1. Hoàn thiện phương pháp chọn mẫu
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 530 có đưa ra ba phương pháp để
lựa chọn phần tử thử nghiệm:
Chọn toàn bộ: chọn toàn bộ hay kiểm tra 100% mẫu trong trường hợp tổng thể có ít phần tử nhưng giá trị của từng phần tử lớn; rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát lớn
Lựa chọn các phần tử đặc biệt: các mẫu được lựa chọn dựa trên sự hiểu biết của kiểm toán viên về hoạt động kinh doanh của đơn vị khách hàng, đánh giá ban đầu về hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng
Lấy mẫu kiểm toán: Theo chuẩn mực kiểm toán số 530 thì có hai phương pháp là lấy mẫu thống kê và phi thống kê. Việc lựa chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Công ty áp dụng phương pháp chọn mẫu theo chương trình kiểm toán
AS/2. Có hai phương pháp chọn mẫu là: Phương pháp chọn mẫu thống kê Phương pháp chọn mẫu phi thống kê
Đối với phương pháp chọn mẫu thống kê em đã trình bày trong phần thực hiện kiểm tra chi tiết việc chi lương. Phương pháp chọn mẫu thống kê sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp sai sót trọng yếu không tập trung mà lại phân bổ đều trong tổng thể.
Phương pháp chọn mẫu phi thống kê sẽ phát huy hiệu quả cao trong trường hợp các sai sót trọng yếu phân bổ tập trung theo khối. Cách chọn mẫu này sử dụng có hiệu quả khi kiểm toán viên có kinh nghiệm xét đoán và nắm rõ về đơn vị khách hàng. Từ đó kiểm toán viên có thể phân vùng sai sót để tập trung kiểm tra.
Bên cạnh việc sử dụng phương pháp chọn mẫu thống kê kiểm toán viên có thể sử dụng thêm phương pháp chọn mẫu phi thống kê khi cần thiết.
Khi thực hiện chọn mẫu theo phương pháp thống kê kiểm toán viên chỉ xác định được số mẫu cần phải chọn. Chẳng hạn kiểm toán viên thực hiện chọn mẫu theo phương pháp thống kê tính được số mẫu phải chọn là 5. Việc chọn mẫu 5 mẫu nào trong hàng trăm mẫu lại phụ thuộc vào xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên. Kiểm toán viên có thể chọn những mẫu có giá trị lớn, hay những mẫu mà không có diễn giải…
Mỗi phương pháp chọn mẫu đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Do vậy việc vận dụng mỗi phương pháp trong những trường hợp cụ
thể phụ thuộc vào xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên. Cùng với việc hoàn thiện quy trình kiểm toán, các kiểm toán viên của công ty nên lựa chọn phương pháp chọn mẫu thích hợp nhất cho từng cuộc kiểm toán sao cho có hiệu quả nhất.
2. Hoàn thiện thủ tục phân tích
Việc thực hiện thủ tục phân tích tại Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam chủ yếu là thực hiện thủ tục phân tích ngang tức là kiểm tra tính hợp lý của số dư tài khoản. Chẳng hạn đối với thủ tục ước lượng quỹ lương của Công ty VSP, kiểm toán viên chỉ so sánh số liệu ước tính đó với số mà khách hàng hạch toán rồi tìm ra nguyên nhân chênh lệch nếu có. Trong khi đó việc so sánh, phân tích các chỉ số với các đơn vị khác trong cùng ngành sản xuất, cùng loại hình sở hữu ít được thực hiện. Hạn chế này là do thời gian cho một cuộc kiểm toán rất hạn hẹp, kiểm toán viên khó có thể thu thập đầy đủ các thông tin về các đơn vị khác trong cùng một ngành, hay chỉ số trung bình của ngành đó.
Để thực hiện công việc này, bộ phận thông tin của công ty cần làm nhiệm vụ thu thập và cung cấp thông tin số liệu liên quan đến ngành lĩnh vực hoạt động kinh doanh của khách hàng cho kiểm toán viên khi cần thiết. Trong thời gian tới kiểm toán viên của công ty nên tăng cường áp dụng thủ tục phân tích trong cả ba giai đoạn của cuộc kiểm toán nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác kiểm toán, mang lại chất lượng kiểm toán tốt nhất.
Khi tìm hiểu về hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng, kiểm toán viên cần nhận thức được rằng mỗi hệ thống kiểm soát nội bộ dù được thiết kế hoàn hảo đến đâu cũng không thể ngăn ngừa hay phát hiện mọi sai phạm có thể xảy ra, đó là những hạn chế cố hữu của hệ thống kiểm soát nội bộ. Theo chuẩn mực kiểm toán số 400 “đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” những hạn chế đó được xác định như sau:
Ban giám đốc thường yêu cầu chi phí cho hệ thống kiểm soát nội bộ không vượt quá những lợi ích mà hệ thống đó mang lại
Phần lớn công tác kiểm tra nội bộ thường tác động đến những nghiệp vụ lặp đi lặp lại mà không tác động đến những nghiệp vụ bất thường.
Sai sót bởi con người thiếu chú ý, đãng trí, sai sót về xét đoán hoặc do không hiểu rõ về yêu cầu công việc.
Khả năng vượt tầm kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ do có sự thông đồng của một người trong ban giám đốc hay một nhân viên với những người khác ở trong hay ngoài đơn vị.
Khả năng những người chịu trách nhiệm thực hiện kiểm soát nội bộ lạm dụng đặc quyền của mình
Do có sự biến động tình hình, các thủ tục kiểm soát bị lạc hậu hoặc bị vi phạm
Để mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ kiểm toán viên sử dụng một trong ba phương pháp hoặc kết hợp cả ba phương pháp tùy theo đặc điểm của đơn vị được kiểm toán và quy mô kiểm toán:
- Bảng câu hỏi về hệ thống kiểm soát nội bộ: Bảng này đưa ra các câu hỏi theo các mục tiêu chi tiết của hệ thống kiểm soát nội bộ đối với từng lĩnh vực kiểm toán. Câu hỏi được thiết kế dưới dạng trả lời “có” hoặc “không” và các câu trả lời không sẽ cho thấy nhược điểm của kiểm soát nội bộ
Ưu điểm của công cụ này là được lập sẵn nên kiểm toán viên có thể tiến hành nhanh chóng và không bỏ sót các vấn đề quan trọng. Nhưng do bảng câu hỏi được thiết kế chung, nên bảng câu hỏi có thể không phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp.
- Bảng tường thuật: là sự mô tả bằng văn bản về cơ cấu kiểm soát nội bộ của khách hàng. Bảng tường thuật về kiểm soát nội bộ cung cấp thêm sự phân tích về cơ kiểm soát giúp kiểm toán viên hiểu biết đầy đủ hơn về hệ thống kiểm soát nội bộ
- Lưu đồ: là hệ thống biểu đồ và ký hiệu trình bày toàn bộ quá trình kiểm soát áp dụng cũng như mô tả các chứng từ, tài liệu kế toán cùng quá trình vận động và luân chuyển của chúng. Lưu đồ về hệ thống kiểm soát nội bộ giúp kiểm toán viên nhận xét chính xác hơn về các thủ tục kiểm soát áp dụng đối với các hoạt động và dễ dàng chỉ ra các thủ tục kiểm soát cần bổ sung.
Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, quá trình tìm hiểu về hệ thống kiểm soát nội bộ được công ty kiểm toán Việt Nam kết hợp cả hai phương pháp là bảng câu hỏi và bảng tường thuật. Bảng tường thuật về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với các nghiệp vụ tiền lương được Công ty xây dựng một cách đầy đủ trong phần 1500 gồm các phần:
- Thuê mướn lao động
- Chấm dứt hợp đồng lao động
- Ghi nhận thời gian lao động
- Tính lương
- Chi lương
- Lưu trữ hồ sơ lao động
Đối với Công ty VSP và Công ty X kiểm toán viên đã mô tả đầy đủ các phần trong mục 1500. Theo đó kiểm toán viên dễ dàng đánh giá hệ thống
kiểm soát nội bộ của hai công ty VSP và X. Rõ ràng việc lập sơ đồ mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ như trên sẽ giúp kiểm toán viên nhận thấy khả năng sai phạm có thể có qua đó thiết kế các thủ tục kiểm toán để tập trung kiểm tra sao cho có hiệu quả nhất.
Để đảm bảo cho việc tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng hiệu quả hơn, kiểm toán viên nên tăng cường sử dụng các sơ đồ, ký hiệu trong việc mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng. Việc sử dụng các sơ đồ, ký hiệu trong mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng sẽ giúp kiểm toán viên dễ dàng nhận thấy mối liên hệ phụ thuộc giữa các bộ phận trong sơ đồ.