Báo chí nước ta những năm qua đã không ngừng phát triển cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển của mình, báo chí cách mạng vẫn luôn đề cao chất lượng và hiệu quả thông tin tới đông đảo công chúng. Đầu đề là một phần quan trọng của bài báo. Những đầu đề đảm bảo thông tin và tính hấp dẫn sẽ khiến độc giả không thể thờ ơ. “Một khi người đọc chịu đọc và đọc hứng thú thì những thông tin sẽ đến với họ trọn
vẹn và phát huy hiệu quả” [14, 4]. Vì vậy, công tác nâng cao hiệu quả báo chí có ý nghĩa lớn bao nhiêu thì việc đảm bảo chất lượng đầu đề cũng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
Cũng do sự phát triển của báo chí, ngày càng có nhiều tờ báo được ra đời, và vì vậy, độc giả cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn cho mình những tờ báo họ thích. Muốn lưu giữ được độc giả thì trước hết phải đảmbảo về thông tin mà trước hết là chất lượng của đầu đề. Một đầu đề đúng, sai hay có hấp dẫn hay không cũng là lời giới thiệu đầu tiên về bài báo cho độc giả. Đầu đề tốt thì tạo được ấn tượng với độc giả, ngược lại sẽ khiến họ bỏ qua, thậm chí không muốn đến với tờ báo đó nữa. Do có tầm quan trọng lớn như vậy, người làm báo cần phải dành cho một sự quan tâm đặc biệt để việc đầu tư cho đầu đề bài báo hiệu quả.
- Yêu cầu chung đối với tất cả các nhà báo là phải có nhận thức đầy đủ về chính trị, ngôn ngữ và văn hoá. Báo chí là hoạt động thông tin bằng ngôn từ. Tùy từng thể loại khác nhau mà nhà báo lựa chọn ngôn ngữ sử dụng cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả thông tin. Đối với một bài báo, yêu cầu về ngôn ngữ là sự chuẩn xác về chính tả, cách dùng từ và đặt câu. Đây cũng là yêu cầu chung đối với mọi hoạt động sử dụng ngôn từ chứ không riêng gì với báo chí. Tuy nhiên, do “tính chất đặc thù của hoạt động nghiệp vụ là sự tác động tức thời tới hàng triệu quần chúng” [14, 5], nên sự chính xác về ngôn ngữ sử dụng là điều đặc biệt quan trọng, nhất là với đầu đề, bởi vì không thể để độc giả thất vọng ngay từ cái nhìn đầu tiên đối với “bộ mặt của bài báo”. Do đó, sự phải am hiểu về câu từ, ngữ pháp ngữ nghĩa đặc biệt là với từ Hán Việt để tránh những lỗi ngữ pháp và diễn đạt ý phải được nhà báo chú trọng. Những dấu câu, từ nối, hay viết chữ hoa… tưởng như đơn giản nhưng nhiều khi vì chúng mà khiến những đầu đề trở nên khó hiểu, không rõ nghĩa… Điều đó cho thấy việc chú ý từng chi tiết nhỏ nhất cũng là điều hết sức quan trọng.
- Tri thức về văn hoá sẽ giúp nhà báo am hiểu những giá trị của dân tộc. Vận dụng những giá trị đó vào bài viết sẽ giúp cho tác phẩm báo chí vừa hấp
dẫn, sinh động vừa có tính đặc trưng. Cũng như vậy, việc khai thác và ứng dụng những chất liệu dân gian: tục ngữ, ca dao, thành ngữ… sẽ tạo ra những đầu đề ấn tượng đối với độc giả vì đây là những câu đã gắn bó, gần gũi và quen thuộc đối với bất cứ người dân nào. Một đầu đề sử dụng những đơn vị này sẽ tạo được hiệu quả lớn vì nó có vừa có khả năng kích thích vừa được độc giả lưu nhớ. Vì vậy nhà báo phải không ngừng phải trau dồi về từ vựng và am hiểu văn hoá dân gian để bài viết vừa là sự kết hợp của thông tin cuộc sống hiện đại lại vừa mang đặc trưng ngôn ngữ dân tộc..
- Không ngừng học hỏi để sáng tạo, nâng cao chất lượng bài vở, kỹ năng đặt đầu đề. Mỗi nhà báo đều có phong cách, ưu điểm và thế mạnh riêng của mình thì việc học hỏi lẫn nhau vẫn luôn là điều cần thiết. Tuy nhiên, học hỏi người khác là để thúc đẩy quá trình sáng tạo chứ không phải là thường xuyên bắt chước cái người khác đã tạo ra. Nhà báo phải tránh lặp lại những cấu trúc đã sẵn có và tạo cho mình một cấu trúc riêng mang phong cách, bản sắc riêng của mình. Có như thế mới không gây ra sự nhàm chán cho độc giả. Tất nhiên việc học hỏi người khác cũng là điều hết sức cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải biết vận dụng vào bài viết của mình chứ không phải lấy nguyên mẫu của người khác.
- Nhà báo cần phải ý thức trách nhiệm tới bài viết của mình. Đó là việc đọc cẩn thận bài viết, lựa chọn những chi tiết quan trọng nhất để đặt cho đầu đề. Có như vậy, đầu đề và nội dung mới ăn nhập với nhau, tránh được tình trạng đầu đề đưa vấn đề to mà nội dung lại chẳng có gì hoặc đầu đề đưa vấn đề nhỏ nhưng nội dung lại đề cập vấn đề lớn. Nếu không cẩn thận, mà chỉ ào ào, vội vã đặt cho xong sẽ tạo ra một đầu đề dở, vô nghĩa, làm tổn hại đến bài, thậm chí sẽ khiến độc giả không quan tâm đến bài. Nhà báo cũng cần bám sát thực tế hơn để đầu đề bài báo không qua xa vời. Thực tiễn cho thấy có những bài viết về một sự kiện xã hội nhưng đầu đề lại đậm chất văn chương. Chú ý tới sự phù hợp, cân đối giữa đầu đề với nội dung và việc sử dụng ngôn từ để tránh tình trạng đầu đề giật gân, câu khách. Độc giả sẽ nổi giận và có cảm
giác bị lừa nếu tác giả quá chú ý tới việc tạo ra một đầu đề hấp dẫn mà quên đi nội dung của bài là gì.
- Nói đến nâng cao chất lượng đầu đề bài báo không thể bỏ qua những biên tập viên, bởi có một nửa những đầu đề là do họ đặt lại. Chính vì vậy, vai trò của biên tập viên là rất lớn đối với đầu đề báo nói riêng. Chính họ sẽ làm cho bài viết trở nên hay hơn và những đầu đề có tính hấp dẫn hơn, trúng hơn. Do vậy, công tác biên tập luôn phải được đảm bảo, biên tập viên cũng phải không ngừng học hỏi và nâng cao trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về việc nâng cao hiệu quả đầu đề bài báo. Chúng tôi không có tham vọng đặt ra một khuôn mẫu nào cho các nhà báo mà đây chỉ là những ý kiến đóng góp được rút ra qua thực tế khảo sát đầu đề bài báo ở 3 tờ báo lớn. Ngoài ra trong phần này, chúng tôi xin nêu ra “10 lời khuyên tốt” [15, 231] cho đầu đề bài báo theo kinh nghiệm của báo chí Thụy Điển. Đây được coi là quốc gia có nền báo chí đặc trưng và phát triển, là đại diện cho nền báo chí thứ 3 trên thế giới, nền báo chí Bắc Âu. Đó là:
• Thu hút sự quan tâm và tính tò mò của độc giả.
• Nêu lên những gì quan trọng nhất. Hãy tìm ra các từ khó! • Dùng từ ngữ ở thời hiện tại, cấu trúc thể chủ động.
• Tránh dùng các từ dài và phức tạp. • Không nhắc lại câu dẫn hay chú thích. • Phải đánh dấu trích dẫn.
• Tránh dùng các câu hỏi, không bao giờ dùng dáu chấm. • Thận trọng với những dấu cảm thán.
• Không dùng các chữ viết tắt. • Đừng lừa dối độc giả!
KẾT LUẬN
Tóm lại, đầu đề là một phần rất quan trọng của bài báo, do đó việc nâng cao chất lượng đầu đề cũng luôn là điều cần thiết của mọi phóng viên. Ngay từ những bài viết đầu tiên về đầu đề bài báo đã cho thấy đầu đề “cần có khả năng kích thích mặt tâm lý người đọc, cụ thể là khêu gợi được tính tò mò và hứng thú tiêu biểu của họ” [16, 21-22]. Chính vì có tầm quan trọng như vậy nên việc nghiên cứu về đầu đề đã thực sự trở thành một điều cần thiết và gắn bó chặt chẽ với báo chí để hoạt động này ngày càng hiệu quả.
Trong khoá luận này chúng tôi nghiên cứu và khảo sát những đầu đề có tần số xuất hiện lớn của 3 tờ báo. Theo đó, chúng tôi phân tích nội dung của từng bài viết để tìm hiểu mối quan hệ giữa tên và bài. Qua khảo sát chúng tôi đã phân loại đầu đề theo các phương thức tác động đến người đọc và nhận thấy có nhiều loại đầu đề đã thực hiện rõ chức năng thông tin và tạo được sức hấp dẫn. Những đầu đề này thường là đầu đề thông báo, đầu đề đưa tên riêng hoặc danh từ lên trên, đầu đề sử dụng tục ngữ, thành ngữ , đầu đề chơi chữ. Bên cạnh đó cũng còn có nhiều đầu đề chưa thực hiện được chức năng của mình như: đầu đề chung chung, đầu đề đặt ra câu hỏi, đầu đề đưa nội dung to, nhỏ hơn bài, đầu đề không ăn nhập với bài. Ngoài ra cũng có một số đầu đề chưa hẳn là không thực hiện được chức năng của mình nhưng dù sao cũng ít nhiều gây được sự chú ý của độc giả: đầu đề kêu gọi, đầu đề trích dẫn, đầu đề dùng cấu trúc bỏ lửng.
Sau khi khảo sát, chúng tôi đánh giá hiệu quả thông tin của từng loại đầu đề và chỉ ra những nguyên nhân của những đầu đề mắc lỗi. Từ đó chúng tôi đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của đầu đề. Trong khuôn khổ của một khoá luận tốt nghiệp, chúng tôi chưa có cơ hội để khảo sát sâu và rộng hơn, do vậy cũng không tránh khỏi rất nhiều sai sót. Hy vọng sau này, nếu có cơ hội trở lại vấn đề này, chúng tôi sẽ có một cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nguyễn Thị Thanh Hương, Một số nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ của các đầu đề trong báo chí tiếng Anh hiện đại, “Ngôn ngữ”, số 9/2001.
[2]. Michel Voilrol, Hướng dẫn cách biên tập, Nguyễn Thu Ngân dịch, Nxb Thông Tấn, H., 2003.
[3]. Trần Quang, Món “khai vị” trong một bài báo, “Người làm báo”, số tháng 1/2003
[4]. Jean – Luc Martin – Lagardette, Hướng dẫn cách viết báo, Nhiều dịch giả, Nxb Thông Tấn, H., 2003.
[5]. Vũ Quang Hào, Ngôn ngữ báo chí, Nxb ĐHQG, H., 2001.
[6]. Loic Hervouet, Viết cho độc giả, bản Việt văn, Hội nhà báo VN xb, H., 1999.
[7]. Dương Xuân Sơn, Đinh Hường, Trần Quang, Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb VH-TT, H., 1995.
[8]. Trung tâm KHXH&NV QG, Ngữ pháp Tiếng Việt, Nxb KHXH, H., 2002. [9]. Hoàng Trọng Phiến, Ngữ pháp Tiếng Việt-câu, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.,1980
[10]. Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Nxb Đà Nẵng, 2000.
[11]. Hoàng Anh, Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, Nxb Lao động, H., 2003
[12]. Hoàng Phương Ngọc, Tính nghiệp dư trong các tác phẩm báo chí của sinh viên, Khoá luận tốt nghiệp, Khoa Báo chí, ĐHKHXH&NV, H., 2001. [13]. Nguyễn Quang Hoà, Phóng viên và toà soạn, Nxb VH-TT, H., 2002 [14]. Nguyễn Tri Niên, Ngôn ngữ báo chí, Nxb KHXH, H., 2004
[15]. Vũ Quang Hào, Báo chí và đào tạo báo chí Thụy Điển, Nxb Lý luận chính trị, H. 2004
[16]. Hồ Lê, Nhờ đâu tiêu đề bài viết có sức hấp dẫn, “Ngôn ngữ”, Số phụ, H., 1982
[8]. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb GD, H., 2003