bị âm thanh, thiết bị phòng cháy chữa cháy, các thiết bị vệ sinh hàng hoá, cửa hàng, kho hàng,...
2.3. Tổ chức quản lý kinh doanh
Trong tương lai, cơ cấu tổ chức quản lý kinh doanh thích hợp của các siêu thị tại thành phố là tổ chức theo hệ thống chuỗi Siêu thị.
Chuỗi Siêu thị bao gồm nhiều Siêu thị liên kết với nhau, được quản lý tập trung. Nhờ quản lý tập trung nên các siêu thị sẽ có ưu thế trong cạnh tranh, có đủ điều kiện để giải quyết tốt các vấn đề có tính chiến lược như : định giá, khuyến mãi, kiểm soát hàng tồn kho và dự báo mức tiêu thụ. Ngoài ra, thông qua chuỗi siêu thị, các siêu thị có thể mua được hàng hóa với số lượng lớn, chi phí thấp, tiết kiệm được chi phí quảng cáo,...qua đó có thể giảm giá bán, nâng cao sức cạnh tranh.
Mặt khác hệ thống chuỗi siêu thị cùng thương hiệu sẽ tạo được hình ảnh của Siêu thị đối với công chúng. Thực tế ở thành phố, trong thời gian qua một số đơn vị thành công như Liên hiệp hợp tác xã mua bán thành phố (Saigon Coop), Công ty An Phong, Công ty Đông Hưng, đều tổ chức quản lý các siêu thị của họ theo cấu trúc chuỗi siêu thị.