0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (134 trang)

Ứng xử trong ăn uống

Một phần của tài liệu VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 38 -40 )

7. Bố cục luận văn

2.1.3. Ứng xử trong ăn uống

Cũng như một số đồng bào dân tộc khác cư trú ở vùng đất huyện Định Hóa, bữa ăn hàng ngày của người Tày phụ thuộc vào nhịp điệu mùa vụ của nông lịch. Thường ngày thì gia đình người Tày nào cũng ăn hai bữa chính, các bữa ăn phụ trong ngày chỉ dành cho người già và trẻ nhỏ. Còn trong những ngày vào mùa vụ, gia đình người Tày nào ở đây cũng ăn ba bữa trong một ngày. Công việc chế biến thức ăn cũng như tổ chức bữa ăn hàng ngày trong gia đình người Tày thường do người phụ nữ đảm nhiệm. Khi trong gia đình có các công việc lớn như: làm nhà mới, lễ mừng thọ, lễ đầy tháng, dịp lễ tết… thì đồng bào cũng có sự phân công lao động: người đàn ông thường đảm nhiệm chế biến các món ăn như: chế biến thịt lợn, chó… mang tính phức tạp, còn người phụ nữ thường làm những công việc như dọn dẹp, nấu cơm, đun nước và làm một số loại bánh…

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Trong bữa cơm của gia đình người Tày thường có sự ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, người ốm đau và phụ nữ ở cữ hay có mang. Người Tày thường có câu “Người già ăn gạo trắng. Con gái ăn gạo giã dối. Con trai ăn gạo xay” ý muốn nói lên một đạo lý là dành phần ngon cho người già. Trẻ em thường được nhường cho chiếc đùi gà. Người đẻ được ăn thịt gà nấu với gừng, nghệ và phải kiêng các loại thịt trâu, bò, ngựa, cá không vảy và các loại thịt thú rừng. Trẻ em kiêng ăn quả cật vì họ cho rằng trẻ em mà ăn quả cật sẽ học dốt; không được ăn chân gà vì sẽ viết chữ xấu; không ăn móng lợn vì sẽ không đi qua được các cây cầu…

Đối với người Tày, trong bữa ăn nồi cơm phải luôn được đậy kín vung để giữ cơm được nóng. Đôi đua cả để trong nồi phải quay ra phía sau, tuyệt đối không được quay đũa cả vào mâm hay quay về phía bất kỳ người nào đang ăn bởi nếu không người đó sẽ bị nghẹn hoặc đau bụng. Trong mâm cơm không được gõ đũa bởi như vậy sẽ gọi ma đến nhà.

Người Tày trong bữa ăn không có thói quen gắp thức ăn cho nhau (trừ người già, trẻ nhỏ hoặc khách). Đặc biệt đồng bào Tày có ý thức chờ nhau cùng ăn, hiếm khi ăn trước khi chưa đủ người. Điều này thể hiện tính cộng đồng, cộng cảm trong ăn uống của đồng bào Tày nơi đây.

Trong gia đình người Tày, thì người phụ nữ bao giờ cũng phải thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Họ luôn chăm chút cho gia đình, bố mẹ, con cái, và luôn dành những khẩu phần thức ăn ngon nhất cho gia đình, còn với mình luôn chịu sự thiệt thòi. Bởi vậy mỗi bữa ăn trong gia đình người Tày thể hiện những nét văn hóa ứng xử rất nhân văn và nó thực sự là giờ khắc sum vầy của các thành viên trong gia đình; Bữa cơm người Tày biểu hiện tính nhân văn, nhân bản mang tính phổ biến của cộng đồng như: sự hiếu thuận, đức hy sinh của người phụ nữ… đều được biểu hiện trong bữa cơm gia đình.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội người Tày ở Định Hóa nói riêng và của người Tày nói chung còn khá sâu đậm, tư tưởng

“trọng nam khinh nữ” đang còn bị chi phối và nó được biểu hiện ngay trong mỗi bữa cơm của gia đình người Tày.

Người Tày là tộc người rất mến khách, khi có khách tới nhà dù nhà đó giàu hay nghèo thì bao giờ chủ nhà cũng mang rượu ra để mời khách trước khi mời nước uống. Và bao giờ đồng bào cũng mời khách ăn trước. Đồng bào thường dùng rượu làm phương tiện giao tiếp, để khởi đầu cho câu chuyện và để tỏ lòng hiếu khách của mình. Bởi vậy, rượu là thứ đồ uống phổ biến và là thức uống không thể thiếu được trong các dịp lễ tết, hội hè, đám cưới, đám tang…

Một đặc điểm của người đàn ông Tày là ít khi họ uống rượu nhâm nhi một mình. Điều này tạo nên tính cách của người đàn ông Tày: không bê tha nghiện ngập. Nhưng khi có bạn nhất là trong những ngày hội hè, lễ tết họ sẽ uống hết mình để hòa vui cùng bạn bè.

Một phần của tài liệu VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 38 -40 )

×