Theo Nghị định 144, các CTCK chỉ được tham gia vào 5 lĩnh vực kinh doanh cơ bản: môi giới, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, tư vấn đầu tư tài chính, bảo lãnh phát hành. Như vậy, so với nhiều nước, phạm vi kinh doanh được phép của CTCK tại Việt Nam quá hẹp để thực hiện các hình thức kinh doanh chứng khoán khác nhau. Chẳng hạn, các CTCK chưa được phép phát triển các hình thức giao dịch công cụ phái sinh như future, option, các giao dịch hợp đồng mua lại (repo), giao dịch bảo chứng (vay mua chứng khoán)… Đây lại là những nghiệp vụ mang tính cạnh tranh cao và hiệu quả trong điều kiện cạnh tranh lành mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều CTCK thời gian vừa qua đã mạnh dạn triển khai thực hiện một số hình thức giao dịch hợp đồng mua lại đối với trái phiếu và gần đây nhất là giao dịch hợp đồng mua lại đối với cổ phiếu chưa niêm yết (CTCK Nông nghiệp, CTCK Thành phố Hồ Chí Minh). Mặc dù việc tham gia vào thị trường hợp đồng mua lại chưa được quy định cụ thể nhưng bước đầu, những giao dịch này tỏ ra hiệu quả, vừa đem lại thu nhập cho CTCK vừa góp phần mở rộng quy mô của TTCK, cụ thể là góp phần thị trường trái phiếu thoát khỏi tình trạng đóng băng trước đây. Điều này cho thấy, các CTCK đã không
ngừng tìm tòi và phát triển các dịch vụ mới trong quá trình hoạt động nhằm tạo ra thu nhập cho chính mình.
Vì vậy, việc tạo ra khuôn khổ pháp lý để cho phép các CTCK có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và phát triển các sản phẩm và dịch vụ đa dạng hơn sẽ góp phần tăng cường tính cạnh tranh trong nội bộ ngành chứng khoán. Đã có nhiều bài học cho thấy, cạnh tranh giữa các CTCK sẽ trở thành một nhân tố quan trọng để tăng cường hiệu quả của TTCK. Trên các TTCK phát triển, các CTCK thường có vốn lớn và chức năng của chúng là đầu tư vốn vào một loạt các loại hình kinh doanh để tạo ra nhiều sản phẩm mới cho thị trường. Trong giai đoạn đầu phát triển TTCK, vấn đề tự phát triển kỹ năng chuyên môn của các định chế có ý nghĩa rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng nên xem xét để cho phép CTCK thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác. Chẳng hạn như quy định rõ việc cho phép các CTCK cung cấp thêm một số dịch vụ chứng khoán khác như giao dịch công cụ thị trường tiền tệ, cấp tín dụng và/hoặc các giao dịch vay mua (giao dịch bảo chứng), giao dịch quyền lựa chọn và hợp đồng tương lai, cung cấp các chương trình tiết kiệm chứng khoán và dịch vụ lưu ký.
Để mở rộng phạm vi kinh doanh của CTCK, cần thiết phải sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến các công cụ tài chính của TTCK (như quyền chọn, hợp đồng tương lai, giao dịch bảo chứng…), hoặc xác định các loại hình kinh doanh phụ mà CTCK được phép thực hiện hoặc áp dụng hệ thống danh sách loại trừ khi định nghĩa loại hình kinh doanh của CTCK. Theo phương thức cuối cùng, trừ quy định cấm rõ ràng đối với những nghiệp vụ không liên quan đến chứng khoán như nhận tiền gửi, các CTCK được phép tham gia vào bất kỳ công việc nào có liên quan đến chứng khoán.