I. Đánh giá thực trạng thu hút ĐTTTNN vào khu công nghiệp – khu chế xuất
1. Kết quả đạt được
1.3. Tác động tràn của vốn ĐTTTNN tại vùng KTTĐ Bắc Bộ đối với doanh nghiệp
với doanh nghiệp
Tác động lan tỏa (spillover effect - còn được gọi là tác động tràn hay hiệu ứng lan tỏa) được nhiều trường phái lý thuyết kinh tế trên thế giới bắt đầu nói đến từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Khái niệm này được đặt ra khi các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau tiến hành nghiên cứu, xem xét ảnh hưởng của vốn nước ngoài và của các công ty đa quốc gia tới các nước tiếp nhận (nước sở tại).
Tác động lan tỏa của các KCN được thể hiện trên ba khía cạnh khác nhau đối với doanh nghiệp nước sở tại, cả trong và ngoài KCN. Thứ nhất và quan trọng nhất là vai trò của FDI tại các KCN trong việc chuyển giao công nghệ. Ngoài vốn, các doanh nghiệp nước ngoài tại đây còn mang đến những công nghệ sản xuất, kỹ năng, trình độ quản lý tiên tiến hơn, mà từ đó các doanh nghiệp trong nước có thể học tập. Thứ hai, bản thân các công nghệ sản xuất và kinh nghiệm chuyên gia do các nhà đầu tư nước ngoài đưa tới đòi hỏi có những người lao động phù hợp, qua đó sẽ giúp nâng cao trình độ mọi mặt của người lao động trong nước. Thứ ba, KCN được xem như các trung tâm thúc đẩy mối liên kết ngược (backward linkage) giữa các doanh nghiệp FDI với các nhà cung ứng trong nước. Mối liên kết này thường được thể hiện ở hai dạng: nguyên liệu thô đầu vào tại địa phương và nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng từ các doanh nghiệp sở tại (thường được
nói đến dưới thuật ngữ “công nghiệp phụ trợ”). Tất nhiên, mối liên kết ngược này có hình thành và phát triển được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào độ rộng và độ sâu của nền tảng công nghiệp nước sở tại. Hơn thế nữa, điều này còn đòi hỏi sự liên kết giữa Chính phủ và các thành phần kinh tế trong nước để có thể tận dụng tối đa những tác động lan tỏa tích cực do các KCN mang lại và chủ động sử dụng những tác động đó trong việc nâng cao nội lực của quốc gia trong quá trình phát triển và hội nhập.
1.3.1. KCN với hạt nhân là doanh nghiệp FDI và tác động đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp trong nước
Xét một cách tổng thể, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu thống kê, ở các KCN đang hoạt động, FDI chiếm tới hơn 80% về số vốn và 50% về số dự án đăng ký. Tuy nhiên, quy mô vốn của doanh nghiệp FDI trong KCN nói chung chỉ ở mức nhỏ và vừa, bình quân vốn đầu tư đăng ký là 8 triệu USD/dự án. Về cơ cấu ngành, ngành công nghiệp chiếm 27% tổng vốn FDI. Các KCN thu hút được nhiều dự án tập trung của vùng chủ yếu ở Hà Nội và Hải Phòng.
Chuyển giao công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kể từ khi bắt đầu quá trình đổi mới, hoạt động chuyển giao công nghệ ở nước ta đã phát triển nhanh, cả về phạm vi và tốc độ. Cùng với sự phát triển của các KCN, khu chế xuất, một số lượng không nhỏ các công nghệ tiên tiến đã được chuyển giao và ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên, một đặc điểm nổi rõ về mặt công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam là tồn tại một sự hỗn hợp các trình độ công nghệ khác nhau (lạc hậu, trung bình, tiên tiến) trong các ngành, trong các doanh nghiệp của cùng một ngành và thậm chí ngay trong một doanh nghiệp.
Khi đánh giá về khu vực FDI nói chung và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp FDI nói riêng, có ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn chưa tối đa hóa được lợi ích mà khu vực này có thể mang lại. Căn cứ dẫn đến nhận xét trên là diễn biến thất thường của dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, tỷ lệ FDI thực hiện so với vốn đăng ký còn thấp; sự tập trung FDI chỉ trong một số ngành, vùng... Phần lớn các dự án FDI có quy mô nhỏ, công nghệ sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ châu á, đạt mức trung bình. Chi phí cho
nghiên cứu, thử nghiệm và đổi mới công nghệ (R&D) của khu vực này hàng năm chiếm từ 5 - 10% doanh thu. Thêm vào đó, Việt Nam xem ra chưa được coi là điểm đến đầu tư của phần lớn các công ty đa quốc gia có tiềm năng lớn về công nghệ, sẵn sàng chuyển giao công nghệ và tri thức. Nguyên nhân của tình hình này một phần là do trình độ công nghệ của bản thân doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá trình độ công nghệ và mức độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, phần lớn doanh nghiệp trong nước đều có quy mô nhỏ và vừa, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn (mà đa phần là doanh nghiệp có vốn của Nhà nước – chủ yếu là tổng công ty 91). Theo kết quả điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ về đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở những năm 70 của thế kỷ trước, 30% của những năm 80 và 50% của những năm 90. Kết quả điều tra năm 2004 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá mức độ chi phí cho hoạt động R&D cho thấy: đối với ngành cơ khí - điện tử, R&D đạt 0,8% doanh thu, đối với ngành may mặc - da giày là 1,04%, ngành chế biến thực phẩm là 2,9%; trong khi đó, con số này ở các doanh nghiệp FDI lần lượt là 5,6%; 1,4% và 0,8%. Trong các lĩnh vực trên, chi phí cho R&D trong ngành cơ khí-điện tử của khu vực FDI cao gấp 7 lần so với các doanh nghiệp trong nước. Đánh giá chung, có thể nói mức độ quan tâm đầu tư cho R&D của doanh nghiệp FDI cao gấp 3 lần so với doanh nghiệp trong nước (theo kết luận của CIEM). Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy, trình độ công nghệ sử dụng ở các doanh nghiệp trong nước hiện nay tương đối thấp, có tới 40% doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị, công nghệ được sản xuất cách đây 25 năm và 50% thiết bị được sản xuất 15 năm trước đây, chỉ có 10% doanh nghiệp được đánh giá là đang sử dụng công nghệ tiên tiến. Nếu tính theo tuổi thọ và năm khấu hao tài sản thì hầu hết thiết bị công nghệ mà doanh nghiệp trong nước đang sử dụng đã quá cũ và lạc hậu, hay nói một cách tổng quát, việc đầu tư đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp trong nước chưa được quan tâm đúng mức và nếu có thì cũng diễn ra rất chậm.
Chuyển giao công nghệ của khu vực FDI tới doanh nghiệp trong nước được nhìn nhận là có ảnh hưởng lâu dài, đóng góp tích cực vào việc tăng năng suất trong các ngành
công nghiệp của Việt Nam. Có thể thấy một xu hướng đang từng bước nổi rõ là việc mở rộng thu hút FDI đi liền với sự đổi mới và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, mức độ chuyển giao công nghệ của FDI tới doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được mong muốn (xem tài liệu của tác giả Le Thanh Thuy). Nguyên nhân của mặt hạn chế này một phần xuất phát từ thực tế là khả năng hấp thu công nghệ và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp tư nhân nói riêng còn ở mức thấp.
1.3.2. Tác động nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Bản thân sự hiện diện của doanh nghiệp FDI đã là một tác nhân thúc đẩy cạnh tranh và trong nhiều trường hợp, thực tế này có thể dẫn đến tình trạng giảm sút sản lượng của doanh nghiệp trong nước, thậm chí có thể buộc doanh nghiệp rời khỏi thị trường hoặc có thể sống sót nếu vượt qua được giai đoạn điều chỉnh cơ cấu để thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Nếu biết tận dụng trong quá trình sản xuất của mình các hàng hóa trung gian và các yếu tố khác của doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng bứt phá để sau đó trực tiếp tiến hành xuất khẩu.
Theo nghiên cứu năm 2003 của VCCI, các doanh nghiệp trong nước tự đánh giá khả năng cạnh tranh của mình cao hơn tại thị trường trong nước (so với hoạt động tại thị trường nước ngoài), nhưng lại tỏ ra thiếu tự tin trong việc cạnh tranh với các đối thủ có vốn đầu tư nước ngoài ngay tại thị trường trong nước. Các doanh nghiệp cũng kém tự tin trong việc đánh giá khả năng tự nâng cao sức cạnh tranh của mình, với mức độ đánh giá giảm từ mức 3,54 trong năm 1999 xuống dần đến mức 3,20 trong năm 2003. Hiện tại, các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước đối với một số ngành đang có tác dụng đối với doanh nghiệp, nhưng trong tiến trình hội nhập tới đây những biện pháp này sẽ dần mất đi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải phấn đấu một cách quyết liệt để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ tại cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Cuộc điều tra về năng lực xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp do VCCI thực hiện gần đây cũng cho thấy: Chỉ có 23,8% doanh nghiệp có hàng xuất khẩu, 13,7% doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu, 62%
doanh nghiệp hoàn toàn chưa có khả năng xuất khẩu. Cho dù vài năm gần đây, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành sản xuất đã tăng lên đáng kể, nhưng nhìn chung còn yếu kém do năng suất lao động chưa cao; chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm thấp; trình độ công nghệ và khả năng tiếp cận công nghệ mới hạn chế; chi phí đầu vào cao, chưa cạnh tranh được với hàng nhập khẩu; thị trường đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, thiếu bền vững...
Trong thời gian qua, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá toàn diện tác động lan tỏa của KCN và của FDI đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Do đó, chưa đủ cơ sở về số liệu thực tế để phân tích sâu tác động này. Những lập luận trên đây chỉ nhằm phản ánh một thực tế rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn yếu. Đồng thời, nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương đã chỉ ra một sự liên kết dương giữa khu vực FDI và các doanh nghiệp trong nước về năng lực cạnh tranh. Điều đó đặt ra yêu cầu tới đây cần có biện pháp để vừa thúc đẩy vừa khai thác hiệu quả tác động lan tỏa tích cực này.
1.3.3. Về sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam
Mối quan hệ giữa FDI và công nghiệp phụ trợ trong nước có tính tương hỗ hai chiều và chỉ có thể phát triển bền vững trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”.
Các doanh nghiệp FDI, dù đặt cơ sở sản xuất ở đâu, cũng đều cần một lượng lớn các yếu tố đầu vào. Họ có 3 lựa chọn: nhập khẩu, tổ chức sản xuất tại chỗ và tìm nguồn cung ứng địa phương (mua từ các doanh nghiệp trong nước, hoặc cũng có thể từ các doanh nghiệp FDI khác). Rõ ràng là, nếu có thể sử dụng các yếu tố này ở ngay nền kinh tế nước sở tại, thì họ sẽ giảm được đáng kể chi phí sản xuất, đồng thời có thể tập trung vào việc nâng cao tính chuyên môn hoá, phát huy những thế mạnh của riêng mình.
Còn lợi ích của nước chủ nhà thì có thể dễ dàng nhận biết. Trước hết, mối liên kết với doanh nghiệp FDI làm tăng sản lượng và việc làm của các nhà cung ứng địa phương. Thêm vào đó, những ảnh hưởng gián tiếp có thể còn quan trọng hơn. Các liên kết có thể trở thành những kênh có sức mạnh cho việc phát tán tri thức và kỹ năng giữa các công ty. Các liên kết mạnh có thể kích thích hiệu quả, tăng năng suất, năng lực công nghệ và quản lý, đa dạng hoá thị trường cho nhà cung ứng. Mặt khác, chính sự liên kết này
thường khuyến khích xuất khẩu đối với các công ty liên kết và trong những điều kiện hợp lý, các công ty trong nước có thể phát triển trở thành các nhà cung cấp toàn cầu hoặc trở thành các TNC theo đúng nghĩa của nó.
Song phải thấy rằng, không phải lĩnh vực nào cũng có thể phát triển công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, khấu hao dài, sản phẩm sản xuất quy mô hàng loạt, thị trường tiêu thụ đủ lớn để sản phẩm làm ra có thế có giá cạnh tranh hoặc đòi hỏi trình độ chuyên môn hóa và hiệp tác hóa rất cao nên yêu cầu công nghệ cao, liên kết sản xuất gần như khép kín, có sẵn địa chỉ sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, công nghiệp phụ trợ chỉ có thể phát triển khi đã có những ngành công nghiệp chính phát triển. Trong điều kiện cụ thể hiện nay của Việt Nam, công nghiệp phụ trợ chỉ có thể phát triển có giới hạn ở một số ngành như sản xuất linh kiện, phụ liệu cho ngành chế tác, dệt may – da giày, điện tử - viễn thông, hóa chất...
Các nhà nghiên cứu đã tổng kết và phân biệt ba phương thức hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như sau: thứ nhất, FDI đi trước và kéo các công ty khác đầu tư phát triển các hoạt động phụ trợ; thứ hai, phát triển trước công nghiệp phụ trợ rồi mới thu hút FDI; thứ ba, đồng thời với sự gia tăng FDI, ngành công nghiệp phụ trợ cùng hình thành và phát triển. Thực tế cho thấy, có lẽ ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam đang đi theo phương thức thứ nhất, tức là có FDI trước, rồi công nghiệp phụ trợ mới từng bước hình thành.
Trong hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã đạt được một số thành tựu tích cực, nhưng nhìn chung cho đến nay ngành này vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Theo số liệu thống kê, ở một số ngành hàng có tốc độ phát triển công nghiệp phụ trợ thì tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ ở mức thấp như: trong ngành điện tử, 80% linh kiện là nhập khẩu và 20% được các doanh nghiệp trong nước đáp ứng; ngành dệt may - da giày, doanh nghiệp trong nước cũng đã đáp ứng được trên dưới 20%; ngành lắp ráp ôtô - khoảng 3,5%. Thành công lớn nhất có thể kể đến là ngành lắp ráp xe máy. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, hiện nay Việt Nam có 230 doanh nghiệp đang sản xuất linh kiện, phụ tùng và đã cung cấp được khoảng 70% nhu cầu phụ tùng cho các doanh nghiệp
lắp ráp xe máy, trong đó có tới 150 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các công ty lắp ráp xe máy Nhật Bản đánh giá chất lượng sản phẩm do nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của họ và chất lượng sản phẩm kém hơn của Thái Lan, Đài Loan, đồng thời dịch vụ sau bán hàng cũng còn yếu. Đây là vấn đề mà các ngành công nghiệp phụ trợ khác cũng đang mắc phải và phần lớn những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng thì giá thành lại quá cao. Có một thực tế là, doanh nghiệp FDI ít tìm được nguồn cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ đáng tin cậy. Do vậy, các doanh nghiệp FDI hướng vào xuất khẩu có khuynh hướng sử dụng linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu hoặc do các công ty FDI khác sản xuất. Điển hình như công ty Honda, tỷ lệ nội địa hóa tăng khá nhanh, từ 10 lên 60% trong vòng 6 năm, nhưng vai trò đóng góp