Đánh giá hiệu quả của quy trình sản xuất tin tại Trung tâm Tin

Một phần của tài liệu Giới thiệu về Đài Tiếng nói Việt Nam (Trang 34 - 41)

6. Kết cấu khóa luận

1.4. Đánh giá hiệu quả của quy trình sản xuất tin tại Trung tâm Tin

1.4.1.Ưu điểm

Thứ nhất, quy trình của Trung tâm Tin hiện nay là khá khoa học, đảm bảo

được tốc độ ra tin cũng như chất lượng tin đầu ra của Trung tâm. Tin sản xuất được phân khu vực rõ ràng, được biên tập kỹ lưỡng qua nhiều cấp nhằm tạo độ chính xác cao nhất, cũng như đáp ứng được yêu cầu về ngôn ngữ và cách thể hiện.

Thứ hai, quy trình sản xuất tin tại Trung tâm Tin hiện nay đang được phát

triển theo hướng đồng bộ hóa và đa phương tiện hóa. Đây là một bước đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành phát thanh nói chung và với mục tiêu phát triển của Trung tâm nói riêng.

Với mục tiêu trong tương lai là biến Trung tâm Tin trở thành “ngân hàng” tin tức của Đài TNVN, đồng thời trở thành “đầu mối” mua bán tin cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, việc thiết lập một quy trình sản xuất tin chặt chẽ là một yêu cầu bức thiết. Quy trình sản xuất tốt bao giờ cũng là một hệ thống phân chia công việc tốt, giúp cơ quan phân bổ đều nguồn nhân lực của mình.

Nhận thức rõ điều này ngay từ những ngày đầu thành lập, từ năm 1995, Trung tâm Tin đã mạnh dạn đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho các phòng ban trực thuộc. Đến nay, tất cả các phòng ban thuộc Trung tâm đều có hệ thống máy tính được kết nối mạng Internet và mạng nội bộ, phục vụ tốt cho công tác biên tập, duyệt tin bài của Trung tâm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một mạng lưới các đầu mối thu nhận thông tin từ các nguồn bên ngoài như thiết lập Cổng thông tin điện tử, mạng nội bộ nhân viên Eoffice, địa chỉ mail và fax… đã giúp giảm thiểu đến mức tối đa các rủi ro như mạng nghẽn hay không tải được cái tập tin đính kèm. Điều này đảm bảo tốc độ ra tin tức đối với các sự kiện nóng hổi.Ví dụ như trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao Asean ( 2 ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 năm 2010), các

phóng viên của Đài TNVN được cử đi theo dõi tin tức về Hội nghị đã truyền về Trung tâm Tin bản tin của họ bằng cả đường email, hệ thống Eoffice và Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Tin. Nhờ vậy, Đài TNVN trong 2 ngày diễn ra Hội nghị luôn có được những thông tin nóng hổi và sâu sắc nhất cho các bản tin chính phát lúc 12h và 18h. Mở nhiều cổng tiếp nhận thông tin không chỉ giảm thiểu được khả năng rủi ro về mặt đường truyền hay các yếu tố kỹ thuật khác, mà còn giúp quá trình sao lưu tin tức của Trung tâm tốt hơn, đảm bảo thiết lập được một ngân hàng tin trong tương lai.

Ngoài ra, đưa Internet và các ứng dụng khoa học công nghệ khác vào quy trình sản xuất khiến quy trình được hoạt động theo chiều hướng thống nhất từ trên xuống dưới. Đối với quá trình duyệt tin bài ở cấp duyệt của lãnh đạo phòng và khâu chọn tin bài phát sóng của các hệ, hầu hết các thao tác đều được thực hiện trực tiếp trên máy tính thay vì in tin ra giấy và sửa chữa bằng bút thông thường. Điều này một mặt tiết kiệm được một phần chi phí cho Trung tâm, mặt khác cũng tiết kiệm được thời gian và khiến các biên tập viên, các lãnh đạo phòng dễ thao tác hơn.

Xây dựng quy trình sản xuất tin như trên kết hợp với ứng dụng tối đa hiệu quả của mạng nội bộ cũng là phù hợp với xu hướng phát triển chung của các Trung tâm Tin trên thế giới. Thiết lập một hệ thống như vậy khiến tất cả các tin tức đều được “quy gọn về một mối”, tạo điều kiện cho quá trình sao lưu tự động tin bài trong nội bộ hệ thống. Có thể hình dung quá trình sao lưu tự động đó qua sơ đồ sau:

1.4.2.Nhược điểm:

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật và dễ nhận thấy như trên, quy trình sản xuất tin của Trung tâm Tin cũng bộc lộ một số hạn chế như sau.

• Việc thiết lập hệ thống các thư mục trong mạng nội bộ thiếu khoa học, gây khó khăn cho thao tác tìm kiếm tin bài của phóng viên, biên tập viên.

Thực tế, với sức sản xuất tin bài của Trung tâm Tin hiện giờ thì Trung tâm đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu tin bài từ các hệ, đặc biệt là hệ Chính trị thời sự tổng hợp VOV1, thậm chí trong những tháng cao điểm, Trung tâm còn sản xuất và khai thác quá yêu cầu của hệ. Việc này dẫn đến sự chênh lệch giữa số lượng tin do Trung tâm Tin sản xuất ra và số lượng tin được phát sóng. Những tin không được lựa chọn phát sóng trên Hệ 1 hầu hết đều được đưa vào kho lưu trữ chung (thư mục D2_Tin lưu trữ). Thế nhưng riêng trong phần lưu trữ này, việc lưu trữ được thực hiện đối với cả tin đã phát sóng, tin chưa được phát sóng, tin nuôi, tin gốc trong ngày…Mỗi hệ cũng có một kho lưu trữ riêng, cũng lưu dạng tin phát sóng, tin trong ngày…Như vậy là có sự trùng lặp khá lớn ở khâu lưu tin, khiến đôi lúc phóng viên hoặc biên tập viên muốn tìm kiếm một tin nào đó thường gặp khó khăn, vì họ không biết phải tìm ở đâu trong rất nhiều thư mục cùng lưu như vậy. Thêm vào đó, việc lưu trữ nhiều dữ liệu trùng nhau khiến hao tổn một lượng tài nguyên máy tính lớn, điều này làm giảm đáng kể hiệu quả thao tác “tìm kiếm” của phóng viên và biên tập viên. Ví dụ, để tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh lùn sọc đen trên lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên muốn kiểm tra đã có những tin bài nào phát sóng về vấn đề này để thu thập thêm thông tin nền, thông thường họ phải dùng lệnh “tìm kiếm” (search) trên máy tính. Nhưng đối với lượng tin bài sao lưu trùng nhau nhiều như hiện nay, lại nằm rải rác ở nhiều thư mục con, đôi khi máy tính thực hiện lệnh trong 30 phút mới có thể tìm ra dữ liệu cần tìm. Nếu áp dụng thao tác này đối với khoảng hai thư mục, phóng viên mất chừng một giờ đồng hồ để tổng hợp

lại những tin cũ. Thời gian một giờ đồng hồ đó đôi khi là thời gian “chết”, nó ảnh hưởng lớn đến tốc độ ra tin bài của Trung tâm.

Việc khắc phục nhược điểm nói trên vừa dễ nhưng cũng vừa khó. Dễ ở chỗ để thiết lập nên một hệ thống các thư mục khoa học cho Trung tâm là một việc có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện. Có thể dựa trên sơ đồ quy trình sản xuất để thiết lập một hệ thống các thư mục tương tự như vậy. Lại lấy ví dụ về mục lưu trữ. Một trong những lí do khiến các kỹ thuật viên xây dựng hệ thống mạng nội bộ cho Trung tâm Tin lại thiết kế một quá trình sao lưu nhỏ lẻ, trùng lặp như vậy vì tâm lý phòng trừ các trường hợp sự cố máy tính xảy ra (như virus, hacker…). Tuy nhiên không cần thiết phải sao lưu trùng lặp như vậy ở tất cả các hệ. Để đảm bảo vấn đề an toàn dữ liệu, hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống các thư mục phụ. Các thư mục này chỉ dành riêng cho việc lưu trữ tin bài và được cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Hệ thống thư mục phụ được cài đặt ở chế độ ẩn, không hiện trên hệ thống mạng nội bộ và có thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn như sử dụng mật mã, các câu hỏi bí mật… Nó là một phần của hệ thống nội bộ, nhưng hoạt động có phần độc lập và bảo mật hơn. Trong thư mục phụ này sẽ được chia ra làm các thư mục nhỏ hơn, phân chia các loại tin bài như tin đã phát sóng, tin gốc…Như vậy, phóng viên hay biên tập viên sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tìm kiếm các thông tin mà họ cần.

Tuy nhiên, xây dựng một hệ thống các thư mục khoa học khó ở chỗ là số lượng nhân viên của Trung tâm Tin ngày một lớn dần lên, mỗi người có một thói quen sử dụng máy vi tính khác nhau. Thêm vào đó, để có được quá trình nhân bản, sao lưu tự động tin bài, các kỹ thuật viên phải tự lập trình và tự viết các lệnh sao cho các quá trình chuyển tin, gắp tin, bỏ tin vào thư mục này hay thư mục khác đều dễ dàng thuận tiện. Do vậy, để làm nên một hệ thống khoa học chính xác cần thiết lập nên các quy chuẩn rõ ràng cho tên file, thao tác chọn tin và một số yêu cầu khi thao tác trên máy tính đối với những người sử dụng. Các quy chuẩn này sẽ được phổ biến cho nhân viên Trung tâm Tin theo cách mở

từng lớp dạng tập huấn, yêu cầu các nhân viên phải bắt buộc tuân theo. Có như thế thì hệ thống mới thật sự đúng với tiêu chí “quy tin bài về một mối” được.

• Một nhược điểm khác của quy trình sản xuất tin là quá chú trọng đến khâu kiểm duyệt tin bài, đặc biệt là các tin được sản xuất bởi các nguồn như Cộng tác viên hay phóng viên ở các cơ quan thường trú. Nhìn vào sơ đồ, có thể thấy một tin do phóng viên cơ quan thường trú sản xuất ít ra phải trải qua 5 bước biên tập: từ biên tập viên nhận tin tức đến cấp duyệt lãnh đạo phòng, sau đó được trình lên cho lãnh đạo Trung tâm duyệt rồi chuyển xuống các hệ. Ở các hệ lại phải biên tập lại một lần (thậm chí là 2 lần: cấp biên tập viên và cấp lãnh đạo hệ) rồi tin đó mới được phát sóng. Đối với các tin tức không có tính nóng hổi thì những bước kiểm duyệt này không bộc lộ điểm yếu, thậm chí nó còn phát huy tối đa điểm mạnh là khiến tin đảm bảo về chất lượng khi phát sóng (bao gồm cả chất lượng thông tin, độ chính xác, ngôn ngữ và cách diễn đạt). Thế nhưng khi đây là tin tức thời sự nóng hổi thì rõ ràng, nhiều bước duyệt như trên khiến thời gian từ lúc sự kiện diễn ra đến lúc nó được thông báo đến công chúng càng bị kéo dài, làm mất tính thời sự của sự kiện.

Để khắc phục điểm này, Trung tâm cần phải mở nhiều hơn các lớp tập huấn, đào tạo cho các phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là các phóng viên thường trú và các cộng tác viên lâu năm về cách làm tin, viết tin cũng như trình bày tin nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tin bài gửi về. Rõ ràng tin đầu vào càng tốt thì khâu duyệt càng nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn. Đối với các sự kiện nóng hổi, có thể bỏ bớt khâu duyệt tin của biên tập viên nhận tin và thậm chí, ở cấp lãnh đạo phòng cũng có thể bỏ. Tin nóng được chuyển trực tiếp lên lãnh đạo Trung tâm Tin, được biên tập ngay lập tức ở cấp này và chuyển thẳng các hệ để bố trí phát sóng ngay.

• Quy trình sản xuất chưa cho thấy được tầm quan trọng của yêu cầu của các Hệ đối với tin của Trung tâm Tin.

Với vai trò là nơi cung cấp tin bài cho tất cả các Hệ phát thanh và các cơ quan báo chí trực thuộc Đài TNVN, Trung tâm Tin luôn phải sản xuất ra những tin bài phù hợp với yêu cầu của từng hệ. Thế nhưng thực tế cho thấy, ngoại trừ kênh VOV Giao thông đã “đặt hàng” Trung tâm làm các bản tin thể thao, văn hóa, chính trị, kinh tế và thời tiết thì các Hệ khác chưa tỏ rõ yêu cầu của mình đối với tin tức của Trung tâm. Trong quá trình làm việc, các Hệ này thường chủ động lấy tin (đã được biên tập) từ trên mạng nội bộ rồi biên tập lại thêm một lần nữa cho phù hợp với chương trình phát sóng. Tuy nhiên, cách làm này khiến hầu hết các phóng viên, biên tập viên Trung tâm Tin có thói quen viết hoặc biên tập lại tin khai thác rất dài, theo tâm lý “thừa còn hơn thiếu”. Họ sẵn sàng khai thác từ báo giấy hoặc báo điện tử một tin dài 2 phút (bằng thời lượng cho một phản ánh) để “tiện cho các hệ biên tập lại”. Đây thực chất là một cách làm giảm chất lượng tin từ Trung tâm Tin. Tin sản xuất ra không thể sử dụng ngay mà phải biên tập lại rất nhiều, thậm chí viết lại hoàn toàn để có một tin phát sóng. Trong tương lai, cách làm này phải hoàn toàn thay đổi nếu muốn nâng cáo hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Tin – Đài TNVN.

TIỂU KẾT CHƯƠNG I

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, sự ra đời của Trung tâm Tin là một bước phát triển mang tính tất yếu của báo chí thế giới. Không nằm ngoài quy luật đó, Trung tâm Tin – Đài TNVN được thành lập như một đầu mối thu nhận, trao đổi thông tin với tất cả các cơ quan báo chí khác trong và ngoài nước.

Mang tầm cỡ quốc gia nhưng mới chỉ có hai năm phát triển, mọi công việc của Trung tâm đang đi theo hướng vừa học hỏi kinh nghiệm từ các Trung tâm Tin trên thế giới, vừa tự mày mò hoàn thiện mình.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm, một quy trình sản xuất tin tức chung đã được thiết lập. Với sự hỗ trợ lớn từ các ứng dụng khoa học kỹ thuật cùng sự gia tăng nhanh chóng của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, quy trình sản

xuất trên ngày càng thể hiện được những ưu điểm của mình. Đó là sự thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp cũng như các kỹ thuật viên thực hiện công tác sao lưu tin.

Thế nhưng bên cạnh đó, quy trình sản xuất tin tức này hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như việc cứng nhắc trong quá trình xử lý tin bài, nhất là với những tin bài nóng. Việc bố trí nhiều cấp độ biên tập đảm bảo cho tin tức đầu ra chính xác nhưng đôi khi làm hạn chết tốc độ đưa tin, khiến nhiều tin Trung tâm đưa chậm hơn các báo khác. Thêm vào đó là sự sắp xếp, bố trí không khoa học hệ thống các thư mục trong mạng nội bộ, khiến tin tức trong quá trình sao lưu bị nhân bản trùng nhau trong những thư mục nhỏ lẻ, gây khó khăn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong quá trình tìm kiếm dữ liệu.

Những nhược điểm trên đếu có thể khắc phục được trong thời gian ngắn sắp tới bằng phương pháp đào tạo và thiết lập một hệ thống thư mục sao lưu ẩn.

CHƯƠNG II. ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TIN CỦA TRUNG TÂM TIN – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Giới thiệu về Đài Tiếng nói Việt Nam (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w