Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Một phần của tài liệu 103 Xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 73 - 75)

3.2.2.1. Ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Hiện nay, xu hướng hoạt động của các ngân hàng thương mại trên thế giới là mở rộng các hoạt động dịch vụ ngân hàng. Những ngân hàng lớn trên thế giới có thu nhập từ dịch vụ chiếm gần 50% tổng thu nhập của ngân hàng. Trong khi đó, nguồn thu nhập của các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chủ yếu từ tín dụng với tỷ lệ trên 80% và điều đó sẽ mang lại rủi ro rất lớn đối với nguồn vốn của ngân hàng. Để giảm thiểu rủi ro, các ngân hàng thương mại nước ta cần phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại.

Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là vấn đề mang tính dài hạn, do đó, trên cơ sở nguồn lực hiện có mà mỗi ngân hàng nên xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển tổng thể, nhất quán và có lộ trình cụ thể. Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm này cần bám vào nhu cầu thị trường của từng khu vực mà ngân hàng hoạt động, khai thác ưu thế cạnh tranh của từng ngân hàng.

Để đưa ra được các sản phẩm, dịch vụ được khách hàng chấp nhận nhiều nhất, các ngân hàng phải tích cực trong việc tìm hiểu thị trường, phải có sự khảo sát

đánh giá nhu cầu của khách hàng. Khi đã đưa được một sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, các ngân hàng cũng cần phải tìm hiểu phản ứng của khách hàng để có những điều chỉnh thích hợp.

Các ngân hàng cần khoanh vùng thị trường và có các chiến lược quảng bá mạnh mẽ để làm cho các đối tượng trong vùng thị trường đó hiểu rõ và có ấn tượng với các tiện ích của sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Người dân nước ta vẫn chưa có thói quen thanh toán qua ngân hàng nên các ngân hàng cần liên kết với các ngành khác như bưu điện, điện lực, nước, thuế… để thực hiện thanh toán qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Việc cảm nhận được tiện ích của dịch vụ này sẽ làm người dân quan tâm đến tiện ích của các dịch vụ khác. Các ngân hàng phải luôn tạo cho khách hàng cảm giác thuận tiện, không phức tạp, phiền hà khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

3.2.2.2. Xuất khẩu tại chỗ sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Ngoài ra, các ngân hàng nên quan tâm đến vấn đề xuất khẩu tại chỗ dịch vụ ngân hàng, hay nói cách khác là bán sản phẩm, dịch vụ cho người nước ngoài trong bối cảnh mở cửa và tự do hóa trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở nước ta hiện nay. Xuất khẩu tại chỗ sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một khái niệm còn tương đối mới, vì vậy, các ngân hàng cần tăng cường nhận thức cho các nhân viên để triển khai một cách có hiệu quả.

Trong xuất khẩu tại chỗ sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong nước, họ sẽ là đối tượng tuyên truyền tới các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc đưa sản phẩm, dịch vụ thâm nhập thị trường nước ngoài. Ngoài ra, việc thường xuyên giao dịch với khách hàng nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng trong nước thấy rõ những điểm yếu kém, hạn chế của mình so với yêu cầu của quốc tế, qua đó có phương hướng khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mình.

3.2.2.3. Kết hợp hài hòa giữa điểm tương đồng và sự khác biệt

Sự khác biệt là lợi thế để thu hút sự chú ý của khách hàng và đó cũng là yếu tố để thuyết phục họ chuyển đổi từ sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đang sử dụng

sang một ngân hàng khác. Bí quyết thành công của một sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới là tìm ra những ý tưởng chứa đựng sự khác biệt rõ ràng, có sức thuyết phục.

Tuy nhiên, sự khác biệt chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là đủ. Sự khác biệt cần phải được thông tin hiệu quả, cần phải được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần thì mới “thấm” vào tâm trí khách hàng.

Có sự khác biệt rồi, nhưng làm sao cho khách hàng tin lại là điều không hề đơn giản. Thuật ngữ marketing hay dùng “RTB – Reason To Believe” để chỉ lý do nào khiến người tiêu dùng có thể tin được là sản phẩm, dịch vụ có sự khác biệt rõ ràng chứ không phải là “bình mới, rượu cũ”. Sự khác biệt phải được chứng minh bằng những bằng chứng cụ thể, xác thực. “Lý do để tin” phải thực sự thuyết phục được khách hàng không chỉ bằng một chiến dịch truyền thông rầm rộ, kéo dài mà chính là chất lượng sản phẩm.

Sự khác biệt là điều thú vị, nhưng cũng có lúc nó lại là điều kỳ dị, không giống ai. Nếu chú trọng quá nhiều đến sự khác biệt mà quên đi điểm tương đồng thì đôi khi một sản phẩm, dịch vụ mới ra đời chỉ dừng lại ở việc thử trí tò mò của một số ít khách hàng mà thôi.

Sự kết hợp hài hòa giữa điểm tương đồng và điểm khác biệt sẽ làm nổi bật ưu thế của sản phẩm, dịch vụ mới, của thương hiệu mới. Các sản phẩm, dịch vụ mới khi được tung ra thị trường không chỉ với điểm khác biệt mà còn có các điểm tương đồng. Các điểm tương đồng này có vai trò cân bằng, triệt tiêu hoặc phủ nhận điểm khác biệt của sản phẩm, dịch vụ. Các ngân hàng thường sử dụng các điểm tương đồng để triệt tiêu, phủ nhận các điểm khác biệt của đối thủ. Cái mà ngân hàng anh có, ngân hàng tôi cũng có thì không còn gì khác biệt nữa.

Như vậy, vấn đề không chỉ dừng lại ở điểm khác biệt mà còn phải biết khia thác những điểm tương đồng – vốn rất dễ tìm để triệt tiêu thế mạnh của đối thủ. Sự kết hợp hài hòa và khôn ngoan giữa hai điểm này sẽ đem lại thành công cho các chiến dịch tiếp thị của ngân hàng.

Một phần của tài liệu 103 Xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 73 - 75)