Cải cách hành chính và XĐGN

Một phần của tài liệu PPA_Lao_cai-1stdraft-vietnamese (Trang 54 - 59)

UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt đề án cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2001-2005, trong đó chú trọng khắc phục những tồn tại hiện có, đẩy mạnh phân cấp kết hợp với củng cố năng lực tổ chức quản lý của cấp huyện, thị xã và cấp cơ sở.

"Dịch vụ một cửa" ở cấp thôn bản

Đợt khảo sát cho thấy, để cải cách hành chính gắn với XĐGN hơn nữa, cần nhấn mạnh nhiều hơn đến cấp cuối cùng - cấp thôn bản, đặc biệt là vùng cao. Thôn bản hiện nay không được coi là một cấp hành chính nhà nước, nhưng là cấp tiếp xúc trực tiếp với người dân trong mọi việc. Hầu hết cán bộ các cấp huyện, xã đều nhất trí "cấp thôn bản vùng cao như cái cổ chai". Thôn trưởng đang thực hiện "dịch vụ một cửa" cho người dân vùng cao, là người thay mặt và làm giúp dân hầu hết các thủ tục với bên ngoài. Khi phỏng vấn người dân vùng cao, càng khẳng định cả năm trời hầu hết họ không ra đến trụ sở xã, mọi thông tin 2 chiều liên quan đến chính quyền người dân đều dựa vào Trưởng thôn. Với một nhiệm vụ nặng nề như vậy nhưng việc đào tạo, đãi ngộ thôn trưởng chưa được coi trọng đúng mức. Trong chuyến đi ở 6 thôn, chúng tôi đã gặp 3 thôn trưởng rất tích cực trong công tác nhưng họ đều tâm sự không muốn làm tiếp tục vì "quá mệt, phải bỏ hết việc nhà".

Với người dân vùng cao: khi được hỏi về các sự việc mà các gia đình cần phải đến UBND xã hay huyện để giải quyết (như khai sinh, khai tử, làm bìa đỏ, chuyển nhượng đất, xin giấy phép bán gỗ, xác nhận hồ sơ cho con đi học v.v..) thì hầu hết các chủ hộ vùng cao gần như không mấy ai trả lời (chỉ mỉm cười và im lặng). Vì thực tế họ chưa mấy khi phải đến trụ sở UBND xã và đến huyện thì càng hiếm.

Do sống cách biệt, sản xuất tự túc, ít biết tiếng Kinh, luật tục còn nhiều, nên người dân vùng cao rất ít biết đến luật pháp nhà nước và càng thiếu hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, mọi công việc liên quan đến chính quyền họ đều dựa vào thôn trưởng. Với họ, thôn trưởng là người cấp thông tin về hành chính duy nhất, và cũng là người quyết định nhiều dịch vụ hành chính công quan trọng.

Với người dân vùng thấp: Do dân trí cao, giao lưu hàng hoá và xã hội khá rộng, nên nhu cầu về dịch vụ HCC nhiều hơn vùng cao rõ rệt. Đa số người dân tự biết đến UBND xã và cả huyện để giải quyết các việc có liên quan. Việc CCHCC sẽ có nhiều thuận lợi và tác động tốt đến vùng thấp. Ví dụ xã Phong niên, nơi có nhiều người Kinh cư trú, UBND xã đã bố trí 3 người tại phòng tiếp dân (gồm phó chủ tịch, tư pháp, văn phòng) để tiếp thu và giải quyết mọi thắc mắc, hay nhu cầu tư vấn luật pháp cho dân. Các vụ việc nhiều nhất là tranh chấp đất đai và ly hôn.

Đề xuất:

Cải cách hành chính ở vùng cao bắt đầu từ vị trí Trưởng thôn

Đề án CCHC hiện nay còn thiếu các hành động ở cấp thôn bản. Chính sách đối với cấp thôn bản là phần mà chính quyền tỉnh có thể quyết định trong phạm vi của mình vì sự nghiệp XĐGN ở vùng cao.

• Bổ sung chức danh Phó thôn, nhất là ở vùng cao, có nhiều dân tộc trong một thôn

• Xây dựng, hệ thống hóa lại các qui trình thủ tục, hồ sơ giấy tờ ở vùng cao có tính đến "dịch vụ 1 cửa" của trưởng thôn (làm cầu nối giữa dân và cấp xã, với các ngành các tổ chức liên quan);

• Tập huấn cho các cán bộ xã, thôn về các qui trình thủ tục, hồ sơ giấy tờ đó để giúp thực hiện tốt hơn các dịch vụ hành chính

Xuất bản một tài liệu (chữ to, văn gọn, nhiều hình ảnh dễ hiểu) về các thủ tục hành chính, về các quyền và nghĩa vụ của người dân, nhất là của người nghèo để phát cho Trưởng thôn. Trưởng thôn sẽ kết hợp phổ biến các thông tin này cho người dân trong các cuộc họp thôn.

• Nghiên cứu tăng phụ cấp cho cán bộ trưởng (và phó) thôn. Hiện nay phụ cấp cho thôn trưởng 90.000 đ/tháng quá thấp; trong khi một cô giáo cấp I lên thôn bản vùng cao dạy học đã được hưởng 1,2 đến 1,7 triệu đồng/tháng.

• Thực hiện dự án thí điểm cải cách hành chính ở vùng cao, chú trọng vào cấp thôn bản, để phục vụ XĐGN tốt hơn.

Phân cấp mạnh hơn cho cấp xã

Phân cấp đi kèm với nâng cao năng lực là một tinh thần chủ đạo của đề án CCHC tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên trong đề án này mới nhắc đến phân cấp cho cấp huyện mà chưa nhắc đến phân cấp cho cấp xã. Trên thực tế, việc phân cấp cho xã đang được tiến hành nhưng kết quả còn khiêm tốn (trong chương trình 135 mới có 30% số xã được phân cấp làm chủ đầu tư). Đây là lĩnh vực cần đẩy mạnh trong thời gian tới vì sự nghiệp XĐGN.

Hoạt động của các Ban Chỉ đạo XĐGN cấp xã

Thành viên Ban chỉ đạo XĐGN cấp xã gồm cán bộ chủ chốt của chính quyền và các đoàn thể trong xã. Mặc dù cán bộ của Ban cũng được đào tạo đủ các nội dung XĐGN, nhưng Ban chỉ bận rộn vào đợt điều tra hộ nghèo hàng năm, còn ngoài ra ít phát huy tác dụng. Lý do là:

• Ban không có kinh phí hoạt động, không có quyền "quyết" gì;

• Ban thực tế cũng không "chỉ đạo" các hoạt động XĐGN vì mỗi mảng hoạt động như đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn, giáo dục, y tế... đều đã có cơ chế chỉ đạo riêng;

• Ban có kế hoạch giao cho các cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo; nhưng thực tế 1 đảng viên giúp đến hơn chục hộ nghèo không xuể; hơn nữa qua phỏng vấn cho thấy bản thân người nghèo không thích "bị' người khác chỉ bảo (có lẽ các hoạt động theo tổ nhóm sẽ có ích cho người nghèo hơn).

• Những cán bộ chuyên môn như khuyến nông, địa chính - những người có thể giúp hộ nghèo về cách làm ăn, về đất đai, lại không phải là thành viên của Ban.

Qua đợt khảo sát cho thấy, cải tiến tổ chức (bổ sung các cán bộ chuyên môn), cải tiến chức năng - nhiệm vụ (gắn với phân cấp, đi kèm với vấn đề tài chính) của Ban chỉ đạo XĐGN xã đang là một vấn đề bức xúc để khắc phục bệnh "hình thức" trong chỉ đạo XĐGN ở cơ sở. Hơn nữa, hiện nay có quá nhiều "Ban", "Tiểu Ban" ở cấp xã đều ít nhiều có chức năng phát triển KT-XH và XĐGN trong khi nhân sự có hạn ("một người đội quá nhiều mũ"). Có lẽ cần tính đến việc giảm bớt các Ban ở cấp xã để tránh bệnh hình thức và để tập trung trong chỉ đạo thực hiện hơn.

Cả 4 xã khảo sát trong đợt PPA này đêu thuộc dự án "giảm nghèo vùng cao" vay vốn WB (phần hỗ trợ kỹ thuật do DFID tài trợ). Dự án này đang áp dụng mô hình "Ban phát triển xã" nhằm tăng cường sự chủ động của các xã nghèo trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các dự án XĐGN theo cách tiếp cận tham gia trên địa bàn. Tuy nhiên tại các xã đến tháng 7/2003 mới có quyết định thành lập Ban phát triển xã này, mà chưa có hoạt động gì cụ thể.

Tăng cường cán bộ cho các xã 135

Thời gian qua tỉnh Lào cai đã thực hiện chính sách tăng cường khoảng 200 cán bộ cho các xã 135 với chức danh "cán bộ 135" để giúp lãnh đạo xã chỉ đạo thực hiện các chương trình XĐGN trên địa bàn. Về nguyên tắc, cán cán bộ tăng cường này sau 2-3 năm nếu hoàn thành nhiệm vụ sẽ được điều về cơ quan cũ làm việc. Các cán bộ này được hưởng nguyên lương, được thêm phụ cấp 300-500.000 đ/tháng. Ngoài ra có một số cán bộ được "luân chuyển" xuống cơ sở để giữ các chức danh lãnh đạo (bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã).

Hiện nay, cảm nhận chung tại các xã khảo sát là các cán bộ tăng cường này đang phát huy tác dụng. Trong bối cảnh các xã chưa có cán bộ chuyên trách XĐGN, thì số cán bộ tăng cường 135 này cần được tập huấn kỹ hơn, tổng hợp hơn về XĐGN để đảm nhiệm vai trò "cán bộ chuyên trách XĐGN". Cũng cần bố trí cán bộ này vào thường trực Ban chỉ đạo XĐGN của xã (có thể giữ cương vị Phó Ban). Thực tế, nếu cán bộ này được cơ cấu vào Đảng ủy xã sẽ phát huy vai trò tốt hơn. Tất nhiên cần tính dần đến phương án thay thế các cán bộ tăng cường này bằng người địa phương ở những nơi nào có điều kiện.

Nhận thức về CCHC của cán bộ huyện, xã

Với cấp huyện, qua khảo sát nói chung công chức đều nhận thấy chương trình CCHC là cơ hội tốt để củng cố chất lượng cán bộ, nâng cao hiệu quả của cơ quan nhà nước. Số cán bộ trẻ và có bằng cấp phấn khởi hơn khi được tin tưởng và đưa vào các vị trí lãnh đạo cơ quan. Tại huyện Bảo Thắng, một nơi được chọn làm thí điểm CCHC của tỉnh Lào cai, phỏng vấn ông Chủ tịch huyện cho cảm nhận đã có nhiều tín hiệu khả quan sau 6 tháng triển khai. Tuy nhiên thảo luận với 1 nhóm cán bộ huyện cho thấy việc cải cách "khoán chi hành chính" - trong đó có khoán chi phí đi công tác, cũng có cái dở là cào bằng giữa các cán bộ, có thể làm những cán bộ ở những vị trí hay phải đi cơ sở sẽ bớt đi hơn trước đây.

Phỏng vấn ông Mai Quốc Tờ, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng:

Với tư cách là huyện thí điểm của tỉnh Lào cai, CCHC của huyện đã triển khai được đến đâu và kết quả bước đầu ?

Ở cấp huyện:

• CCHC đã được đa số cán bộ hưởng ứng và thực hiện tốt một số bước quan trọng như:

- Đã giảm các đầu mối cấp huyện, từ 16 phòng ban xuống còn 10 đầu mối.

- Giảm số lượng công chức UBND huyện từ 120, còn 88 người, với 18 người phục vụ và 70 người làm chuyên môn, nghiệp vụ.

- Cấp trưởng phòng phải có trình độ đại học, nếu không thì xuống làm cán bộ thường, hay về hưu sớm.

- Thực hiện khoán chi ngân sách sự nghiệp từ đầu tháng 1/ 2003, với định mức 19 triệu/người/năm cho văn phòng UBND, HĐND huyện và 16,5 -17 triệu

đồng/người/năm cho khối các ban ngành.

Kết quả ban đầu ra sao?

Trách nhiệm cá nhân tăng rõ rệt, làm việc hăng hái hơn, ít đầu mối nên lãnh đạo dễ theo dõi điều hành. Sự phân công giữa các phòng rõ ràng hơn và hợp tác tốt hơn. Nhờ khoán quỹ sự nghiệp nên chi tiêu tiết kiệm và hợp lý hơn. Sau mỗi quý, nếu quỹ còn dư, sẽ được dùng để trả thêm cho mỗi công chức, tuỳ năng lực kết quả công tác trong quý. Vì vậy, bình quân thu nhập cán bộ tăng trên 200 ngàn VNĐ/ tháng.

Số cán bộ bị thay thế phản ứng ra sao ?

Để mở đầu CCHC, lãnh đạo huyện đã tập trung vào kiện toàn bộ máy và nhân sự, một vấn đề rất nhạy cảm với nhiều cán bộ, song đến nay đã ổn thoả. Đa số cán bộ trưởng và phó phòng bị thay thế do không đủ trình độ đã vui vẻ nhận nhiệm vụ mới, hoặc về hưu. Huyện đã áp dụng cơ chế ưu đãi đối với các trưởng phó phòng gần đủ tuổi hưu, nhưng không đủ điều kiện ở lại. Họ được quyền về hưu sớm và hưởng thêm 16-20 triệu đồng, nếu tổng số năm phục vụ đủ quy định. Nhờ vậy, số cán bộ này thông suốt và chưa có trường hợp nào thắc mắc, khiếu nại.

Năng lực cán bộ sau khi củng cố ?

Về bằng cấp thì các chức danh trong bộ máy cấp huyện đã đạt tiêu chuẩn, song năng lực thì chỉ đạt 70%. Vì vậy phải tiếp tục nâng cao trình độ và tiếp tục đổi mới cán bộ.

Nhờ CCHC mà phong trào học tập để nâng cao trình độ của cán bộ tăng lên rõ rêt. Huyện đang cho nhiều cán bộ đi học tập trung, để nhanh chóng nâng cao năng lực của bộ máy hành chính.

Ở cấp xã:

• Các xã cũng mới bắt đầu về nhân sự, nhưng còn nhiều khó khăn vì thiếu người địa phương đủ điều kiện.

• Bốn chức danh sau đây phải có trình độ trung cấp chuyên ngành (tài chính, địa chính, tư pháp và chánh văn phòng). Đến nay toàn huyện đã bố trí được 42 người đủ trình độ trong tổng số 60 người ở cấp xã. Huyện đang cho nhiều cán bộ đi học và tuyển chọn mới để bảo đảm năm 2004 bộ máy cấp xã phải đáp ứng quy định của chương trìh CCH của tỉnh đã đề ra.

Với cấp xã, nhận thức về CCHC của cán bộ xã (nhấtt là xã vùng cao) còn có khoảng cách so với huyện. Không xã nào (kể cả ở huyện Bảo thắng - nơi đang thực hiện chương trrình CCHC) có một kế hoạch CCHC cụ thể, mà chủ yếu "theo sự chỉ đạo cụ thể của tỉnh, huyện". Vấn đề năng lực cán bộ cấp xã, thôn luôn được nhắc đến (chuẩn hóa 4 chức danh chuyên môn và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo qui định chung11). Qua phỏng vấn cán bộ xã, những cải tiến về tiền lương vừa qua đã khiến cán bộ xã phấn khởi hơn, yên tâm công tác hơn. Tuy nhiên một bất cập là "chênh lệch giữa cấp trưởng với cấp phó [các đoàn thể] lớn quá, nên cấp phó không yên tâm công tác". Cũng có thể thấy lương bổng tăng không đương nhiên dẫn đến CCHC được đẩy mạnh. Tại cấp xã đang cần một kế hoạch CCHC với các hành động cụ thể, đi kèm với một hệ thống giám sát - đánh giá hiệu quả, để phục vụ XĐGN tốt hơn.

Đề xuất: Tăng cường giám sát - đánh giá hiệu quả CCHC ở cấp cơ sở

Qua phỏng vấn, cán bộ các cấp thường nhắc đến mạnh các đầu ra của CCHC (nâng cao năng lực cán bộ, cải tiến thủ tục, giảm đầu mối...), nhưng còn ít nhắc đến làm thế nào để đo lường hiệu quả - tác động của CCHC đối với người dân. Cách thường được nhắc đến là 'viết báo cáo" (6 tháng 1 lần). Có thể thấy giám sát - đánh giá đang là một khâu còn thiếu trong CCHC vì sự nghiệp XĐGN ở cơ sở. Có 2 việc nên làm ngay là:

• Hướng dẫn lập kế hoạch CCHC ở cấp xã với các hành động cụ thể, phân công phân nhiệm rõ ràng (gắn liền CCHC với XĐGN, với thực hiện Qui chế dân chủ cơ sở).

11 Mục tiêu của tỉnh Lào cai là đến 2005 "đảm bảo 90% cán bộ chủ chốt chính quyền cơ sở xã vùng III có trình độ hoàn chỉnh tiểu học trở lên; 100% cán bộ chủ chốt các xã vùng I, vùng II có trình độ trung học cơ sở trở lên".

• Xây dựng hệ chỉ tiêu giám sát - đánh giá hiệu quả của CCHC (đi kèm phương pháp đánh giá, gắn với cảm nhận, ý kiến của người dân...).

Một phần của tài liệu PPA_Lao_cai-1stdraft-vietnamese (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w