THỰC TRẠNG CỦA HOẠT ĐỘNG “MUA LẠI, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP” TẠI VIỆT NAM
3.3. Những tác động tiêu cực tiềm ẩn trong hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
nghiệp ở Việt Nam
Sự xuất hiện hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp là một xu thế tất yếu của sự phát triển nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Hoạt động này đang trong xu hướng phát triển nhanh trên thế giới và cả ở Việt Nam. Những lợi ích mà hoạt động mua
lại, sáp nhập doanh nghiệp mang lại cho các chủ thể khi tham gia là rất nhiều. Tuy nhiên, trong hoạt động M&A còn tiềm ẩn rất nhiều cạm bẫy gây rủi ro cho cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, sự nôn nóng hay quá quyết tâm để thực hiện M&A sẽ dẫn đến những kết quả như trả giá quá cao khi mua hay chuyển hướng sang các lĩnh vực mà doanh nghiệp không nắm rõ, hay không đánh giá đúng về khả năng tương thích về chiến lược phát triển và văn hóa công ty, hoặc có thể trở thành người phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi đối tác – rơi vào tình thế đảo ngược, không thực hiện được mục tiêu ban đầu – và bị thâu tóm bởi đối tác. Về phía nền kinh tế hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp có thể đưa đến sự độc quyền, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Chính vì thế một sự quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động M&A và sự cẩn trọng của doanh nghiệp khi quyết định thực hiện hoạt động M&A là cần thiết.
Hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua đã xuất hiện và phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, số vụ giao dịch M&A và cả về giá trị giao dịch chưa thực sự quá nhiều so với tiềm năng cũng như so với các nền kinh tế khác. Và trong thời gian qua vẫn chưa thấy những biểu hiện tiêu cực của hoạt động M&A đối với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp. Nhưng thông thường, tác động của hoạt động M&A chỉ phát huy sau vài năm kể từ khi kết thúc vụ giao dịch. Vì vậy quá sớm để khẳng định rằng hoạt động M&A không gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước.