Nghiên cứu của UNODC cho thấy, chỉ có khoảng 8% nạn nhân bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý. Có một số hoạt động mà tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có thể thực hiện để tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Khảo sát
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức các cuộc khảo sát bằng bảng hỏi trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn. Cục Trợ giúp pháp lý cần ban hành bản hướng dẫn về việc xây dựng bảng hỏi và tổ chức khảo sát để bảo đảm các cuộc khảo sát tuân thủ các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, có tính bảo mật và an toàn đối với đối tượng khảo sát. Kết quả từ các cuộc khảo sát sẽ giúp cho tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương nắm được tình hình và có kế hoạch phù hợp.
Thu thập thông tin từ các cuộc phỏng vấn sâu
Bên cạnh việc khảo sát thông qua bảng hỏi, Trung tâm trợ giúp pháp lý có thể tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu để có thêm thông tin. Cục Trợ giúp pháp lý cần hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự riêng tư và an toàn cho các cuộc phỏng vấn.
Trợ giúp pháp lý lưu động
Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các địa bàn xa trung tâm góp phần tăng số lượng người tiếp cận và được trợ giúp pháp lý, trong đó có nạn nhân bạo lực gia đình. Thời gian và chi phí đi lại khiến cho nhiều người e ngại không trình báo về tình trạng bạo lực cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Sinh hoạt Câu lạc bộ
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề để nâng cao kiến thức pháp luật cho cộng đồng. Nội dung sinh hoạt có thể tập trung vào giới thiệu về dịch vụ trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Những buổi sinh hoạt này sẽ giúp phụ nữ có cơ hội để nhận thức đúng về tình trạng bạo lực họ đang phải chịu và có thể yêu cầu trợ giúp.
Truyền thông
Trung tâm trợ giúp pháp lý cần xây dựng kế hoạch truyền thông giới thiệu pháp luật về trợ giúp pháp lý và phòng, chống bạo lực gia đình, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, danh sách địa chỉ, số điện thoại của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm và Chi nhánh, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Hoạt động truyền thông có hiệu quả sẽ giúp cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng bị bạo lực gia đình biết và tìm đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để được trợ giúp nhiều hơn.