Khái niệm sinh viên nghiên cứu khoa học giáo dục được hiểu là khả năng sinh viên thực hiện thành công các công trình khoa học thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục trên cơ sở nắm được cơ bản các quan điểm phương pháp luận, sử dụng các phương pháp nghiên cứu và các phương tiện nghiên cứu một cách có hiệu quả để góp phần giải quyết các vấn đề lí luận và thực tiễn giáo dục đặt ra, nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo.
Nghiên cứu khoa học giáo dục đối với sinh viên Sư phạm có ý nghĩa giáo dục to lớn: làm thúc đẩy tích cực sự tác động hai mặt giữa người dạy với người học. Một mặt, nếu sinh viên hoạt động nghiên cứu tích cực sẽ thúc đẩy động cơ với người học và cả người dạy; Mặt khác, nếu dạy học tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho người học thì sẽ thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học có hiệu quả hơn. Xét ở phương diện chủ thể nhận thức, bản thân sinh viên khi tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sẽ có tác dụng kích thích hứng thú và nhu cầu học tập tích cực, làm cho họ có nhu cầu giải quyết các nhiệm vụ của giáo viên đề ra ở trình độ cao hơn. Như vậy, động lực phát triển nằm ngay trong người học. Chẳng hạn, quá trình giảng dạy và học tập các môn Tâm lí học, Giáo dục học, Phương pháp giảng dạy bộ môn sẽ gợi ra các vấn đề nghiên cứu cho sinh viên. Về phương diện lí luận giáo dục, tri thức khoa học giáo dục gồm hệ thống các phạm trù: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá, động lực, nguyên tắc, lôgic... của quá trình dạy học. Các nghiên cứu lí thuyết để vận dụng vào thực tiễn giáo dục như: đặc điểm tâm lí học sinh, quá trình giáo dục sinh viên hoặc cách dạy, cách học, cách đánh giá... trên một môn học cụ thể. Như vậy, việc
sinh viên được hướng dẫn nghiên cứu khoa học giáo dục về các lĩnh vực: tâm lí, giáo dục học và phương pháp giảng dạy bộ môn ở ngay trong và bằng quá trình học tập các môn học đó là một hướng đi đúng. Đây là. một hướng đi tích cực, đảm bảo một cách chắc chắn cho nhiệm vụ hình thành năng lực và nhân cách người chuyên gia giáo dục trong tương lai.
Về ý nghĩa giáo dục, nghiên cứu khoa học giáo dục được hiểu là nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người, thông qua con đường cơ bản là dạy học và giáo dục (đạo đức) và các hoạt động khác, trong đó tính tích cực của người học là yếu tố then chốt. Khi được trực tiếp nghiên cứu và khám phá những quy luật, bản chất và sự thể hiện vô cùng phong phú và phức tạp của thế giới tâm lí người, hoặc nghiên cứu quá trình giáo dục con người, nghiên cứu tổ chức dạy học có hiệu quả, sinh viên sẽ nhận thức đầy đủ hơn về tri thức tâm lí, giáo dục học, từ đó hình thành niềm tin, tình cảm, thái đó đúng với môn học với con người. Đồng thời, cùng với nhiệm vụ nghiên cứu các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, quá trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục sẽ đem lại cho sinh viên phương pháp luận khoa học đúng đắn về lĩnh vực chuyên môn sau này của mình. Điều quan trọng đối với những sinh viên trong quá trình nghiên cứu về khoa học giáo dục là họ đã nhận thức được quá trình giáo dục con người (học sinh) không phải là con đường dễ đàng, thậm chí là rất khó khăn. Quá trình này đòi hỏi người làm giáo dục phải hội tụ đầy đủ các phẩm chất và năng lực của người nghiên cứu, của người giáo viên, của một nhân cách lớn.
Một vấn đề cần phải quan tâm là chúng ta đã từng học tập qua các cấp học ở phổ thông, đã được tiếp xúc với thầy giáo, cô giáo, các học sinh, tức là đã trải nghiệm ở trường học một cách tự nhiên với các hoạt động và thiết chế của nó. Khi tổ chức cho sinh viên Sư phạm nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục, một mặt là hình thành và phát triển cho họ năng lực nghiên cứu các vấn đề mới của khoa học giáo dục, mặt khác là giúp họ "trải nghiệm lại một cách có ý thức sư phạm" với các sự
kiện, các hoạt động ở môi trường giáo dục phổ thông trước đây. Tức là nhìn các vấn đề đó với con mắt của nhà sư phạm, có tri thức lí luận khoa học giáo dục dẫn đường. Quan tâm đến vấn đề này chính là đảm bảo nguyên tắc khai thác các kinh nghiệm sẵn có ở người học trong quá trình học tập và nghiên cứu về khoa học giáo dục.
Mục đích của việc tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học giáo dục là nhằm:
Về kiến thức, trang bị cho sinh viên hệ thống tri thức cơ bản về khoa học giáo dục, đặc biệt là kiến thức mới, thông tin mới về lĩnh vực dạy học, giáo dục, đặc biệt là sự hiểu biết để xác đính mục đích, yêu cầu của đề tài khoa học, hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho những chuyên gia sư phạm. Thông qua quá trình nghiên cứu, sinh viên Sư phạm tự đọc, khám phá, hệ thống hoá hệ thống tri thức khoa học giáo dục, các phương pháp quan điểm mới ở các nguồn thông tin khác nhau để phục vụ trực tiếp cho giảng dạy của họ. Do đó, những sinh viên đã trải qua nghiên cứu khoa học từ những năm thứ hai, thứ ba, đến khi đi thực tập sư phạm đều tỏ ra rất
chững chạc, tự tin, có nhiều thông tin mới trong giảng dạy và biết xử lí các thông tin, các tình huống giáo dục.
Về kĩ năng, luyện tập cho sinh viên hiểu và làm theo quy trình thực hiện, triển khai một đề tài khoa học; đánh giá được ưu điểm và nhược điểm cũng như vận dụng thành thạo các phương pháp nghiên cứu khoa học; kĩ năng xác định các khó khăn, đánh giá đúng các vấn đề của thực tiễn giáo dục. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của các trường Đại học Sư phạm là cần hình thành và luyện tập cho sinh viên tiếp cận nhanh các phương pháp và phương tiện hiện đại bằng các phần mềm tin học trong xử lí các số liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình nghiên cứu. Mức độ yêu cầu sự thành thạo các kĩ năng nghiên cứu tuỳ thuộc vào mức độ tham gia của sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối ở trường đại học. Tuy nhiên, các kĩ năng cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục như: lập đề cương đề tài, soạn phiếu điều tra, xử lí các số liệu. viết báo cáo, báo cáo trước hội đồng, viết bài báo khoa học phải được hình thành chắc chắn cho các sinh viên sư phạm trước khi họ ra trường.
Về thái độ: Hình thành cho sinh viên sư phạm thái độ đúng đắn về quá trình giáo
dục con người. Trong và bằng quá trình nghiên cứu, tạo ra cho sinh viên sư phạm thái độ nghiêm túc, khoa học khi nghiên cứu về con người. Đồng thời cũng hình thành cho họ cách nhìn nhận về một lĩnh vực khoa học rất gần gũi song cũng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có niềm say mê, trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề nghiệp và chắc chắn là sẽ gắn bó với người giáo viên trong suốt quá trình dạy học.
Trong tương lai, khi các sinh viên sư phạm trở thành giáo viên hoặc nhà quản lí giáo dục, họ sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện những ý tưởng khoa học, những điều ấp ủ từ khi ngồi trên giảng đường đại học. Tuy nhiên, thực tiễn giáo dục luôn biến động không ngừng, đang thúc bách những giáo viên phải thích ứng, phải đáp ứng nhanh các đòi hỏi của thực tiễn mà những tri thức khoa học được trang bị cho họ trong quá trình đào tạo không đủ để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ đó. Vì vậy, mục tiêu căn bản, lâu dài là bồi dưỡng năng lực nghiên cứu, khuyến khích sự sáng tạo cho các sinh viên sư phạm hơn là tập trung vào huấn luyện một số kĩ năng về dạy học, về giáo dục rất cụ thể như: viết bảng, đọc, giao tiếp... mà lẽ ra đây là kết quả phải được hình thành một cách chắc chắn từ khi họ học ở trung học phổ thông.