Một số đề xuất cho 3 nhân tố mục tiêu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 74 - 77)

Ở thời điểm hiện tại, như đã đề cập trong phần trước, TTCK nước ta đang có cơ hội rất lớn để thu hút lượng vốn từ ĐTNN so với các nước trong khu vực. Với việc bỏ lỡ chuyến tàu đầu, nếu không sớm có những giải pháp kịp thời để hút vốn thì sẽ trễ chuyến tàu cuối, tức dòng vốn ngoại vẫn đang tiếp tục đổ vào các thị trường khác theo

nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”. Thực tế, theo chúng tôi việc cần thiết nhất hiện nay là có một chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý nhằm ổn định lại nền kinh tế mang niềm tin của nhà đầu tư quay về thị trường Việt Nam. Chúng tôi có 4 kiến nghị sau:

o Kiềm chế lạm phát, thay đổi chính sách tín dụng: Cần nhìn nhận vào thực tế là lạm phát của Việt Nam phần lớn bắt nguồn từ việc sử dụng vốn không hiệu quả từ các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, mà khối này lại được sử dụng nguồn vốn rẻ, ưu đãi từ các ngân hàng lớn. Trong khi đó, thành phần đóng vai trò đầu tàu, mang lại sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong 10 năm nay là khối doanh nghiệp tư nhân lại khó tiệp cận nguồn vốn giá rẻ này và thường phải vay với lãi suất rất cao từ các ngân hàng nhỏ. Đây thực sự là một điều không công bằng, cần phải được tái cơ cấu lại một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải rà soát lại các dự án đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ chính sách tài khóa đem bội chi ngân sách xuống còn 4,5% của GDP cho năm 2011 và giảm dần tỷ lệ này xuống thấp hơn trong 5 năm tới.

o Ổn định tỷ giá: Chính phủ nên mạnh dạn bỏ ra một khoản tiền nhất định để ổn định tỷ giá. Điều chỉnh tỷ giá này là cần thiết để xóa bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ trong người dân và doanh nghiệp, đồng thời, giúp khơi thông dòng ngoại tệ chảy vào các ngân hàng. Bên cạnh đó, nâng tỷ giá chính thức cũng góp phần xóa bỏ tình trạng hai tỷ giá, giúp thị trường ngoại hối hoạt động ổn định, minh bạch. Lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được củng cố, lượng vốn chảy vào Việt Nam sẽ gia tăng, càng góp phần cải thiện cung ngoại tệ. Hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá lần này còn có tác dụng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, qua đó cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam. Chính phủ nên coi đây như là chi phí đầu tư, khi tỷ giá ổn định thì nguồn vốn ngoại vào thị trường sẽ làm tăng dự trữ Việt Nam, giúp cân bằng cán cân vĩ mô. Ít nhiều gì một phần của lượng vốn ngoại này sẽ đi thẳng vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động tích cực quá trình hồi phục kinh tế và cân bằng cán cân thanh toán quốc gia.

o Thắt chặt tiền tệ để đổi lấy tỷ giá và lạm phát:

Tăng lãi suất – giảm lạm phát: Một chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế tín dụng, hạn chế đầu tư công… thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm hạn chế tối đa lượng cung Việt Nam đồng.

Tăng lãi suất - Ổn định tỷ giá: Thực tế khi tăng lãi suất là đã hỗ trợ giá trị tiền Đồng, trong khi lượng ngoại tệ đang được nắm giữ trong người dân và doanh nghiệp được cho là khá lớn, việc thu hút lượng ngoại tệ này đưa vào lưu thông trên thị trường sẽ giải tỏa lớn được căng thẳng ngoại tệ như hiện nay. Chính vì vậy, khi giá trị tiền Đồng được ổn định, lãi suất tiền gửi hấp dẫn thì lượng lớn ngoại tệ trên sẽ được cung ra thị trường để nắm giữ tiền Đồng, mục tiêu ổn định tỷ giá, thỏa mãn nguồn ngoại tệ phục vụ thanh toán quốc tế.

o Cơ chế điều hành và quản lý thị trường: nên thay đổi một số quy định, nhằm “cởi trói” dòng vốn dễ dàng lưu thông vào TTCK Việt Nam. Rất nhiều nhà ĐTNN thực sự quan tâm đến thị trường khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, song họ gặp phải những rào cản hành chính phức tạp trong việc mở tài khoản. Vì vậy, chúng ta cần phải sửa đổi các quy định, nhằm giúp việc mở tài khoản dễ dàng hơn, kéo dài thời gian giao dịch, giảm T+, và xóa bỏ quy định một khách hàng chỉ được sử dụng dịch vụ của một công ty chứng khoán. Điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại đáng kể và giảm bớt áp lực đối với cán cân thanh toán, từ đó giảm áp lực đối với tiền đồng, ổn định tâm lý trên thị trường ngoại hối.

Với những kiến nghị của mình, chúng tôi tin rằng trong tương lai thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do các biến số này khi điều chỉnh cần phải có thời gian mới phát huy tác dụng đối với nền kinh tế, đối với thị trường chứng khoán. Vì thế, mặc dù có thể mang lại hiệu quả nhưng nhóm kiến nghị này cũng cần một khoản thời gian tiến hành dài hơi và cần sự kiên định trong quá trình thực hiện.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)