6. Cơ cấu báo cáo
3.3.3. Xác định trách nhiệm của xã hội trong việc thu gom rác thải
3.3.3.1. Trách nhiệm của các chủ nguồn thải rác trong việc đóng góp phí rác thải:
Luật bảo vệ môi trường qui định trách nhiệm của hộ gia đình trong việc bảo vệ môi trường như sau:
+ Thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn qui định.
+ Nộp đủ và đúng hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo qui định của pháp luật…
Như vậy theo qui định của luật thì trách nhiệm của các hộ gia đình vừa phải đưa rác đến nơi qui định, vừa phải đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường chung.
Còn theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và của một số địa phương trong nước thì người dân phải chi trả hai khoản chi phí:
1. Chi phí thuê dịch vụ thu gom rác từ nơi thải rác đến nơi tập kết rác
2. Phí rác thải, là khoản đóng góp cho công tác vệ sinh đường phố, vận chuyển và xử lý rác
Trong đó chi phí dịch vụ là khoản tiền bắt buộc chủ nguồn thải phải chi trả. Điều đó có nghĩa là thay vì bản thân phải tự đem rác đến điểm tập kết theo qui định thì người dân có thể bỏ ra một khoản tiền để thuê người khác làm. Còn chi phí vận chuyển và xử lý rác là dịch vụ công mà nhà nước phải chịu trách nhiệm chính cung ứng từ ngân sách, đó cũng là phần thuế mà người dân đã đóng góp. Tuy nhiên, để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường thì cần thu một khoản gọi là phí rác thải (trong phí bảo vệ môi trường nói chung), khoản phí này phải được xác định hợp lý tùy theo mức độ thải rác và mức độ ô nhiễm của rác thải, rác càng ô nhiễm hay khối lượng thải rác càng lớn thì phải đóng phí càng cao. Đây là phần đóng góp cho ngân sách để bù đắp một phần chi phí cho công tác quét đường, thu gom rác ở những nơi công cộng, vận chuyển và xử lý rác.
Thực tế trên địa bàn TP.HCM, việc thu tiền rác đối với các hộ dân và các chủ nguồn thải rác khác mới chỉ là chi phí dịch vụ đưa rác từ nguồn thải đến điểm tập kết rác. Khoản tiền này hiện người dân đang đóng trực tiếp cho người thu gom rác, bao gồm công nhân của các Công ty Công ích quận huyện, các Hợp tác xã, Nghiệp đoàn và rác dân lập hoạt động tự do.
Vì vậy nếu đặt vấn đề phải thu phí để bù đắp cho ngân sách trong công tác quét đường, vận chuyển và xử lý rác thì cần phải nghiên cứu một khoản thu khác ngoài khoản tiền do lực lượng thu gom rác đang thu hiện nay, cách thức thu và việc sử dụng nguồn thu này.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, ngân sách nhà nước vẫn nên tiếp tục chi trả cho công tác quét đường, vận chuyển và xử lý rác. Việc thu phí từ người dân để bù đắp cho các chi phí này nên có lộ trình thực hiện. Có thể xây dựng đề án để thực hiện sau năm 2010.
3.3.3.2. Trách nhiệm của toàn xã hội trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường:
Trong các văn bản pháp luật đã có các qui định trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường. Cụ thể ở điều 52, Luật môi trường qui định việc bảo vệ môi trường nơi công cộng như sau:
- Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ, bỏ rác vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
Điều 53 qui định: Hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường như: tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư;...Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí gia đình văn hóa.
Điều 54 qui định tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, trong đó qui định: - Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo
vệ môi trường nơi mình sinh sống.
- Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật.
- Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quy định về hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.
- Để nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cần tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền ý thức cho người dân, cụ thể:
- Tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các tổ chức và nhân dân.
- Vận động nhân dân tham gia đóng phí rác thải sinh hoạt; gom rác và để đúng nơi quy định để được thu gom rác thải sinh hoạt, không đổ rác vào các khu vực công cộng, các sông, kênh, rạch, ao, hồ;
- Khắc phục tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng bằng cách bảo đảm điều kiện về nơi vệ sinh, phương tiện đựng rác ở nơi đông người qua lại.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các văn bản qui định về xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường đã được ban hành (Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 81/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 8 năm 2006 qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường),
trong đó đã qui định đầy đủ các mức phạt và qui định cụ thể thẩm quyền của từng cấp trong việc xử lý vi phạm, cần tổ chức kiểm tra giám sát và xử lý thật nghiêm khắc và triệt để các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính răn đe, tạo thói quen tốt cho người dân.
Để thực hiện tốt việc kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, cần có sự qui định thống nhất việc tổ chức thực hiện từ cấp thành phố, xuống quận huyện, phường xã. Cụ thể hiện nay đã thành lập Thanh tra xây dựng quận huyện, phường xã, tuy nhiên như đã phân tích trong phần thực trạng, chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường chưa được qui định cụ thể. Vì vậy cần bổ sung qui định chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường vào chức năng nhiệm vụ của Thanh tra xây dựng quận huyện, phường xã. Bên cạnh đó cần có các biện pháp tuyển dụng, sắp xếp đủ lực lượng cho Thanh tra quận huyện, phường xã, đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ thanh tra viên theo qui định, để có thể thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, trong đó có vệ sinh môi trường.