Phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu 103 Xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 70 - 73)

Quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc thiết kế và sở hữu một hệ thống nhận diện thương hiệu mà các ngân hàng thương mại còn phải xây dựng một nền tảng thực về nhân lực và tài lực nhất định. Có như vậy, công tác xúc tiến, truyền thông và quảng bá thương hiệu mới thực sự có ý nghĩa và phát huy tác dụng.

Đối với mỗi doanh nghiệp, con người là yếu tố quyết định sự thành bại. Để có thể đổi mới hoạt động, biến những chiến lược thành hiện thực, các ngân hàng thương mại cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

3.2.1.1. Công tác tuyển dụng

Nhân viên được coi là tài sản chiến lược của mỗi ngân hàng. Việc bồi dưỡng nhân lực bắt đầu từ việc tuyển chọn những người có năng lực, có hoài bão và việc tuyển chọn nhân viên phải đúng người, đúng cách.

Vì vậy, về công tác tuyển dụng, các ngân hàng thương mại cần phải xem xét một số nội dung sau:

- Thiết lập quy trình tuyển dụng chặt chẽ bao gồm hệ thống tiêu chuẩn và cách thức tổ chức thi tuyển.

- Công khai hóa thông tin tuyển dụng nhằm thu hút nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau, tránh tình trạng hạn chế phổ biến thông tin tuyển dụng.

- Tổ chức thi tuyển nghiêm túc, đặc biệt là đối với các bộ phận cần nhân lực có chất lượng cao.

- Tạo cơ hội cho các sinh viên mới ra trường đầy lòng nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, sẵn sàng cống hiến, phục vụ ngân hàng.

- Các ngân hàng cũng cần thiết tổ chức thi tuyển một số chức danh quản lý nhằm tạo cơ hội công bằng cho nhân viên, qua đó có thể mang lại sức sống mới cho ngân hàng.

3.2.1.2. Xây dựng phong cách làm việc và đào tạo chuyên môn

Phong cách làm việc ở một ngân hàng thể hiện ở từng cá nhân, từ người đứng đầu đến nhân viên. Kinh doanh ngân hàng muốn đạt hiệu quả cao đòi hỏi đội ngũ quản lý và nhân viên ngân hàng phải có tác phong chuyên nghiệp.

Trong bất cứ tổ chức nào, chính vai trò của người lãnh đạo quyết định tương lai của nhân viên và cùng nhân viên cống hiến cho ngân hàng. Ban lãnh đạo các ngân hàng lớn thường chia sẻ ý tưởng với nhân viên ngay từ những ngày đầu khi mới bước chân vào làm việc là phải cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tuyệt vời. Trong nhiều trường hợp, những người đứng đầu ngân hàng cần phải nhận ra được là nâng cao chất lượng dịch vụ để phù hợp với môi trường luôn thay đổi, đưa ra những phản ánh đánh giá về chất lượng phục vụ để nhân viên có động lực làm việc tốt hơn.

Bên cạnh đó, để có được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ ngân hàng, tận dụng tốt những thành tựu về công nghệ thông tin, có trình độ ngoại ngữ thành thạo, có tác phong công nghiệp và kỷ luật cao, các ngân hàng thương mại cần phải mạnh dạn đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ ngay từ khi mới tuyển dụng, chú trọng đào tạo cả về chuyên môn lẫn đạo đức.

Các ngân hàng nên gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với việc sử dụng nguồn nhân lực, lấy việc đáp ứng mục đích cuối cùng làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác đào tạo. Nhận thức này sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng nội dung chương trình, tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả và hiệu quả đào tạo cán bộ của mỗi ngân hàng. Mỗi cán bộ sau khi gửi đi đào tạo, cần được tạo điều kiện giao thêm việc để có thể sử dụng tối đa những kiến thức, kinh nghiệm học được nhằm khai thác có hiệu quả hơn các tiềm năng về công nghệ kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng nên tiến hành điều tra, đánh giá toàn diện và tổng thể thực trạng nguồn nhân lực hiện có, từ đó có kế hoạch đào tạo cho phù hợp.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, các ngân hàng cần tranh thủ tối đa sự trợ giúp quốc tế thông qua các chương trình hợp tác.

Trong tương lai, ngày càng nhiều các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia thị trường tài chính Việt Nam, khi đó, các ngân hàng thương mại nước ta phải đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám mà một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này đó chính là môi trường làm việc, lương bổng và chính sách đãi ngộ.

Tạo cho nhân viên ngân hàng một môi trường làm việc tốt là một chính sách hàng đầu của các ngân hàng lớn trên thế giới. Môi trường làm việc tốt là ở đó, đội ngũ nhân viên làm việc tận tâm, năng động, sáng tạo, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên cởi mở, thẳng thắn, chân thực. Đó chính là môi trường nảy nở và phát huy tốt nhất mối quan hệ con người – cơ sở cho sự hợp tác nâng cao chất lượng kinh doanh ngân hàng. Làm việc trong một môi trường mà người lãnh đạo luôn coi trọng giá trị con người trên cả giá trị hàng hóa, thì rõ ràng không lạ gì khi người lao động xem ngân hàng là nhà, và cống hiến hết mình với thái độ và trách nhiệm lao động tốt nhất.

Các ngân hàng thương mại cần phải có một chính sách nhất quán, thỏa đáng về thu nhập, tạo niềm tin, sự thỏa mãn trong công việc sẽ nâng cao lòng trung thành của nhân viên đối với ngân hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng nên thực hiện cơ chế cho phép khách hàng lựa chọn nhân viên giao dịch, thưởng cho nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều khách hàng và doanh số hoạt động có hiệu quả cao. Thông qua biện pháp này, ngân hàng sẽ tạo động lực cho nhân viên tích cực hoàn thiện nghiệp vụ, lề lối, phong cách và thái độ làm việc.

Định kỳ hàng năm, ngân hàng nên tổ chức những chuyến du lịch, sinh hoạt dã ngoại, tổ chức hội thao, giao lưu văn hóa văn nghệ cho cán bộ, nhân viên giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc mệt nhọc, qua đó, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng cần thiết phải rà soát, sắp xếp lại cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn, mạnh dạn sử dụng và bổ nhiệm cán bộ trẻ, được đào tạo căn bản, có trình độ cao, có năng lực lãnh đạo, có tầm nhìn, có tâm huyết với ngành và có tư cách đạo đức vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng.

Đội ngũ cán bộ làm công tác thương hiệu của hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay còn làm việc kiêm nhiệm, chức năng nhiệm vụ chưa được phân định rõ ràng, hơn nữa lại không được đào tạo bài bản, vì thế, hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu ngân hàng còn nhiều hạn chế và thiếu tính chuyên nghiệp.

Để thương hiệu ngày càng phát triển, ngân hàng cần phải thành lập bộ phận chuyên trách với những cán bộ am hiểu về lĩnh vực marketing ngân hàng, vững kiến thức thương hiệu. Bộ phận này sẽ làm nhiệm vụ nghiên cứu thị trường và khách hàng, đánh giá tác động của hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại đến tài sản thương hiệu, quản lý giám sát việc sử dụng thương hiệu, đề xuất những biện pháp nhằm phát triển thương hiệu…

Ngoài ra, các ngân hàng cần có chiến lược dài hạn về thương hiệu, cần cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài hoặc tham gia các khóa học về xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Một phần của tài liệu 103 Xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 70 - 73)