Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của ủy ban Basel (Basel II) về quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, gần đây, NHNN đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác quản trị rủi ro tín dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro như sau:
-Chỉ thị số 02/2005/CT-NHNN ngày 20/04/2005 yêu cầu các ngân hàng thương mại tuân thủ đúng các quy định về cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiết khấu, bao thanh toán và bảo đảm tiền vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn, đảm bảo chú trọng đến công tác quản trị rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
-Quyết định 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/05/2005 của Thống đốc NHNN sửa đổi bổ sung quy chế cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng. Các nội dung được sửa đổi theo hướng trao nhiều quyền phán quyết, hoặc tạo cơ sở pháp lý cho TCTD chủ động thực hiện theo đặc thù kinh doanh. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là do NHTM tự xem xét, quyết định trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng
-Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/04/2005 của Thống đốc NHNN ban hành Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NHTM.
-Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 của Thống đốc NHNN ban hành Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của NHTM. Theo quyết định 493 thì NHTM thực
hiện phân loại nợ căn cứ theo kết quả xếp hạng khách hàng từ hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ – dựa trên sự đánh giá tổng hợp về tình hình tài chính, phi tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đây cũng là phương thức đang được các ngân hàng trên thế giới áp dụng. Có thể nói đây là một bước tiến ban đầu trong tiếp cận an toàn vốn, không chỉ nhằm mục đích phân loại nợ, mà còn nhằm đánh giá rủi ro khoản vay, quản lý chất lượng tín dụng.Với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để phân loại nợ sẽ giúp cho các NHTM xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu tại mỗi thời điểm, kiểm soát toàn bộ danh mục tín dụng cũng như đánh giá khách hàng vay vốn một cách thống nhất.
Nhìn chung các văn bản pháp quy về nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam đang tiếp tục được hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng như các Bộ ngành có liên quan. Các văn bản pháp quy là cơ sở pháp lý rất quan trọng nhằm nâng cao hơn hơn nữa năng lực cạnh tranh của hệ thống NHTM Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.