a/ Thành lập Chi hội trái cây Bến Tre trực thuộc Hiệp hội trái cây Việt Nam
Hiện nay, Bến Tre có hai thành viên của Hiệp hội trái cây gồm Cty Xuất Nhập Khẩu Bến Tre là doanh nghiệp Nhà nước và Công ty Xuất Nhập khẩu Trúc Giang là doanh nghiệp thuộc khối kinh tế Đảng. Nói chung, hoạt động chỉ giới hạn ở việc truyền đạt một số thông tin chuyên đề, tình hình thị trường khu vực và thế giới. Hiệp hội đang tích cực kêu gọi sự hợp tác và liên kết giữa các ngành, các cấp, các địa phương nhằm thúc đẩy ngành trái cây Việt Nam phát triển.
Tỉnh Bến Tre nên khẩn trương cho thành lập Chi hội trái cây Bến Tre gồm các thành phần: các Công ty thương mại và Xuất nhập khẩu, Hội nông dân, Chi cục khuyến nông, các Hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, một số thương lái và vựa trái cây lớn… Mục tiêu của Chi hội nhằm cộng đồng trách nhiệm, tương trợ lẫn nhau, khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ sản xuất địa phương và chống sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà sản xuất và kinh doanh trái cây, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Chi hội hoạt động với một số nguyên tắc cơ bản như : - Tự nguyện tham gia.
- Từng bước sử dụng quy mô cho phù hợp. - Tiếp nhận công nghệ sau thu hoạch.
- Ứng dụng các mô hình, tập huấn kỹ thuật từ khâu trồng trọt, thu hoạch, đến khâu chế biến sản phẩm.
- Tạo sự liên kết chặït chẽ giữa nhà vườn, thương lái và các cấp quản lý của địa phương để gắn kết đầu vào, đầu ra.
Qua chi hội, các thông tin về thị trường, các kỹ thuật mới, khuynh hướng tiêu dùng trái cây, và khi có những hợp đồng tiêu thụ, các doanh nghiệp và thương lái, hộ nông dân cần kết hợp và hợp tác với nhau thực hiện.
b./ Thành lập quỹ rủi ro để dự phòng biến động về giá:
Trên cơ sở Chi hội trái cây, việc lập một quỹ dự phòng là rất cần thiết để hỗ trợ cho các hội viên khi gặp rủi ro. Trước mắt, ngân sách tỉnh có thể cấp một số vốn ban đầu để cho chi hội trái cây hoạt động và sau đó, các doanh nghiệp đóng góp thêm vào quỹ (tuỳ theo quy mô doanh nghiệp và các hợp đồng đã thực hiện).
Nguyên tắc vận hành của quỹ này là các doanh nghiệp (thuộc các thành phần kinh tế) cũng trích nộp vào quỹ một phần lợi nhuận, căn cứ vào doanh số và lợi nhuận ước tính từng thương vụ vào những thời điểm bán được giá. Sau đó, khi hàng hóa không bán được hoặc bán với giá thấp thì Chi hội sẽ dùng quỹ này bù đắp trợ giá lại cho những doanh nghiệp, những hộ bị lỗ.
Ở những nước phát triển (Mỹ, Nhật, Úc…) Chính phủ bảo hộ nông sản rất mạnh bằng sự trợ giá và hàng rào thuế quan. Do đó, quỹ rủi ro cần tranh thủ ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Được như vậy, nông dân sẽ yên tâm sản xuất hơn, nhất là khi mạo hiểm trồng cây có đặc điểm ngon, lạ.
c./ Tăng cường liên kết dọc giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, các hợp tác xã và người sản xuất.
Mối liên kết gắn bó giữa các ngành tạo tiền đề cho ngành trái cây phát triển. Ngành nông nghiệp xây dựng các chương trình về sản xuất giống, khuyến nông, bảo vệ thực vật, quy hoạch vùng trái cây chuyên canh. Ngành công nghiệp thì xây dựng các chương trình đầu tư cho chế biến, bảo quản. Ngành thương mại du lịch tìm kiếm thị trường , thông tin hướng dẫn về thị trường. Kết hợp du lịch sinh thái với
vùng chuyên canh trái cây cũng là một cách kết hợp để giới thiệu trái cây Bến Tre ra nước ngoài. Nếu tỉnh để từng ngành hoạt động riêng rẻ, không có sự phối hợp sẽ không đạt được sức mạnh thích hợp đưa ngành trái cây Bến Tre đi lên.
d./ Xây dựng các Hợp tác xã kiểu mới: chuyên ngành và tổng hợp.
Vai trò Hợp tác xã lâu nay bị xem nhẹ và người ta có ấn tượng không tốt vế nó. Tại những huyện trọng điểm về trái cây, nên thành lập nhiều Hợp tác xã về giống, về thương mại, về bảo vệ thực vật hoặc tổng hợp đa ngành. Các Hợp tác xã này sẽ giữ vai trò nòng cốt về việc sản xuất và tiêu thụ trái cây. Hợp tác xã phải được nhà nước ưu tiên cung cấp tín dụng ưu đãi. Hiện nay, các cấp chính quyền đang tìm mọi cách để giúp đỡ cho Hợp tác Xã, nhưng trên thực tế khi vay vốn, Hợp tác xã vẫn chưa được Ngân hàng tin tưởng. Quỹ tín dụng Hợp tác xã lúc ban đầu nên được nhà nước hỗ trợ để tạo một lực đẩy, một cú hích cho Hợp tác xã.
Nói chung, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chúng ta phải xây dựng Hợp tác xã trên các nội dung sau:
+ Tuyên truyền về luật Hợp tác xã, điều lệ mẫu Hợp Tác Xã Nông Nghiệp để nông dân thấy được quyền lợi của mình và nghĩa vụ của mình khi vào Hợp tác xã.
+ Giáo dục cho nông dân biết nhiệm vụ, chức trách của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, Ban chủ nhiệm nhất thiết phải được đào tạo kỹ lưỡng. Có thể lấy từ những nông dân có trình độ và làm ăn thành công trên ngành nghề của họ.
+ Việc kiểm tra uốn nắn Hợp tác xã được chính quyền chú ý thường xuyên để tránh những đổ vỡ đáng tiếc hoặc chỉ thành lập một cách hình thức.
Kinh nghiệm ở một số tỉnh khác như An Giang, để Hợp tác xã thành công thì nên chọn một số mặt hàng có khả năng cạnh tranh tốt và chọn những nông dân biết làm ăn để triển khai làm trước, sau đó mới đến những đối tượng khác. Tức là
chọn và triển khai ở những “nhóm trội” trước, trong khi điều kiện về vốn, công nghệ chưa đủ để triển khai đại trà.
e./ Nhìn nhận lại vai trò của thương lái:
Hơn 95% sản lượng trái cây của Bến Tre do thương lái tổ chức tiêu thụ. Có thể nói rằng, thương lái là cầu nối giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ. Lâu nay chúng ta thường có quan niệm không tốt về thương lái và vai trò của họ. Để phát huy tốt khả năng cung cấp và tiêu thụ trái cây của Bến Tre, Nhà nước cần động viên khuyến khích, có sự hỗ trợ tích cực về thông tin thị trường, về công tác tiếp thị, về vốn (nhất là trong những lúc vào vụ mùa), tôn vinh những người làm kinh doanh trong lĩnh vực này. Đồng thời, cũng có biện pháp hạn chế bớt các tiêu cực phát sinh từ thành phần này như ép giá nông dân, trốn thuế, găm hàng khi sốt giá)
KẾT LUẬN
Nhiều năm qua, cuộc sống nông dân Bến Tre có nhiều thay đổi, chuyển biến theo hướng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính gắn chặt vào từng miếng vườn, mảnh ruộng của họ lại không ổn định. Nó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến động của thị trường. Giá cả nông sản nhất là trái cây lên xuống thất thường với cảnh được mùa, rớt giá xảy ra thường xuyên.
Nhìn vào thực trạng đã được phân tích, chúng ta thấy rằng còn nhiều vấn đề phải giải quyết đối với trái cây của tỉnh Bến Tre. Trong đó việc tìm kiếm các giải pháp thị trường đầu ra cho trái cây Bến Tre là một công việc hết sức quan trọng
nhất là trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp là nhiệm vụ của các nhà quản lý, các ngành, các cấp của địa phương và đặc biệt là việc phát huy nội lực, sự vươn lên của các nhà vườn, các doanh nghiêp là yếu tố tự thân rất quan trọng, quyết định sự thành bại của chính họ.
Trong giai đoạn trước mắt cần có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ trái cây giữa các nhà vườn, các doanh nghiệp, các ngành chức năng, chính quyền các cấp……, nhằm đưa trái cây Bến Tre vươn xa hơn vào các thị trường rộng lớn hơn và không còn điệp khúc “trồng, chặt” diễn ra như trong thời gian qua.