2. Tình hình xuất khẩu thủy sản ViệtNam vào thị trường Nga
2.1. Khái quát thị trường thủy sản Nga đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
sản Việt Nam:
Thị trường Nga là một thị trường lớn, giàu tiềm năng và được coi là tương đối “dễ tính” so với các thị trường Mỹ, EU, Nhật…
2.1.1. Thuận lợi
Với 83 bang và dân số trên 150 triệu người, Liên bang Nga là một thị trường rộng lớn và được đánh giá là thị trường quan trọng của Việt Nam ở khu vực Đông Âu. Có rất nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này, trước hết là việc hai nước đã có quan hệ truyền thống, am hiểu thị trường cũng như hàng hoá của nhau. Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia thì khi đã xây dựng được uy tín với thị trường Nga, sẽ mở toang cánh cửa để các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các nước Đông Âu, nhất là với vùng Viễn Đông và Siberi.
Thuận lợi cơ bản là Nga không quá cầu kỳ về quy cách, mẫu mã... nên các doanh nghiệp ViệtNam dễ chế biến. Bên cạnh đó, sự ra đời của Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) với nhiệm vụ chính là cầu nối kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tạo kênh thanh toán an toàn, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ngân hàng cũng sẽ cung cấp các thông tin cập nhật và thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng tên tuổi và uy tín trên thị trường Nga.
Mặt khác, theo thông tin từ Business Standard thì việc Nga áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản với Ấn Độ từ tháng 9/2009 sẽ là một cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam trên thị trường Nga. Bởi cho đến nay, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước có lượng xuất khẩu thuỷ sản lớn vào Nga.
Vì nhiều lý do, con người có xu hướng ăn thuỷ sản ngày một nhiều hơn. Nhất là gần đây, khi bùng nổ những nguy cơ sức khoẻ như bệnh béo phì, các vụ ngộ độc hay dịch bệnh hoành hành với hầu hết các loài gia súc, gia cầm (như bò điên, lở mồm long móng, heo tai xanh, H5N1, cúm gia cầm,...) thuỷ sản dường như đã trở thành lựa chọn an toàn nhất.
Khi nghiên cứu riêng các sản phẩm được xem là cao cấp như cá ngừ vây xanh, cá tuyết, tôm cỡ lớn,… có thể thấy nhu cầu tiêu thụ hầu như không giảm và xu hướng giảm giá cũng không rõ ràng. Tuy nhiên, khả năng cung cấp các loại thuỷ sản ấy ngày càng bấp bênh. Chỉ khi nguồn cung hạn chế, người ta buộc phải tìm đến những mặt hàng rẻ tiền hơn.
2.1.2. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Nga cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đầu năm 2009, Cục Thú y và Kiểm dịch động thực vật của Liên bang Nga (VPSS) quy định tất cả các doanh nhiệp xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Nga nhất thiết phải có giấy phép. Đây là hàng rào kỹ thuật không dễ vượt qua. Lệnh cấm này đã khiến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào thị trường Nga trong năm 2009 bị sụt giảm.
Mặt khác, Nga có nhiều quy định rất chặt chẽ cho thực phẩm nhập khẩu, cũng như đặc biệt coi trọng vấn đề uy tín và chất lượng sản phẩm, nên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi làm thủ tục ban đầu. Bên cạnh đó, vấn đề kho bãi ở Nga cũng là một trở ngại lớn khi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam thực hiện việc chuyển hàng hoá vào Nga, trong khi đó, đối với mặt hàng thủy sản, thời hạn bảo quản ngắn đã khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đưa được hàng của mình về thị trường nông thôn.
2.1.3. Tiềm năng
Vượt qua những trở ngại đã được nhận định thì thị trường Nga sẽ là một thị trường rộng lớn, hứa hẹn với thủy sản Việt Nam. Năm 2008, xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đạt 200 triệu USD, bằng gần 20% xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU (gồm 27 nước). Năm 2009 này, trong khi nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam có dấu hiệu bão hòa hoặc bị sụt giảm thì thị trường Nga vẫn ổn định, thậm chí còn tăng, nhất là mặt hàng
cá tra, ba sa. Thị trường Nga đóng góp một phần không nhỏ trong việc hoàn thành mục tiêu 1,3 tỷ USD xuất khẩu cá tra năm 2009.
Các con số thống kê dự kiến trên cho thấy tiềm năng của thị trường Nga trong tương lai đối với thủy sản Việt Nam. Ước tính, với đà gia tăng hiện nay, xuất khẩu thủy sản sang Nga có thể đạt mức 500 triêu USD vào cuối năm 2010.