Đặc điểm thị trường giày dép của Mỹ

Một phần của tài liệu 108 Các giải pháp hoàn thiện và phát triển hoạt động Logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng Container đường biển vào thị trường Mỹ trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Trang 31 - 36)

Mỹ là quốc gia có diện tích 9,629 triệu km2, dân số tính đến tháng 7/2003 là 290 triệu người (theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ). Nước Mỹ có quy mô GDP và xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, GDP năm 2003 đạt 10.450 tỷ USD, chiếm 21% GDP toàn cầu; thu nhập bình quân đầu người 36.000 USD/người/năm. KNXK năm 2003 là 1.018,6 tỷ USD (trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 713,8 tỷ USD, dịch vụ 304,8 tỷ USD), kim ngạch nhập khẩu 1.507,9 tỷ USD (nhập khẩu hàng hóa 1.263,1 tỷ và dịch vụ 244,8 tỷ USD), trong đó giày dép (mã số HTS 64) là nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 17 năm 2003 với trị giá 15,090 tỷ USD.

32

Thị trường Mỹ có mức tiêu thụ giày dép đầu người cao 6,5-7 đôi/người/năm (trong khi các khu vực khác như châu Á chỉ đạt 1-2 đôi/người/năm) và tuyệt đại đa số giày dép tiêu thụ tại Mỹ được nhập khẩu. Năm 2003, Mỹ nhập khẩu 1,886 tỷ đôi giày trị giá 15,090 tỷ USD (chiếm 98% nhu cầu trong nước và 1/3 dung lượng thị trường thế giới), giá bình quân khoảng 8 USD/đôi (nguồn: Bộ Thương mại Mỹ), đạt khối lượng vận chuyển bằng container ước tính khoảng 600.000-700.000 teus. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, thì sự bùng nổ các nhà bán buôn giày thể thao đã tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ đối với thị trường giày dép Mỹ, hiện nay 15 hãng nổi tiếng chiếm đến 58% thị phần, đó là: Nike, New Balance, Reebok, Timberland, Skechers, Nine West, Adidas, Rockport, Burken-stock, Easy Spirit, Naturalizer, Dr Martens, K Swiss, Redwink Boots, Steve Madden. Phân khúc thị trường giày dép cao cấp của Mỹ yêu cầu cao về chất lượng, thương hiệu và biểu tượng, các nhà sản xuất giày Việt Nam sẽ khó thâm nhập phân khúc này khi chưa xây dựng thương hiệu riêng và tên tuổi trên thị trường. Do đó, trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, giày dép xuất khẩu Việt Nam nên nhắm đến phân khúc thị trường bình dân và tính thực dụng của người tiêu dùng. Ba yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mặt hàng giày dép là chất lượng, giá cả và giao hàng đúng hẹn.

Đặc điểm của hoạt động giao nhận container vào thị trường Mỹ là thường vận tải theo điều kiện đến cửa (store door) hoặc một điểm trong đất liền (inland point) vì hệ thống vận chuyển container đường sắt của Mỹ rất phát triển nối các cảng bờ Tây đến các địa điểm trong đất liền (xin xem Hình 2.3), trong khi thị trường EU và Nhật Bản thường ký theo điều kiện giao đến cảng hoặc bãi container (port to port hay CY/CY). Trong trường hợp nhà xuất khẩu Việt Nam bán hàng theo điều kiện C thì cần phải biết chính xác giá cước vận chuyển để tính toán giá bán phù hợp. Theo khảo sát của tác giả, cước vận tải từ cảng TPHCM đến một cảng bờ Tây của nước Mỹ dao động trong khoảng 2.400-3.200 USD/40’sd (cao hơn đi cảng chính châu Âu như Rotterdam, Hamburg khoảng 400-600 USD), nhưng chi phí vận chuyển nội địa lại khá cao (100-3.000 USD) tùy thuộc vị trí điểm đến. Năm tài chính của Mỹ kết

33

thúc vào ngày 31/5 nên tháng 5 là thời điểm xuất nhiều hàng của các công ty để kết thúc các đơn hàng của năm tài chính cũ. Mùa cao điểm vận chuyển container là từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm nên trong thời gian này, các hãng vận chuyển thu thêm phụ phí mùa cao điểm (peak season surcharge) 200-600 USD/feu.

Hình 2.3: Bản đồ hệ thống vận chuyển container bằng đường sắt tại Mỹ.

Kể từ sự kiện khủng bố ngày 11/9, nước Mỹ đã tăng cường quản lý an ninh trên các phương tiện vận tải vào nước này, đặc biệt là hàng hóa vận chuyển bằng container vì mối lo ngại các container có thể chứa bom hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (Bureau of Customs and Border Protection) đã đưa ra các chương trình hành động nhằm thắt chặt an ninh đối với hàng hóa vận chuyển bằng container đến nước Mỹ như chương trình Hải quan và Thương nhân phối hợp chống khủng bố (C-TPAT), Sáng kiến An ninh Container (CSI). C-TPAT là chương trình yêu cầu các công ty sản xuất, nhập khẩu, vận tải,… có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ phải đảm bảo sự an toàn của hàng hóa từ địa điểm sản xuất ở nước ngoài, trong toàn bộ quá trình lưu trữ, vận tải hàng hóa vào Mỹ, không để cho những hành động khủng bố đặt bom hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt gài trong sản phẩm hoặc xen lẫn vào các kiện hàng. CSI là sáng kiến đòi

34

hỏi người vận tải hàng hóa bằng container đến hoặc ghé ngang một cảng nước Mỹ phải khai báo các thông tin được yêu cầu 24 tiếng trước khi xếp container lên tàu để cơ quan Hải quan Mỹ kiểm tra nhằm loại trừ nguy cơ khủng bố.

Hệ thống phân phối giày dép bán sỉ và bán lẻ của Mỹ được tổ chức liên kết chặt chẽ với nhau, đẩy giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao hơn giá FOB tại nước xuất khẩu từ 3-6 lần (nguồn: khảo sát của tác giả). Các cửa hàng bán lẻ, siêu thị thường mua hàng từ một số ít các nhà bán sỉ nên các nhà sản xuất, nhập khẩu giày dép muốn phân phối sản phẩm trước hết phải thông qua các nhà bán sỉ. Để thâm nhập vào kênh phân phối của các nhà bán sỉ lớn của Mỹ, các nhà cung cấp phải đáp ứng được yêu cầu trên các tiêu chí như: uy tín thương hiệu, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng giao, thời hạn giao hàng, khả năng tài chính, quan hệ hợp tác trước đây, quảng cáo, chương trình xúc tiến bán hàng,… Hệ thống bán lẻ giày dép Mỹ được chia thành 7 nhóm chính như bảng 2.4: Bảng 2.4: Hệ thống bán lẻ giày dép Mỹ. Số thứ tự Loại hình Bán lẻ Đặc điểm 1 Công ty chuyên doanh (Specialty Store):

là mô hình hệ thống cửa hàng chuyên về một nhóm sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu nổi tiếng và đương nhiên có giá bán rất cao dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu của nước Mỹ. Có thể kể tên các công ty này như Finish Line, Dick’s, The Sports Authority, Just For Feet,…

2 Công ty siêu thị (Department Store)

là mô hình hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng tổng hợp trong đó có giày dép. Các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ là Wal-mart, Albertson, Target, JC Penney, KMart, Kohl, Modell, Goody’s, Bob’s Inc, Sri-Bell’s… Mỗi siêu thị có hệ thống lên đến vài ngàn cửa hàng phân bố khắp các bang của nước Mỹ.

35 3 Công ty kinh

doanh chuỗi cửa hàng (Chainstore)

là mô hình công ty hoạt động với các cửa hàng chuyên bán giày dép được tổ chức mạng lưới trên khắp nước Mỹ như Foot Locker, Champs, Lady Foot Locker, Kid Foot Locker, Footstar,….

4 Siêu thị bình dân (Off-price Store)

tương tự mô hình công ty siêu thị nhưng chủ yếu phục vụ tầng lớp bình dân với thu nhập thấp hơn.

5 Công ty bán hàng giảm giá (Discount

Store):

cũng giống với mô hình siêu thị bình dân nhưng chất lượng và giá cả thấp hơn, thường là các sản phẩm lỗi thời, qua mùa.

6 Công ty bán hàng trực tiếp (Direct Selling)

thực hiện giới thiệu sản phẩm, bán hàng (nhận đặt hàng) trực tiếp qua đường bưu điện, Tivi, thư hoặc catalog và giao hàng tận nhà. Đây là hình thức rất phát triển tại Mỹ.

7 Công ty bán hàng qua Internet

là phương thức bán hàng phát triển nhanh trên thị trường Mỹ do thuận lợi, tiết kiệm thời gian và cung cấp thông tin phong phú cho người tiêu dùng. Người Mỹ có tỷ lệ sử dụng Internet cao (năm 2003 Mỹ có khoảng 170 triệu người sử dụng Internet) và đã hình thành thói quen mua sắm bằng thẻ tín dụng từ lâu. Tuy nhiên các nhà xuất khẩu phải tổ chức hệ thống phân phối để đảm bảo thời gian giao hàng nhanh. Các công ty dạng này bao gồm Shoes.com, Amazon.com, các siêu thị bán hàng qua mạng.

36

Một phần của tài liệu 108 Các giải pháp hoàn thiện và phát triển hoạt động Logistics trong giao nhận giày dép xuất khẩu bằng Container đường biển vào thị trường Mỹ trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Trang 31 - 36)