II. Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác trả lương của Tổng công
4. Các giải pháp khác
4.1. Hoàn thiện về tổ chức và phục vụ nơi làm việc:
Không gian làm việc và bầu không khí làm việc trong tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó có tác động trực tiếp và có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công tác của mọi cá nhân trong tổ chức. Tổ chức phục vụ nơi làm việc tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công việc của công nhân, giảm được thời gian hao phí góp phần tăng năng suất lao động, tăng tiền lương cho người lao động. Qua thực tế ta thấy công tác tổ chức phục vụ nơi làm việc của Tổng công ty được thực hiện khá tốt, nhưng bên cạnh đó còn một số hạn chế như cung cấp nguyên vật liệu còn chậm trễ, không đồng bộ làm cho quá trình sản xuất bị gián đoạn. Mặc dù máy móc thiết bị đã được lên kế hoạch trước cả về số lượng và chủng loại nhưng công việc điều động chúng đến nơi làm việc lại được thực hiện không tốt, từ đó làm cho quá trình sản xuất của Tổng công ty không được thực hiện liên tục…
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng công ty cần thực hiện tốt các công việc như sau:
- Xem xét, nghiên cứu kỹ tính chất, mức độ và sự đòi hỏi của từng công đoạn, từ đó có sự sắp xếp, bố trí lao động hợp lý.
- Tiến hành tập kết máy móc thiết bị đến từng nơi làm việc theo đúng kế hoạch. Có như vậy, quá trình sản xuất mới không bị gián đoạn, đồng thời nâng cao hiệu suất phục vụ của máy móc thiết bị. Cần đầu tư mới các dây chuyền chế biến rau quả, nông sản đồng bộ, máy móc thiết bị được chế tạo từ các nước công nghiệp phát triển, công nghệ sản xuất tiên tiến.
- Về công tác bố trí lao động: Các tổ thường tự sắp xếp, bố trí lao động trong tổ mình theo kinh nghiệm nên đã xảy ra tình trạng mất cân đối về tỷ lệ giữa công nhân chính và công nhân phụ. Bố trí không hợp lý giữa trình độ công nhân với mức độ đòi hỏi phức tạp của công việc. Để khắc phục tình trạng này Tổng công ty cần thực hiện tốt các bước công việc sau:
+ Căn cứ vào khối lượng công việc cần thực hiện, mức thực hiện của công nhân chính và mức phục vụ của công nhân phụ để xác định tỷ lệ giữa công nhân chính và công nhân phụ cho hợp lý.
+ Căn cứ vào mức độ lành nghề của từng công nhân mà phân công bố trí lao động cho hợp lý.
4.2. Cân đối hợp lý giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi:
Để công việc được hoàn thành đạt kết quả cao nhất thì Tổng công ty cần quan tâm tới việc cân đối hợp lý giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi của người lao động, có như vậy mới tạo cho người lao động tâm lý thoải mái trong công việc, không có hiện tượng o ép gây tâm lý căng thẳng. Nếu thực hiện được điều đó thì mới có thể tăng thêm sự hứng thú trong công việc, giảm bớt áp lực công việc, giảm bớt sự mệt mỏi của người lao động.
Nước ta thời tiết bốn mùa có sự thay đổi rõ rệt, do đó Tổng công ty nên thay đổi giờ làm việc và nghỉ ngơi theo mùa. Mùa đông thời tiết giá lạnh thì nên bắt đầu làm việc buổi sáng muộn hơn và bắt đầu giờ làm việc buổi chiều sớm hơn. Còn mùa hè không khí oi bức thì nên bắt đầu ca làm việc buổi sáng sớm
hơn và bắt đầu ca làm việc buổi chiều muộn hơn để tránh ảnh hưởng của thời tiết đến sức khoẻ cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo được tổng thời gian làm việc cần thiết theo quy định.
4.3. Hoàn thiện công tác nghiệm thu sản phẩm:
Với hình thức trả lương sản phẩm, lương khoán thì tiền lương người lao động nhận được phụ thuộc trực tiếp vào khối lượng sản phẩm, công việc được nghiệm thu. Do đó để khuyến khích công nhân nâng cao năng suất lao động nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc thì công tác kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm cần phải được thực hiện một cách thường xuyên và chặt chẽ.
Đối với Tổng công ty Rau quả, nông sản công tác kiểm tra nghiệm thu sản phẩm được thực hiện khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để công tác nghiệm thu sản phẩm được hoàn thiện hơn, các cán bộ phụ trách kiểm tra nghiệm thu sản phẩm cần phải tiến hành công tác kiểm tra thường xuyên và nghiêm ngặt hơn. Phải xem xét khả năng tiêu hao nguyên vật liệu thực tế so với định mức của từng bước công việc, từng công đoạn. Nếu phát hiện có hiện tượng hao hụt so với định mức cần phải có biện pháp xử lý cụ thể kịp thời. Trong trường hợp hao hụt nguyên vật liệu trong định mức cho phép phải chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến hao hụt và tìm cách hạn chế. Trong trường hợp vượt ra ngoài định mức cho phép cần phải tiến hành tổ chức lại sản xuất, sửa chữa kịp thời những sai sót về mặt kỹ thuật cũng như kiểm tra việc sử dụng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị. Nếu hao hụt phát sinh do nguyên nhân tiêu cực của cán bộ công nhân viên thì cần có biện pháp xử phạt thích đáng, đồng thời giáo dục ý thức kỷ luật lao động trong công việc.
4.4. Chú trọng hơn tới công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
Trong điều kiện hiện nay thì sức lao động cũng được coi là một loại hàng hoá nhưng là một loại hàng hoá đặc biệt, và tiền lương được coi là giá cả của sức lao động. Mức lương mà người lao động nhận được phản ánh hao phí lao động mà người công nhân đó đã bỏ ra, do đó để tăng tiền lương và thu nhập cho người lao động, Tổng công ty cần đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cũng như chuyên môn cho người lao động
để họ có cơ hội thăng tiến, có thể phát huy tối đa năng lực sẵn có của mình, cống hiến ngày càng tốt hơn đối với sự thành công chung của tập thể.
Thông qua công tác đào tạo, Tổng công ty có thể động viên khuyến khích mọi thành viên cùng cố gắng phấn đấu học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ để tăng cường sự đóng góp của họ vào sự lớn mạnh của Tổng công ty.
Từ đó, Tổng công ty có thể thu hút và sử dụng tốt những người có đủ năng lực, trình độ để từ đó tăng doanh thu, bù đắp chi phí đã bỏ ra đào tạo nguồn nhân lực. Tổng công ty có thể thực hiện mục tiêu này bằng cách sắp xếp các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên vừa đi học, vừa đi làm (học tại chức). Khi nhu cầu học tập của họ được thừa nhận, bảo đảm, họ sẽ phấn khởi hơn trong công việc, tăng năng suất lao động đồng thời góp phần tăng tiền lương cho người lao động.