Rủi ro trong quá trình thông báo L/C

Một phần của tài liệu 270 Giải pháp hạn chế rủi ro trong thanh toán hàng xuất theo phương thức tín dụng chứng từ (Trang 31 - 32)

3. Những rủi ro thường gặp trong thanh toán xuất khẩu theo phương thức tín dụng

3.1. Rủi ro trong quá trình thông báo L/C

L/C do ngân hàng mở phát hành thường được thông báo đến nhà xuất khẩu Việt Nam qua các ngân hàng thông báo ở Việt Nam. L/C có thể bằng thư hay bằng điện. Do đó, nhiệm vụ của ngân hàng thông báo là phải xác thực được tính chân thật của L/C trước khi chuyển cho nhà xuất khẩu (người thụ hưởng) bằng cách kiểm tra mẫu chữ ký (đối với L/C bằng thư) và kiểm tra mẫu điện và mã khóa (đối với L/C mở bằng điện Swift hay telex).

Đối với L/C được mở bằng thư thì rủi ro không xác thực được tính chân thật của L/C là không xác định được chữ ký trên L/C là thật hay giả. Nếu ngân hàng mở có quan hệ đại lý với ngân hàng thông báo ở Việt Nam thì tại ngân hàng Việt Nam có lưu hồ sơ chữ ký của những người có thẩm quyền ký L/C của ngân hàng mở. Tuy nhiên, không phải lúc nào hồ sơ lưu chữ ký cũng được cập nhật đầy đủ, chính xác. Có trường hợp người có chữ ký đó đã nghỉ việc hay thay đổi chữ ký khác mà ngân hàng Việt Nam không nhận được thông báo về việc này từ ngân hàng mở do ngân hàng mở quên thông báo hay do thông báo đó bị thất lạc.

Đối với L/C mở bằng điện thì ngân hàng Việt Nam phải xác nhận được mã khóa điện và mẫu điện phù hợp (MT 700, MT701: điện L/C , MT705: sơ báo L/C, MT710: L/C chuyển tiếp từ một ngân hàng khác, MT720: L/C chuyển nhượng, MT707: tu chỉnh L/C). Nhiều các NHTM Việt Nam nhất là những ngân hàng cổ phần chưa thiết lập được quan hệ đại lý với nhiều ngân hàng nên chưa xác nhận được mã khóa của ngân hàng mở.

Khi không thể xác nhận được tính chân thật của L/C thì ngân hàng thông báo phải mất thời gian liên lạc với ngân hàng mở để xác nhận lại chữ ký (đối với trường hợp 2 ngân hàng có thiết lập quan hệ đại lý) hay để yêu cầu ngân hàng mở nhờ một ngân hàng mà ngân hàng mở có quan hệ đại lý để xác nhận tính chân thật cho L/C.

Sự hạn chế trong thiết lập quan hệ đại lý với các ngân hàng quốc tế của nhiều NHTM Việt Nam cũng phần nào đó ảnh hưởng đến quá trình thông báo L/C, làm cho việc xác nhận tính chân thật của L/C phải mất nhiều thời gian (vì phải thông qua nhiều ngân hàng thông báo), kéo dài thời gian thông báo L/C đến cho nhà xuất khẩu làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà xuất khẩu (cụ thể là nhà xuất khẩu chưa có đảm bảo để giao hàng và lập bộ chứng từ đòi tiền). Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của các NHTM này, khiến cho các nhà xuất khẩu khi chọn ngân hàng thông báo sẽ chọn những ngân hàng lớn có nhiều đại lý, làm ảnh hưởng đến doanh thu của các NHTM này.

Một phần của tài liệu 270 Giải pháp hạn chế rủi ro trong thanh toán hàng xuất theo phương thức tín dụng chứng từ (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(62 trang)