Các hoạt động dịch vụ việc làm

Một phần của tài liệu 386 Nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động nữ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội huyện Hóc Môn (Trang 42 - 45)

Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định số 72/CP ngày 31/10/1995 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về việc làm. Ngày 10/3/1997, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Thông tư số 08/LĐ-TBXH-TT hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm theo Nghị định số 72/CP. Đây là một thuận lợi và tiền đề quan trọng cho huyện về công tác dịch vụ việc làm. Hóc Môn là một huyện có nguồn lao động khá dồi dào, trẻ, tốc độ tăng lao động hàng năm trên 2,32% so với dân số, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn còn khá cao. Trong quá trình chuyển đổi cơ chế, vấn đề tự tạo việc làm của người lao động chưa trở thành công việc quen thuộc nên rất cần đến hoạt động hướng dẫn, tư vấn về lao động và việc làm của các cơ quan, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có thể thấy vai trò rất quan trọng của dịch vụ việc làm đối với người lao động huyện Hóc Môn nói chung và lao động nữ nói riêng.

Với vai trò là cầu nối giữa cung và cầu lao động, trên cơ sở nắm vững các thông tin về cầu lao động, hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm có nhiệm vụ tạo ra sự gặp nhau giữa cung và cầu lao động, điều chỉnh nhằm định hướng các hoạt động tạo việc làm phù hợp với đặc điểm nguồn lao động. Khi chất lượng lao động đạt đến một trình độ nhất định, trung tâm đề xuất các giải pháp tạo việc làm phù hợp nhằm thu hút lao động, lựa chọn những công nghệ vừa thích hợp, vừa có thể sử dụng được nhiều lao động. Khi chất lượng lao động chưa được đảm bảo và cơ cấu lao động chưa phù hợp, trung tâm có nhiệm vụ đưa ra giải pháp để đào tạo, đào tạo lại cho lao động, tạo nên sự phù hợp giữa cơ cấu lao động và cơ cấu việc làm.

Đối với huyện Hóc Môn, nhiệm vụ dịch vụ việc làm trong giai đoạn hiện nay vừa có tính cấp bách, vừa là nhiệm vụ trọng tâm góp phần tạo điều kiện giải quyết việc làm, phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, nâng cao mức sống cho người dân. Và thực tế trên địa bàn huyện, hệ thống dịch vụ giới thiệu việc làm hoạt động chưa thật sự đi vào nền nếp, còn có sự trùng lấp giữa các đơn vị được giao quyền (03 đơn vị được cấp phép hoạt động: Trung tâm dạy nghề, Huyện đoàn và Liên đoàn lao động huyện); cán bộ phụ trách dịch vụ việc làm là những cán bộ làm công tác kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chính quy và cũng chưa có chế độ đãi ngộ.

Bảng 2-9: Số lượng lao động được giải quyết việc làm và dạy nghề

ĐVT: Người Chỉ tiêu Năm 2003 Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006 Năm 2007 Tổng số lao động được giải

quyết việc làm 3.819 4.222 4.234 5.035 4.026

- Nam 1.452 1.689 1.482 1.993 1.502

- Nữ 2.367 2.533 2.752 3.042 2.524

Tổng số lao động được dạy nghề 1.260 1.366 1.890 1.534 1.500

- Nam 315 359 473 418 405

- Nữ 945 1.007 1.417 1.116 1.095

Nguồn: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện

Theo bảng 2-9, nhận thấy hệ thống dịch vụ việc làm đã bước đầu phát huy được hiệu quả trong việc tham gia tạo việc làm cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Từ năm 2003 đến năm 2007, hệ thống dịch vụ việc làm tham gia giải quyết việc làm cho 21.336 lao động, bình quân mỗi năm là 4.267 lao động; trong đó lao động nữ được giải quyết việc làm là 13.218 lao động, bình quân mỗi năm là 2.644 lao động, chiếm tỷ lệ 61,96% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm.

Về công tác dạy nghề: số lao động được đào tạo nghề tăng lên một cách nhanh chóng từ năm 2003 đến năm 2007, cụ thể năm 2003 là 1.260 lao động thì đến năm 2007 là 1.500 lao động; trong đó, lao động nữ được dạy nghề tương ứng là 945 và 1.095 lao động; bình quân, mỗi năm số lao động nữ được dạy nghề là 1.116 trường hợp, tỷ lệ 73,91% (1.116/1.510); ngoài ra còn tiến hành tổ chức tư vấn và dạy nghề miễn phí cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ đạt kết quả tốt.

Tuy đã củng cố và tăng cường một bước công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống dịch vụ việc làm, nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng hoạt động tự phát của các hình thức dịch vụ việc làm mà huyện chưa thể kiểm soát được. Hiện nay, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế không được phép hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm đã tùy tiện mở các văn phòng giới thiệu việc làm, tự ý đặt ra các mức thu lệ phí giới thiệu việc làm nhưng hiệu quả giới thiệu việc làm rất thấp, cá biệt có một số nơi có hiện tượng lừa gạt người lao động, thu phí khá cao nhưng không giới thiệu được việc làm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cơ sở vật chất của hệ thống dịch vụ việc làm còn khá nhỏ bé, không có trụ sở riêng mà được bố trí hoạt động chung trong các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động..., nhân sự cũng chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, trang thiết bị nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác dịch vụ việc làm. Các hoạt động hiện nay chủ yếu dựa vào tư vấn dạy nghề ngắn

hạn, tỷ lệ người được dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm còn thấp so với nhu cầu xã hội, mức thu phí ở các trung tâm còn khác nhau, một số trung tâm còn lúng túng trong tổ chức hoạt động nghiệp vụ.

Đội ngũ cán bộ hoạt động nhiệt tình nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm về quản lý lao động và quản lý hoạt động dịch vụ việc làm.

Đánh giá một cách khái quát, hoạt động dịch vụ việc làm ở huyện Hóc Môn hiện nay còn yếu kém cả về quy mô, tính chất hoạt động, trình độ tổ chức quản lý. Các quan hệ cung – cầu về lao động qua dịch vụ rất ít, tính chất tự phát trong thị trường sức lao động còn khá lớn. Lao động tự do, lao động ngoại tỉnh hầu như không biết đến các dịch vụ việc làm, riêng điều đó đã thua kém nhiều so với hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm ở các quận huyện nội thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu 386 Nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động nữ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội huyện Hóc Môn (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)