Trong kiểm toán Báo cáo tài chính, AASC luôn áp dụng thủ tục phân tích trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, đối với mọi khách hàng của Công ty. Tuy nhiên, đối với một số khách hàng chẳng hạn như Công ty liên doanh A, thông thường kiểm toán viên chỉ tiến hành phân tích xu hướng biến động của các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán và trên Báo cáo kết quả kinh doanh mà không thực hiện phân tích các tỷ suất tài chính. Điều này, sẽ gây ra những hạn chế trong việc thực hiện mục tiêu của thủ tục phân tích sơ bộ như: việc tìm hiểu về nội dung của toàn bộ Báo cáo tài chính, đánh giá rủi ro và xác định mức trọng yếu kiểm toán, và xem xét khả năng tiếp tục hoạt động của khách hàng. Bởi vì kết quả của việc phân tích xu hướng biến động chỉ cho thấy sự biến động, cũng như nguyên nhân biến động của từng khoản mục riêng lẻ mà chưa chỉ ra được mối quan hệ giữa các khoản mục đó như thế nào. Hơn nữa, nó cũng không giúp kiểm toán viên thấy được thực trạng tài chính của khách hàng để từ đó có thể phán đoán ra các sai sót tiềm tàng có thể xảy ra đối với các khoản mục trên Báo cáo tài chính. Chẳng hạn, đối với Công ty liên doanh A, nếu kiểm toán viên thực hiện phân tích các tỷ suất tài chính trên Báo cáo tài chính như phân tích các tỷ suất về khả năng thanh toán, sẽ cho thấy Công ty đang gặp khó khăn lớn về mặt tài chính, với tỷ suất thanh toán chỉ bằng 0.31 mà chủ nợ chủ yếu là Công ty LG và Công ty SHINIL, thời hạn nợ đến hết ngày 31/04/2005. Nếu 2 Công ty này không trợ giúp về mặt tài chính mà đòi nợ thì Công ty liên doanh A sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản. Như vậy, qua phân tích các tỷ suất tài chính cho thấy rủi ro tài chính đối với khách hàng là rất cao, ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của khách hàng, và các sai sót tiềm tàng có thể xảy ra là có xu hướng hạch toán tăng các khoản mục thuộc tài sản lưu động như: Tiền mặt, phải thu, hàng tồn kho và hạch toán giảm các khoản nợ
phải trả để cải thiện tình hình tài chính của khách hàng. Một ưu điểm nữa trong việc phân tích các tỷ suất tài chính là tính ổn định tương đối của chúng qua các kỳ, do vậy bất kỳ một sự thay đổi nào trong chính sách quản lý, chính sách kế toán, cũng như trong hoạt động kinh doanh của khách hàng cũng rất dễ nhận ra.
Trong quá trình thực hiện thủ tục phân tích sơ bộ, với bất kỳ một khách hàng nào dù ở quy mô lớn hay nhỏ, đặc điểm kinh doanh phức tạp hay giản đơn thì kiểm toán viên luôn phải tiến hành phân tích các tỷ suất tài chính. Như vậy sẽ giúp kiểm toán viên đạt được mục tiêu mong muốn trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, từ đó xây dựng một kế hoạch kiểm toán phù hợp và hiệu quả hơn cho một cuộc kiểm toán, tránh được những rủi ro có thể có.
Tuy nhiên, việc sử dụng phân tích các tỷ suất tài chính nào là tuỳ thuộc vào đặc thù của từng khách hàng và phán đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên. Mặc dù vậy, để thuận tiện cho kiểm toán viên trong quá trình sử dụng và từng bước chuẩn hoá công việc kiểm toán của Công ty. AASC nên xây dựng một hệ thống các tỷ suất tài chính chuẩn ứng với mỗi ngành kinh doanh cụ thể. Chẳng hạn có thể xây dựng chỉ tiêu các ngành sản xuất, ngành thương mại, ngành kinh doanh du lịch - khách sạn, ngành ngân hàng - tài chính, ngành bảo hiểm và các ngành dịch vụ khác...