V- MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, ĐIỀU TIẾT CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG NHÀ ĐẤT
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Đất đai và nhà ở là nhu cầu vật chất và thiết yếu của loài người, là những yếu tố quan trọng bậc nhất cấu thành thị trường nhà đất. Trong những năm qua, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường , những yếu tố thị trường, trong đó có thị trường nhà đất đang trong quá trình hình thành và phát triển. Hiện nay, thị trường hàng hoá và dịch vụ phát triển nhanh chóng nhưng còn mang nhiều yếu tố tự phát, thiếu định hướng. Thị trường nhà đất, thị trường sức lao động chưa có thể chế rõ ràng, phát triển còn chậm chạp, tự phát. Thị trường vốn, công nghệ còn yếu kém. Do vậy, việc hình thành đồng bộ các laọi thị trường là một yêu cầu cấp bách nhằm đáp ứng đòi hỏi của sản xuất và đời sống.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu cải thiện đời sống của các tầng lớp dân cư, thị trường nhà đất ngày càng được mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đây là ngành kinh tế quan trọng khai thác tài nguyên quý hiếm đất đai của Nhà nước, nên không những mang ý nghĩa kinh tế, mà còn mang ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu về nhà đất là rất lớn, đa dạng và không ngừng tăng lên cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế: nhà ở, văn phòng cho thuê, đất sử dụng cho mục đích trồng trọt, đất xây dựng,... trong khi đó nguồn cung lại có hạn, nhất là về đất nông nghiệp. Rõ ràng rằng, để kiểm soát được các nguồn lực, tài sản của đất nước , điều chỉnh được quan hệ cung cầu về nhà đất trên thị trường cần phải tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đất đai và nhà ở. Điều này được bắt nguồn từ nhu cầu khách quan của việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất và phát triển hợp lý nhà ở, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân và do tính định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta quy định. Bên cạnh đó, để phát triển thị trường nhà đất theo hướng chính quy, phát huy hơn nữa vai trò đặc biệt của thị trường nhà đất trong công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, thì công việc đổi mới, kiện toàn công tác quản lý nhà nước có vai trò quan trọng hàng đầu.