Quản lý mục tiêu của môn học

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý việc dạy học tiếng anh ở các khoa không chuyên ngành ngữ tại trường đại học Tiền Giang (Trang 40 - 41)

Việc đánh giá đầu ra nhằm xem xét sản phẩm đào tạo SV của cơ sở giáo dục đại học đạt chất lượng đến mức nào. Việc đánh giá SV tốt nghiệp phải tập trung vào mức độ kiến thức tiếp thu được, kỹ năng, thái độ và hệ thống giá trị của họ. Đánh giá đầu ra không chỉ nhằm xác định mức độ chất lượng mà cần xác định sự tiến bộ về các mặt từ khi SV vào trường tới khi SV ra trường. Đánh giá theo các tiêu chí này chính là đánh giá kết quả và hiệu quả đào tạo của một trường đại học.

Vì vậy, việc quản lý mục tiêu của tổ bộ môn tiếng Anh ở các khoa không chuyên ngữ phải được đề ra dựa trên các mặt: kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Kiến thức: Cung cấp kiến thức tiếng Anh tổng quát và tiếng Anh theo chuyên ngành nhằm giúp cho SV có thể truy cập Internet, tham khảo sách báo, tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh trong học tập và nghiên cứu khoa học. Mức kiến thức thể hiện thông qua công việc:

+ Lưu giữ thông tin, trình bày những sự kiện, phân loại và trình bày các nguyên tắc (học thuộc lòng bài khóa).

+ Thông hiểu nắm bắt được sự kiện, trình bày, giải thích và ngoại suy các mối quan hệ (tìm các mối quan hệ trong bài khóa, xem xét ngữ pháp, quan hệ giữa các phần).

+ Ứng dụng các tư tưởng và khái niệm vào giải quyết vấn đề (Ví dụ như viết một bức thư trao đổi công việc).

+ Phân tích vấn đề, tư liệu ra để tìm hiểu các mối quan hệ, so sánh để đưa ra ý kiến riêng của mình (Chẳng hạn như viết một bài phê bình quảng cáo).

+ Tổng hợp các bộ phận riêng lẻ vào một chỉnh thể (ví dụ như đưa các thông tin rác trong báo chí thành những nhận xét chung).

+ Đánh giá, phán xét ưu, nhược điểm (đánh giá bài viết theo các tiêu chí khác nhau: đúng về ngữ pháp, sử dụng tài liệu tham khảo, trích dẫn, so sánh, dẫn chứng, đưa ra nhận xét, điểm mạnh, điểm yếu…).

Kỹ năng: SV phát triển được các kỹ năng giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu các tài liệu liên quan tới chuyên ngành được đào tạo; kỹ năng sáng tạo; kỹ năng giải quyết các vấn đề không chỉ trong chuyên môn mà cả trong các tình huống xã hội nhất định.

Thái độ: Phát triển thái độ và hành vi nhằm của SV tốt nghiệp mang tính xã hội, đạo đức, pháp lý. Các hệ thống giá trị có thể là: sự tôn trọng, lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống, trong nghề nghiệp…

+ Hình thành được ý thức học tập và sử dụng tiếng Anh như một công cụ hỗ trợ cho việc phát triển tư duy, cho việc học tập các môn khác, cho nghiên cứu và phát triển chuyên môn sau này, góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, tác phong của người lao động mới.

+ Có thái độ đúng đắn trong việc sử dụng tiếng Anh như một công cụ nhằm nâng cao hiểu biết, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của thế giới phục vụ cho việc xây dựng đất nước, làm cho các dân tộc khác trên thế giới hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, từ đó tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, giữ gìn hòa bình thế giới.

+ Có ý thức sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả thông qua việc tiếp thu các tri thức ngôn ngữ, hình thành các kỹ năng giao tiếp và phương pháp học tiếng Anh như khả năng tìm kiếm và phát hiện thông tin, khả năng tự học, tự đánh giá. Những khả năng này sẽ tác động tích cực tới việc sử dụng tiếng mẹ đẻ và đem lại cho sinh viên năng lực ngôn ngữ toàn diện hơn.

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý việc dạy học tiếng anh ở các khoa không chuyên ngành ngữ tại trường đại học Tiền Giang (Trang 40 - 41)