Từ “tâm lý bầy đàn” trên sàn chứng khoán đến hiện tượng “lướt sóng” trên sàn

Một phần của tài liệu Sàn giao dịch - sân chơi cho các nhà đầu tư Việt Nam (Trang 28 - 29)

sàn giao dịch vàng.

Thời gian vừa qua, diễn biến trên cả hai thị trường chứng khoán và thị trường vàng dường như có sự “đối lập” với nhau, sàn vàng thì sôi động với khối lượng giao dịch kỷ lục chưa từng có trong khi sàn chứng khoán thì ảm đạm với một màu đỏ tràn ngập trên bảng điện tử. Quan sát trên sàn giao dịch vàng trong những ngày “lên cơn sốt” vừa qua, hiện tượng “tâm lý bầy đàn” đã từng được coi là “đặc trưng riêng có” của các nhà đầu tư Việt Nam trên thị trường chứng khoán bây giờ lại được “sao chép” nguyên bản trên sàn giao dịch vàng và nhiều người đã phải trả giá vì điều này. Tuy có không ít sự tương quan giữa hai thị trường này nhưng vẫn còn nhiều điểm khác biệt, do đó một số nhà đầu tư cảm thấy ngỡ ngàng khi mới làm quen với thị trường vàng và họ đầu tư dựa vào sự quan sát động thái của các nhà đầu tư khác trên sàn, khi đó chỉ cần trên sàn có một người “ôm” vàng cùng với những nhận định thuyết phục thì sẽ kéo theo khá nhiều nhà đầu tư khác bị ảnh hưởng và làm theo. Sau đó, nếu có ai thực hiện lệnh bán vàng ra thì lập tức ý định ban đầu của một số nhà đầu tư này lại thoáng chốc bị lung lay. Theo nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh – Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam: “Nhiều nhà đầu tư vàng giao dịch như đầu tư chứng khoán, cứ chạy theo đám đông. Tham gia thị trường vàng mà không nắm được quy luật, thông tin, phân tích thì rất dễ rủi ro”. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lại không có ý định đầu tư vàng trong dài hạn mà chỉ tham gia nhằm “gỡ gạc” các khoản thua lỗ chứng khoán, vì vậy họ xem đầu tư vàng chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là “căn cơ”. Thực trạng này đã dẫn đến hiện tượng đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, mua vào rồi bán ra ngay khi thấy lãi chứ hầu như không dám mạo hiểm giữ qua đêm. Thời gian qua, số lượng nhà đầu tư tham gia ký quỹ và mở tài khoản giao dịch vàng ngày càng đông, thế nhưng thực tế lại đáng buồn là đa số nhà đầu tư trên sàn đều đầu tư theo cảm tính. Điều đáng lo ngại nhất là rất nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý ăn sổi. Nếu được giá một chút thì nhiều người vội vàng thu lời, dù mức lời rất ít. Nhưng khi lỗ thì đa số lại không chịu cắt lỗ ngay mà nuôi hy vọng và chờ đợi giá vàng có thể vực trở lại. Theo các chuyên gia thị trường vàng trong nước rất khó đoán vì đang vận động ngược với quy luật chung. Khi giá vàng lên thì tranh nhau mua, còn khi giá vàng giảm thì nhiều người lại “bán tống bán tháo”. Lối kinh doanh này là ngược với thế giới và hình như nó chỉ tồn tại ở thị trường Việt Nam. Thực trạng này vô tình lại dẫn đến rủi ro khác

cho các nhà đầu tư khi hiện nay thị trường vàng đã bắt đầu có dấu hiệu làm giá khi giá vàng Việt Nam đã cao hơn giá vàng thế giới. Giám đốc một công ty kinh doanh vàng khuyến cáo: “Nhiều nhà đầu tư giao dịch vàng chỉ biết dựa vào thông tin trên bảng điện tử, tin tức qua báo chí với kinh nghiệm chưa nhiều nên rất dễ rủi ro và thua lỗ. Giá vàng không chỉ phụ thuộc vào giá dầu, USD mà còn phải tính đến cung cầu, tỷ giá, động thái của các quỹ, tổ chức đầu tư, cơ quan điều hành các nền kinh tế lớn, tình hình kinh tế chính trị thế giới, xu hướng của các nhà đầu tư khác…”. Một khi có được tầm nhìn tổng quan về các yếu tố tác động này thì nhà đầu tư sẽ có được nhận định chính xác hơn trước những thông tin được công bố hàng ngày trên thị trường và sẽ không còn phải đầu tư theo tâm lý đám đông như trước, điều này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của nhà đầu tư và thị trường sẽ không còn phải chứng kiến những xu hướng đầu tư “đặc trưng riêng có” của một số nhà đầu tư Việt Nam nữa.

Một phần của tài liệu Sàn giao dịch - sân chơi cho các nhà đầu tư Việt Nam (Trang 28 - 29)