Nhận định về giá phải trả của kiểm soát vốn đối với nền kinh tế

Một phần của tài liệu 12 Vấn đề kiểm soát dòng vốn vào tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 82 - 85)

Có nhiều quan điểm lầm tưởng rằng nếu như áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn gián tiếp thì sẽ không phải trả giá. Để có cái nhìn xuyên suốt, toàn diện

những ưu và nhược điểm của các chính sách kiểm soát vốn mang lại cho nền kinh tế, cần thiết phải dự báo được những “cái giá” của những chính sách kiểm soát này.

Trên thực tế, đã gọi là kiểm soát vốn thì cho dù áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn thế nào đi nữa cũng phải trả một giá nhất định. Cái giá chung nhất là sẽ làm chậm lại các cơ hội thu hút vốn đầu tư khi mà các quốc gia ngày càng cạnh tranh quyết liệt để thu hút dòng vốn toàn cầu. Đi vào từng lĩnh vực cụ thể thì kiểm soát vốn sẽ có những tác động nhất định.

Thứ nhất, kiểm soát vốn nếu không khéo sẽ mâu thuẫn với Pháp lệnh Ngoại hối đang có hiệu lực thi hành hiện nay ở Việt Nam, theo đó các giao dịch ngoại hối sẽ được tự do hóa. Nếu chúng ta tiến hành điều tiết các định liên quan đến việc gửi và rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài mà không phù hợp thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, kiểm soát vốn làm chi phí giao dịch vốn (tính trên tổng qui mô dòng vốn) tăng cao và sẽ làm cho dòng vốn chuyển hướng sang các quốc gia khác. Theo nhiều khảo sát, chi phí giao dịch tại Trung Quốc hiện là 1,2%, tại Việt Nam là 2%, trong khi tại HongKong chỉ là 0,013%. Nếu chi phí giao dịch cao lại bị áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát vốn nặng về hành chính, có khả năng dòng vốn đang chảy vào Việt Nam sẽ chuyển hướng sang các nước khác.

Hiện vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam đến cuối năm 2006 được thống kê ở con số khoảng 4 tỷ USD, rất thấp so với hàng trăm tỷ USD của các nước trong khu vực. Cần nhắc lại TTCK Thái Lan cuối năm 2006 đã từng mất tới 23 tỷ USD sau khi Chính phủ nước này áp đặt kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK, cho thấy cái giá của kiểm soát vốn không bao giờ rẻ.

Thứ ba, với đặc trưng của TTCK là một thị trường rất nhạy cảm với thông tin vì thế những chính sách đưa ra mà chưa có sự đối thoại sẽ khiến nhà đầu tư bị sốc, tác động không hay đến thị trường. Từ đó có khả năng làm cho TTCK nước ta vốn đang ở vào giai đoạn khởi sắc có khả năng bị chững lại, mà một khi TTCK rơi vào cảnh tiêu điều như những năm đầu như khi mới thành lập thì lấy lại niềm tin từ những nhà đầu tư là rất khó.

Kết luận chương 3

Sự di chuyển mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư nước ngoài dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa tài chính và liên kết quốc tế cộng với bản chất dễ biến động, dễ bị đảo ngược và ngắn hạn của vốn FPI đã khiến cho công việc kiểm soát dòng vồn

này trở nên vô cùng phức tạp và cần thiết. Bởi vì, nó sẽ góp phần làm ổn định tiền tệ và tài chính, đảm bảo sự độc lập của các chính sách vĩ mô, thúc đẩy đầu tư dài hạn và củng cố cán cân thanh toán. Những giải pháp được đưa ra ở trên nhằm góp phần kiểm soát được dòng vốn vào ồ ạt có thể gây nên những bất ổn cho nền tài chính Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Tuy vậy, cần phải nói rằng khi tiến hành kiểm soát vốn thì chắc chắn sẽ có mặt được và cái giá phải trả cho việc kiểm soát vốn. Vấn đề là làm sao để hạn chế tối đa tác động xấu của chính sách kiểm soát vốn, tăng tác động tích cực đối với thị trường tài chính. Những lưu ý mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm khi đưa ra các biện pháp kiểm soát là nên hướng vào các giải pháp gián tiếp để kiểm soát dòng vốn, các giải pháp trực tiếp kiểm soát mang tính hành chính chỉ áp dụng và áp dụng ở mức độ nào thì nên được cân nhắc kỹ lưỡng.

KẾT LUẬN

Trong giai đoạn hiện nay, sự di chuyển vốn giữa các quốc gia ngày càng được tự do đã đem lại nhiều lợi ích cho cả nước cung cấp lẫn nước tiếp nhận. Các dòng vốn này được xem là động lực mang lại sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ ở các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong nhiều thập kỷ qua.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế là rất lớn. Tuy nhiên, dòng vốn quốc tế vẫn không nằm ngoài những quy luật vốn có của nó là : nhanh vào – nhanh ra, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro. Vì vậy, kiểm soát vốn thực sự là những giải pháp cần thiết nhằm điều tiết, định hướng dòng vốn quốc tế theo hướng dài hạn, ổn định đóng góp vào nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế.

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo chí mới đây, khi được hỏi về những nguy cơ rủi ro tại các TTCK châu Á, ông Joseph Stiglitz, cựu Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh tế Mỹ, từng là giám đốc Ngân hàng Thế giới đã cho rằng kiểm soát vốn hiện đang phổ biến tại những thị trường mới nổi, và trong nhiều trường hợp thì nó lại là một điều tốt. Về trường hợp cụ thể của Việt Nam, ông nói “cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không cho phép vốn chảy ra ngoài mà hoàn toàn không có sự can thiệp của chính phủ. Ảnh hưởng của việc này sẽ ngăn mọi người đổ tiền vào rồi lại rút ra trong một sớm một chiều. Những biện pháp như vậy sẽ nhằm hạn chế đầu tư ngắn hạn và rút vốn ra khỏi Việt Nam. Việc này sẽ giúp ổn định lại dòng vốn”. Và ngay cả ông Dominic Scriven hiện là giám đốc quản lý của Dragon Capital, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam cũng nêu lên quan điểm “tôi nghĩ sẽ là hợp lý nếu một quốc gia có cơ chế vừa kiểm soát vừa khuyến khích dòng vốn”

Vì sự phát triển ổn định và lành mạnh của hệ thống tài chính, kiểm soát vốn là cần thiết, tuy nhiên các biện pháp cần phải theo nguyên tắc bất hồi tố, rõ ràng và có thể dự đoán được nhằm không làm mất đi tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Một phần của tài liệu 12 Vấn đề kiểm soát dòng vốn vào tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập (Trang 82 - 85)