II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN
3. Nguyên nhân đói nghèo
Đói nghèo là một hiện tượng kinh tế xã hội vừa là vấn đề lịch sử lại vừa là vấn đề của phát triển. Để thực hiện chương trình "xoá đói giảm nghèo" ở huyện Chiêm Hoá thì tất yếu phải xác định đúng, đầy đủ nguyên nhân của đói nghèo. Trên thực tế, nó không phải là nguyên nhân về kinh tế, thiên tai, dịch hoạ mà ở đây là nguyên nhân có sự đan xen thâm nhập vào nhau của tất cả các nguyên nhân tất yếu lẫn ngẫu nhiên, cả cái cơ bản và cái tức thời, cả nguyên nhân sâu xa lẫn nguyên nhân trực tiếp, cả khách quan lẫn chủ quan, cả tự nhiên lẫn kinh tế - xã hội.
Theo số liệu điều tra năm 2001 thì có 3.568 hộ đói nghèo chiếm 14,2% hộ số hộ toàn huyện cụ thể có những nhóm nguyên nhân sau:
3.1. Những nguyên nhân chủ quan.
Đây là nguyên nhân do chủ quan người lao động, phổ biến là: - Thiếu kinh nghiệm làm ăn gồm 2.235 hộ chiếm 62,64% - Thiếu lao động gồm 342 hộ chiếm 62,64%
- Đông người ăn theo gồm 426 hộ chiếm 11,93% - Thiếu vốn sản xuất gồm 164 hộ chiếm 4,54%
- Có người mắc bệnh TNXH, lười lao động gồm 72 hộ chiếm 2,01% - Tai nạn rủi ro gồm 14 hộ chiếm 0,39%
- Có người đau ốm, tàn tật, già cả gồm 231 hộ chiếm 6,47%
3.2. Những nguyên nhân khách quan
- Đất cằn cỗi, ít màu mỡ, canh tác khó, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp.
- Thời tiết khí hậu không thuận lợi cho sản xuất
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan về mặt xã hội như
- Chính quyền huyện, xã chưa có biện pháp hành chính và giáo dục thích đáng để xoá hộ TNXH nhất là nạn nghiện hút, cờ bạc.
- Chính quyền huyện, xã còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn và năng lực nhất là cán bộ khuyến nông - lâm - ngư nghiệp.
3.3. Những nguyên nhân do tình huống đột xuất
Những tình huống đột xuất như: sự tàn phá của điều kiện tự nhiên làm mất cân bằng, ổn định như: mưa đá, bão, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh, gió xoáy... đã gây tình trạng đói nghèo rất cao, cấp tỉnh phải cứu trợ khẩn cấp... Những nguyên nhân này không ổn định nhưng tính nghiêm trọng rất cao.
Nhận xét: Do người nghèo làm không đủ ăn, nên hầu như có rất ít hoặc không có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Mặt khác, họ chưa thật sự hoạt động kinh doanh, tư duy hàng hoá chưa phát triển. Đây là dấu vết của nền kinh tế thuần nông, tự cấp, tự túc.
Do hoàn cảnh mang lại, người nông dân nghèo và hộ nông dân nghèo có những suy nghĩ, tâm lý khác hẳn với người nông dân giàu có và hộ nghèo họ chưa có đầu óc sản xuất, kinh doanh, chưa dám mơ tưởng làm chủ trang trại của nông trại, họ có tính lì rất cao trong tư duy, luôn sợ thất bại trong sản xuất nên không dám đầu tư tiền vào sản xuất nông - lâm nghiệp.
Tình trạng đói nghèo phần lớn tập trung ở các xã, bản xa xôi, hẻo lánh, đường giao thông đi lại khó khăn và rơi vào nhóm hộ gia đình thuần
nông, độc canh cây lúa và tự cung - tự cấp, đông con, thiếu việc làm, thiếu lao động và thu nhập thấp.