sức hấp dẫn. Không ai có thể đánh giá thấp vai trò của đầu đề trong bất cứ tác phẩm báo chí nào. Đầu đề bài báo vừa tóm tắt thông tin một cách đầy đủ nhất giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về nội dung bài, vừa giúp họ phân biệt bài nào quan trọng hơn để từ đó lựa chọn bài báo mình muốn đọc. Tuy nhiên, trong thực tế không phải đầu đề nào cũng làm được nhiệm vụ đó. Khảo sát trong 3 tờ báo, chúng tôi thấy có 15 loại đầu đề thường xuất hiện. Những đầu đề này vừa có khả năgn thông tin, vừa tạo được sức hấp dẫn và cũng có những loại không thực hiện chức năng của đầu đề
+ Đầu đề thông báo. Đối với tin, kiểu đầu đề được sử dụng hầu như tuyệt đối. Do yêu cầu chỉ thông báo và phản ánh nên sự kiện trong tin bao giờ cũng được thể hiện ngắn gọn và mang tính thời sự cao nhất. Bản thân nội dung của tin chỉ mang những thông tin bề nổi thì đầu đề của nó cũng chỉ tóm tắt nội dung ngắn ấy trong một số lượng từ đơn giản những chi tiết quan trọng nhất.
Đối với bài cũng vậy, nó phải trả lời được câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Bao giờ? Như thế nào? Tại sao?. Như thế đầu đề thông báo đã thực hiện được “tham vọng duy nhất” của nó là cung cấp thông tin chính cho độc giả. Vì chỉ làm nhiệm vụ thông báo nên đầu đề này có phần hơi khô và do vậy nó được sử dụng nhiều trên tin hơn là bài. Tuy nhiên, đặt một đầu đề thông báo không phải là công việc dễ dàng bởi nhà báo phải cẩn thận trong việc lựa chọn những chi tiết “đắt” nhất trong bài. Xét về hiệu quả thông tin có thể thấy ngay đầu đề này đã thực hiện tốt vai trò đó.
+ Đầu đề giải thích. Kiểu đầu đề này thường nêu đặc điểm quan trọng nhất của đối tượng được nói tới trong bài. Qua đó độc giả có cái nhìn tổng quát về đối tượng đó. Như vậy, đầu đề này cũng có khả năng đem lại thông tin chính của bài. Nếu cứng tay hơn, nhà báo cũng có thể tạo ra được một đầu đề hấp dẫn mà vẫn đảm bảo chất lượng thông tin.
+ Đầu đề đặt câu hỏi. Đây là loại đầu đề được sử dụng nhiều nhất trên báo Tuổi trẻ, và Hànộimới. Trong cuốn “Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí”, tác giả Hoàng Anh cho rằng đầu đề câu hỏi “vừa gợi sự phán đoán của độc giả về một vấn đề bức xúc, đáng được quan tâm nào đó, vừa hứa hẹn một câu trả lời thỏa đáng ở phía dưới” [11, 101]. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm này, vì như đã phân tích ở chương II, đầu đề này có 2 loại: câu hỏi ở đầu đề được trả lời trong nội dung bài và đầu đề không được trả lời trong nội dung bài. Với loại thứ hai, tác giả không trả lời hoặc không trả lời trực tiếp (nghĩa là mượn lời người khác và không có sự khẳng định lại) mà đề độc giả tự suy nghĩ về vấn đề, sự kiện được nói tới trong bài. Như vậy, không phải lúc nào đầu đề đặt câu hỏi cũng “hứa hẹn một câu trả lời thoả đáng”. Ngược lại, nhiều khi độc giả lại phải tự tìm câu trả lời vì thực tế qua khảo sát đã có những câu hỏi thể hiện sự nghi ngờ, không chắc chắn của tác giả bài báo.
Theo chúng tôi, đầu đề đặt câu hỏi là loại đầu đề áp đặt. Tác giả nghĩ rằng đầu đề như vậy sẽ kích thích được độc giả vì nếu họ muốn biết thông tin
có chính xác hay không thì phải đọc toàn bộ bài báo. Như đã nói, hàng ngày có rất nhiều tờ báo ra đời, mỗi tờ báo lạo có hàng chục, hàng trăm đầu đề, trước một khối lượng lớn đầu đề như thế độc giả chỉ có thể chọn lọc những bài báo, vấn đề mình quan tâm. Nếu bài báo họ chọn là loại có đầu đề đặt câu hỏi thì như vậy sẽ phải mất một khoảng thời gian để đọc. Hơn nữa, với những đầu đè câu hỏi mà tác giả muốn để độc giả tự suy nghĩ, đánh giá thì dễ dẫn đến mỗi người có một cách hiểu và như vậy dễ hình thành trong công chúng nhiều dư luận khác nhau. Báo chí làm nhiệm vụ thông tin tới công chúng thì thông tin đó phải chính xác va phải thể hiện được tính định hướng, hướng dẫn dư luận. Vì vậy, độc giả cần một thông tin khẳng định hơn là phải đi tìm câu trả lời nhà báo đặt ra. Nhà báo Quang Hoà cũng cho rằng “các đầu đề bài không nên là câu hỏi. Bởi vì nhiệm vụ của nó là gói gọn được nội dung bài và nếu phóng viên không trả lời được thì bạn đọc càng không thể làm thay được” [12, 127]. Rõ ràng là một đầu đề khẳng định vẫn tốt hơn là một câu hỏi nghi vấn.
+ Đầu đề đặt dấu chấm lửng. Trong ngôn ngữ hoặc chữ viết hàng ngày, việc sử dụng dấu chấm bỏ lửng là do người nói, viết chưa diễn đạt hết câu hay ý hoặc cũng có khi cấu trúc này được dùng do cố ý. Qua khảo sát những đầu đề có cấu trúc kiểu này có thể thấy nội dung thông tin trong bài nhiều khi chưa được khái quát hết. Đây chỉ là một cách đặt đầu đề nhằm thu hút sự chú ý của độc giả. Kiểu đầu đề này thường xuất hiện ở những câu hay ngữ thông thường hoặc trên những đầu đề có sử dụng thủ pháp chơi chữ, cũng có khi là “nhại” lại một câu nói nổi tiếng, tên tác phẩm điện ảnh, văn học, tục ngữ, thành ngữ…hoặc là do cách diễn đạt thể hiện ẩn ý của tác giả khi tạo ra một mệnh đề, câu ngược đời… Dấu chấm lửng nhiều khi cũng được dùng để thể hiện một sự châm biếm, hài hước. Với đầu đề này, thông tin quan trọng được đưa lên đầu đề hoặc nhiều khi chỉ là một ý nhỏ của bài. Nói chung, đây là đầu đề vừa có khả năng chứa đựng thông tin vừa có tính kích thích độc giả.
+ Đầu đề trích dẫn. Là đầu đề đưa ra lời nói của nhân vật chính trong bài báo và nó thường có 2 loại: đứng một mình và có chủ thể phát ngôn đi kèm. Đối với kiểu đầu đề này, bài báo được tăng giá trị chân thực và độ tin cậy của sự kiên, độc giả có cảm giác được thẩm định thông tin. Thông thường, đầu đề kiểu này được sử dụng cho bài phỏng vấn hoặc bài chân dung. Lời trích dẫn thường là của những nhân vật nổi tiếng hoặc những người tiêu biểu cho xã hội. Những câu nói được lựa chọn phải chứa đựng thông tin, nếu không cũng phải tạo được sự kích thích, gợi tò mò cho độc giả. Như vậy, đầu đề trích dẫn chưa phải là đầu đề mang lại hiệu quả thông tin lớn. Tuy nhiên, nó cũng tạo được sự chú ý của độc giả và nhiều khi vì thế mà độc giả lựa chọn bài báo đó để đọc.
+ Đầu đề kêu gọi. Đây thực chất là những câu cầu khiến. Thông tin chính của bài được nói tới ở đầu đề thông qua lời kêu gọi. Những đầu đề kiểu này có tác dụng hướng người đọc tới một hành động, một suy nghĩ hay một hoàn cảnh nào đó. “Do các tiêu đề này luôn thể hiện một cảm xúc khá tha thiết và chân thành của tác giả nên chúng có tác dụng không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của người đọc để rồi từ đó, trong lòng họ có ý muốn đọc toàn bộ văn bản nhằm chia sẻ các nỗi niềm cùng tác giả” [11,102]. Như vậy đầu đề này vừa có khả năng chứa đựng thông tin lại vừa tạo được sự kích thích độc giả
+ Đầu đề tiết lộ là đầu đề sử dụng những từ ngữ có tính chất bí mật nhằm thu hút độc giả. Đối với kiểu đầu đề này, nếu không cẩn thận chọn lọc từ ngữ thì dễ sa vào kiểu độc đề giật gân nhằm đánh lừa bạn đọc. Đây là điều hết sức tránh vì sau khi đọc độc giả sẽ biết bài chẳng có gì to tát như đầu đưa ra và như vậy họ có cảm giác bị lừa và mất dần sự tin cậy với tờ báo đó. Đầu đề tiết lộ chưa hẳn là đầu đề có khả năng thông tin nhưng là loại có sức hấp dẫn cao với người đọc. Tuy nhiên, đây cũng là kiểu có thể kết hợp cả hai yếu tố thông tin và tính hấp dẫn.. Làm tốt việc này, nhà báo sẽ tạo ra một đầu đề tốt vừa có giá trị thông tin, lại vừa có khả năng thu hút độc giả đến với bài báo.
+ Đầu đề sử dụng tục ngữ, thành ngữ , các biện pháp tu từ, chơi chữ hoặc dựa theo tên tác phẩm, câu nói nổi tiếng là những loại đầu đề có khả năng thu hút sự chú ý của độc giả rất lớn. Ca dao, tục ngữ hay tên tác phẩm nổi tiếng là những câu, từ đã được phổ biến trong công chúng, thậm chí trở nên quen thộc đối với họ. Khai thác được yếu tố này, tác giả sẽ tạo được đầu đề hay vì có khả năng được độc giả lưu nhớ (chúng là biến tấu của những gì họ đã quen thuộc). Tuy nhiên việc đặt đầu đề theo kiểu này không phải là công việc dễ dàng. Tác giả vừa phải có vốn từ phong phú, am hiểu văn hoá dân gian và khă năng vận dụng tốt, đồng thời trong quá trình vận dụng tác giả phải lựa chọn cẩn thân những chi tiết trong bài sao cho phù hợp để có thể áp dụng vào những câu tục ngữ thành ngữ hay những câu nói tiêu biểu, những tác phẩm nổi tiếng… Kiểu đầu đề này có sự hấp dẫn rất lớn, dễ được độc giả lựa chọn. Đáng tiếc là đầu đề này chưa dược sử dụng nhiều trong báo chí hiện nay.