Nhân tố thuộc về khách hàng

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Trang 25 - 26)

Khách hàng là người trực tiếp sử dụng vốn của ngân hàng và tiến hàng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc ngân hàng có thu hồi được gốc và lãi hay không phụ thuộc vào quá trình sử dụng vốn ngân hàng của khách hàng. Khả năng của khách hàng trong việc đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn tín dụng trung và dài hạn là mối quan tâm lớn của ngân hàng. Khả năng này được thể hiện:

♦ Năng lực thị trường của khách hàng: năng lực này thể hiện ở khối lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp trong nền kinh tế, vị trí trên thị trường trong nước hay quốc tế, vị trí và tương lai phát triển của ngành kinh tế mà doanh nghiệp đang hoạt động...Năng lực thị trường cho biết khả năng thích ứng của doanh nghiệp với thị trường, thể hiện ở mức độ chấp nhận của thị trường đối với các sản phẩm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có năng lực thị trường cao thì rủi ro đối với ngân hàng càng thấp.

♦ Năng lực sản xuất của khách hàng: nghiên cứu năng lực sản xuất của doanh nghiệp cho biết quy mô sản xuất của doanh nghiệp, sự đáp ứng quy mô ấy với thị trường, cơ cấu và việc làm chủ giá thành sản phẩm. Biểu hiện cụ thể và rõ nhất của năng lực sản xuất là doanh nghiệp phải sản xuất ổn định và có lãi.

♦ Năng lực tài chính của khách hàng: Năng lực tài chính của khách hàng (doanh nghiệp) thể hiện ở khối lượng và tỷ trọng vốn tự có trong tổng nguồn vốn doanh nghiệp sử dụng. Điều kiện tín dụng thường quy định một tỷ lệ cụ thể, tối thiểu của vốn tự có trong tổng nguồn vốn hoạt động hay tỷ lệ vốn đầu tư tự có tương ứng với khối lượng vốn vay, tỷ lệ vốn tự có tham gia dự án vay vốn. Năng lực tài chính của doanh nghiệp càng cao, khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của ngân hàng càng lớn.

♦ Năng lực quản lý của doanh nghiệp: Sự thành bại của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý của doanh nghiệp. Năng lực quản lý của doanh nghiệp tốt làm cho đồng vốn đầu tư của ngân hàng ít rủi ro hơn.

♦ Quyền sở hữu tài sản và khả năng đáp ứng các biện pháp bảo đảm: Doanh nghiệp có tài sản đảm bảo càng giá trị, dễ phát mại thì ngân hàng càng mong muốn mở rộng tín dụng nói chung và tín dụng trung và dài hạn nói riêng.

♦ Tính khả thi của dự án: Nếu doanh nghiệp có thể thuyết trình và chứng minh được dự án xin được vay vốn là có tính khả thi thì ngân hàng sẽ có cơ sở mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Trang 25 - 26)